Chuyện dọc đường

Đại lộ sinh đại phú

28/08/2021, 06:44

Tại Việt Nam và các nước trên thế giới, khi các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác lập tức mang lại những hiệu quả rõ rệt về kinh tế-xã hội.

Hệ thống đường sá, kết cấu hạ tầng giao thông luôn là huyết mạch của nền kinh tế. Thực tế đã chứng minh, quốc gia nào có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, kinh tế đều phát triển.

img

Bìa số báo đặc biệt của Báo Giao thông với chủ đề "Đại lộ sinh đại phú"

Tại Mỹ, từ nửa đầu thế kỷ 20, họ tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang nối liền 200 thành phố lớn được ví như một “động cơ” đưa quốc gia này đạt mức thịnh vượng ngoài trông đợi.

Nhờ có hệ thống đường cao tốc, GDP của Mỹ đã tăng từ 3.000 tỷ USD lên 19.000 tỷ USD trong 65 năm qua.

Theo tính toán, cứ 1 USD chi phí xây cao tốc ở Mỹ sẽ mang về 6 USD hiệu quả kinh tế. Hơn cả tiền bạc, hệ thống cao tốc liên bang đã góp phần kéo giảm ít nhất 187.000 người chết và gần 12.000.000 người bị thương do tai nạn giao thông…

Tại Trung Quốc, việc phát triển đường bộ cao tốc được thực hiện theo phương châm: “Muốn giàu phải làm đường trước” và “Ðường nhỏ giàu nhỏ, đường to giàu to, đường bộ cao tốc giàu nhanh”.

Năm 1999, Trung Quốc có khoảng 10.000km đường cao tốc, đứng thứ 4 thế giới; năm 2000 đạt 16.000km, đứng thứ 3 thế giới; năm 2010 là 104.400km và đến năm 2020 có 168.100km, nhất thế giới.

Đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai, tương lai rất có thể sẽ vượt mặt Mỹ.

Tại Việt Nam, gần 20 năm qua, chúng ta mới xây dựng được gần 1.200km cao tốc. Các tuyến cao tốc khi được đưa vào khai thác ngay lập tức mang lại những hiệu quả rõ rệt về kinh tế - xã hội.

Điển hình, năm 2010, khi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa đưa vào khai thác, tỉnh Hà Nam chỉ có 2 khu công nghiệp. Đến nay, Hà Nam là một trong 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Hay như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chỉ sau 1 năm đưa vào khai thác, GDP của tỉnh Lào Cai tăng trưởng lên đến 3.500 tỷ đồng.

Ước tính một năm tuyến đường này đã làm lợi cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng từ tiết kiệm về mặt thời gian đi lại, nhiên liệu, chi phí hao mòn xe…

Với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khi ra đời đã tạo nên quỹ đất hơn 50.000ha quanh khu vực phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Tổng thu ngân sách của Hải Phòng từ chỗ gần 63.000 tỷ đồng năm 2016 đã tăng lên hơn 84.000 tỷ đồng vào năm 2020...

Tại Quảng Ninh, các tuyến cao tốc được xây dựng thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương phát triển năng động nhất cả nước.

“Đại lộ sinh đại phú”, “Đường mở tới đâu dân giàu tới đó”, thực tế đã chứng minh nơi nào có hệ thống giao thông thuận lợi thì kinh tế ở đó phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Có thể khẳng định, đại lộ sinh đại phú, chứ không phải đại phú sinh đại lộ. Bởi thế, không chờ đến khi đất nước giàu có mới làm cao tốc, mà phải làm cao tốc mới giàu.

Đại hội Đảng XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km cao tốc. Hiện, Bộ GTVT đang tham mưu cho Chính phủ rốt ráo đưa ra các giải pháp đột phá để hiện thực hóa mục tiêu trên.

20 năm trước cả nước mới phát triển được gần 1.200km cao tốc, nay chỉ trong 10 năm chúng ta phải làm hơn 3.800km cao tốc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, không chỉ cần có một tham vọng lớn, một quyết tâm chính trị lớn, mà cần có thể chế đột phá, cụ thể và khả thi.

Việc hoàn thành 5.000km cao tốc vào năm 2030 sẽ là tiền đề, cơ sở vững chắc đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.