Doanh nghiệp nội sụt giảm doanh thu
Những ngày qua,dư luận bất ngờ trước thông tin doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng do không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận.
Lũy kế 10 tháng qua, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu hơn 98.000 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 73% kế hoạch kinh doanh dự kiến. Còn doanh thu trong 9 tháng đầu năm là hơn 86.800 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 77 tỷ đồng, giảm 98%.
Nhân sự công ty thời gian qua cũng giảm mạnh. Đến ngày 30/9, Thế giới Di động có hơn 80.200 nhân viên, giảm 11.800 nhân viên (tức 14,8% quy mô nhân sự) so với thời điểm 30/9/2022.
Báo cáo phân tích về Thế giới Di động vừa được Công ty Cổ phần chứng khoán SSI công bố dự báo, chuỗi Bách hóa Xanh do Thế giới Di động phát triển sẽ tiếp tục lỗ, chưa đạt điểm hòa vốn vào cuối năm như kỳ vọng. Theo dự báo, Bách hóa Xanh sẽ lỗ khoảng 1.100 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong khi nhiều doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam phải thu hẹp phạm vi hoạt động thì đại gia Thái Lan Central Retail vẫn giữ ưu thế khi tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng uy tín theo đánh giá của Việt Nam (Vietnam Report). Các vị trí tiếp theo có sự hoán đổi khi Saigon Coop vượt qua WinCommerce để vươn lên vị trí thứ 2. Tiếp theo là các nhà bán lẻ ngoại gồm Mega Market (Top 4), Aeon Mall (Top 5) và Lotte Mart (Top 7).
Trước việc ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô 142 tỷ USD, được dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (đóng góp 59% GDP), nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã dành sự quan tâm cho thị trường này.
Cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã khai trương Tổ hợp thương mại Lotte Mall West Lake Hanoi với vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD. Trước đó, tập đoàn này đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam để vận hành 270 nhà hàng Lotteria và 15 siêu thị Lotte Mart. Dự kiến, thời gian tới, Lotte sẽ đầu tư khu phức hợp bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng… tại TP.HCM với số vốn lên đến gần 1 tỷ USD.
Còn GS Retail - tập đoàn bán lẻ lớn khác của Hàn Quốc cũng đã mở hơn 200 cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua ký kết hợp đồng đầu tư với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).
Trong khi từ nay đến năm 2025, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) sẽ triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Mục tiêu của Aeon là mở 30 trung tâm mua sắm và siêu thị bách hóa tổng hợp vào năm 2030.
Theo Giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam Olivier Langle, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo GDP năm 2023-2024 sẽ tăng trưởng 6,7-7,2%, trong khi Thái Lan chỉ tăng 3,5%/năm. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động đầu tư.
Central Retailsẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới để nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố. Kế hoạch rót thêm vốn nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026 lên 65.000 tỷ đồng.
Thời của trung tâm thương mại "all-in-one"
Theo Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga, nhờ đẩy mạnh đầu tư, doanh nghiệp trong nước đang chiếm ưu thế khi sở hữu tới 70-80% số điểm bán hàng trên cả nước. Trong đó, những doanh nghiệp như WinMart, Co.op Mart đang sở hữu hàng nghìn điểm bán.
Việc các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam sẽ gây nên sức ép nhất định đến "miếng bánh" thị phần của doanh nghiệp nội địa. Song song với việc xây dựng các kênh bán lẻ của người Việt, cần chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Người tiêu dùng hiện nay sẽ lựa chọn hàng hóa của những doanh nghiệp luôn coi khách hàng là thượng đế.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, việc sở hữu nhiều điểm bán không đồng nghĩa với việc chiếm thị phần lớn. Hiện nay, những điểm bán quy mô lớn, hiện đại đều thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Kết quả khảo sát người tiêu dùng được thực hiện vào tháng 8/2023 của Vietnam Report cho thấy khía cạnh về chất lượng sản phẩm (53,4%), sự đa dạng hàng hóa (47,2%) và danh tiếng của các nhà bán lẻ (41,5%) là những ưu tiên hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi mua hàng. Sau đó, mới đến các chương trình ưu đãi (37,3%) và vị trí địa lý của cửa hàng (34,7%).
Một điểm đáng chú ý khác là người tiêu dùng ngày càng phát triển thói quen mua sắm đa kênh linh hoạt và mong đợi sự nhất quán, liền mạch giữa trải nghiệm trực tuyến và tại cửa hàng.
Ông Phú cho rằng, phần lớn điểm bán của doanh nghiệp nội là cửa hàng tiện ích, không phải là điểm đến trải nghiệm. Đó là điểm yếu mà doanh nghiệp Việt cần nhận ra để có chuyển mình kịp thời.
Thời gian qua, trong khi các siêu thị thuần túy hoạt động khó khăn, các trung tâm thương mại lại phát huy hiệu quả khi gắn với sự phát triển của thương mại điện tử và dịch vụ vui chơi. Vì thế, xu thế tiêu dùng trong thời gian tới vẫn là các trung tâm thương mại "all-in-one" (tất cả trong một).
Chuyên gia Nguyễn Bảo Ngọc (Đại học Thương mại) cũng nhận định nhiều trung tâm thương mại "all-in-one" đang hoạt động tốt nhờ các thương hiệu này luôn có các bước cải tiến về hình thức, mô hình, cách thức hợp tác...
Do đó, để cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần đầu tư về tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực nhân sự quản lý bán lẻ, ứng dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật và logistics…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận