Văn hóa - Giải Trí

Đại gia Bắc Ninh chi hơn 6 triệu Euro có được toàn quyền sở hữu ấn vàng?

14/02/2023, 17:43

Ông Nguyễn Thế Hồng chi hơn 6,1 triệu Euro mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Vậy, đại gia Bắc Ninh có được toàn quyền quyết định tương lai chiếc ấn?

Những ngày qua, thông tin ông Nguyễn Thế Hồng - Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh là người đã chi hơn 6,1 triệu Euro (hơn 153,4 tỷ đồng), thành công mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận.

img

Ông Nguyễn Thế Hồng ký hợp đồng mua ấn với nhà đấu giá Millon hôm 13/1 tại Pháp

Trong diễn biến mới nhất, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết hiện phía Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để đưa cổ vật quý giá này hồi hương trong thời gian sớm nhất.

Ấn vàng Hoàng Đế chi bảo dự kiến sẽ được đưa về Việt Nam vào cuối tháng 4, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước.

Về phía ông Hồng, vị doanh nhân chưa có phát ngôn liên quan đến sự việc và tương lai của chiếc ấn quý.

Vấn đề đặt ra là, chiếc ấn do ông Hồng bỏ tiền mua và hồi hương về Việt Nam nhưng sẽ do ai quản lý? Công tác quản lý, bảo tồn cổ vật này được quy định ra sao?

Báo Giao thông đã liên hệ với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội để trao đổi thêm về vấn đề này.

Chiếc ấn vàng sẽ thuộc quyền sở hữu của ai?

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ 100 năm tuổi trở lên, theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật di sản văn hóa 2001, sửa đổi 2009.

Theo đó, ấn vàng triều Nguyễn do doanh nhân Thế Hồng mua được xác định là cổ vật.

Điều 5 Luật di sản văn hóa 2001, sửa đổi 2009 quy định: “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với di sản văn hóa được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Điều 43 Luật này cũng quy định: "Cổ vật thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải được quản lý trong các bảo tàng và không được mua bán, tặng cho; cổ vật thuộc các hình thức sở hữu khác được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo luật sư Tiền, ngoài sở hữu nhà nước, bảo vật quốc gia còn có thể thuộc sở hữu tập thể của tư nhân và các hình thức sở hữu khác.

"Do đó, doanh nhân Thế Hồng được xác định là chủ sở hữu và có quyền mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế chiếc ấn vàng ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật", vị luật sư cho hay.

img

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội

Ông Hồng có được toàn quyền quyết định về tương lai của chiếc ấn?

Tuy nhiên, luật sư Tiền cũng lưu ý, mặc dù là sở hữu tư nhân, nhưng chủ sở hữu (tức ông Hồng) phải tuân thủ các quy định về quyền và nghĩa vụ tại Điều 15 Luật di sản văn hóa như: Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa;

Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất;

Gửi sưu tập di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị;

Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa…

img

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phát triển cổ vật còn phải tuân theo các quy định tại Điều 44, Điều 45 Luật di sản văn hóa.

"Cụ thể, nếu ông Hồng muốn tổ chức mua bán cổ vật thì phải tổ chức đấu giá hoặc thỏa thuận giữa các bên, trong đó Nhà nước được ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Trong trường hợp muốn đưa cổ vật ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản thì bên cạnh bảo đảm có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận cổ vật còn phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; quyết định của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài", luật sư Tiền phân tích.

Ấn vàng được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.

Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg).

Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).

Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài...

Đại diện Cục Di sản Văn hóa khẳng định, Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.