Tuy nhiên, hơn chục năm qua, người dân chỉ được nhận đất ở, nhiều hộ phải bỏ nhà đi nơi khác mưu sinh.
Cuộc sống bấp bênh
Dự án sắp xếp dân cư xã Ia Jlơi triển khai từ năm 2008 và kết thúc năm 2012 nhưng đến nay vẫn dở dang.
Trở về nhà sau một ngày làm thuê mệt nhọc, anh Cầm Bá Lâm (38 tuổi, ngụ thôn 6, thuộc khu dự án sắp xếp dân cư tại xã Ea Jlơi) than thở: "Theo sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình từ thôn 6 cũ chuyển về khu đất dự án sinh sống từ năm 2020.
Ngày đầu lên dự án, chính quyền hứa sẽ cấp 500m2 đất ở, 1 ha đất nông nghiệp để canh tác, ổn định cuộc sống".
Tuy nhiên, đến nay gia đình anh Lâm chỉ được cấp đất ở, còn lại không có đất sản xuất. Bao năm ở đây, điện không có dân phải tự kéo, nước sạch cũng không, đường sá thì xuống cấp khiến cuộc sống người dân càng thêm khó khăn.
Không có đất, vợ chồng anh Lâm phải đi làm thuê làm mướn để nuôi con. Hằng ngày, ai thuê gì làm nấy, đi hái bắp, cuốc cỏ, gặt lúa... với tiền công từ 180-220 nghìn đồng.
"Tưởng về khu dự án sống, được cấp đất canh tác có kế sinh nhai, nào ngờ tất cả chỉ là lời hứa suông", anh Lâm ngán ngẩm.
Tương tự, chị Trương Thị Mai, một người dân sống tại đây chia sẻ, cách đây ba năm, gia đình dắt díu nhau về khu dự án sống. Gia đình chị "vỡ mộng" vì sau bao năm cuộc sống không có gì thay đổi.
Cũng như hàng trăm gia đình ở khu dự án đều chưa được cấp đất sản xuất, gia đình chị Mai đi làm thuê, mướn đất của người dân canh tác mì, bắp… nhưng cuộc sống rất bấp bênh.
"Không có đất sản xuất, đói nghèo bủa vây, đa số người dân ở đây bỏ đi Bình Dương, TP.HCM làm công nhân", chị Mai cho hay.
Theo ghi nhận, dự án sắp xếp dân cư xã Ia Jlơi nằm đối diện UBND xã. Dự án được phân khu bàn cờ bởi những con đường đất cấp phối đã xuống cấp, nhiều vị trí sình lầy, đi lại khó khăn.
Các hộ dân được bố trí về dự án tập trung ở trục đường gần UBND xã, các diện tích còn lại là cây rừng mọc um tùm. Những hộ dân đến đây sống, phải tự khoan giếng nước, kéo điện về để sinh hoạt.
Ông Bùi Văn Hoạch, Trưởng thôn 6 cho biết, người dân trong dự án đều là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%.
Thực trạng người dân chưa được cấp đất sản xuất nguyên nhân vì đất dự án chưa được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để cấp cho bà con.
"Nông dân phải có đất mới sinh sống được. Nếu đúng quy trình thì dự án có điện - đường - trường - trạm nhưng ở đây không có gì.
Vì miếng cơm manh áo, người dân phải bỏ nhà ở dự án, đi xa để làm ăn. Trong các cuộc họp, người dân kiến nghị nhiều, nhưng đến nay vẫn không có gì thay đổi", ông Hoạch nói
Chưa biết khi nào hoàn thành dự án
Theo đại diện UBND xã Ia Jlơi, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định về việc triển khai dự án sắp xếp dân cư xã Ia Jlơi, với quy mô khoảng 2.000ha, trong đó hơn 121ha đất quy hoạch khu dân cư, 1.447ha đất sản xuất (cây lâu năm, cây hằng năm và lúa nước) và một phần diện tích đất dự phòng.
Mục tiêu của dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân. Đến năm 2012, dự án dự kiến hoàn thành, bố trí ổn định cho 600-800 hộ dân có đất ở và đất sản xuất.
Theo kế hoạch, mỗi hộ dân về vùng dự án được cấp 400-500m2 đất ở và bố trí thêm 0,5-1ha đất sản xuất.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, triển khai chậm và không đạt tiến độ. Mãi tới năm 2016, chính quyền mới bố trí cho 163 hộ tại thôn 6 và thôn 7 về ở.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Ia Jlơi, hiện dự án mới bố trí được 167 hộ với 618 nhân khẩu, nhưng chưa bố trí được đất sản xuất.
UBND xã đã nhiều lần đề nghị huyện xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu vực quy hoạch để bố trí cấp đất sản xuất cho các hộ dân vùng dự án.
Ông Ngô Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, dự án đã kéo dài quá lâu nhưng chưa biết khi nào sẽ hoàn thành. Nguồn vốn triển khai phụ thuộc vào tỉnh nên huyện không chủ động bố trí được.
Vừa qua, huyện đề xuất đưa hơn 200ha đất ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Tuy nhiên, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk chỉ chấp thuận đưa 103ha để thực hiện dự án. Thời gian tới, huyện tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí và các thủ tục để tiếp tiếp tục triển khai các hạng mục hoàn thiện dự án.
Theo ông Ngô Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp, dự án triển khai từ năm 2008-2012 nhằm mục tiêu giãn dân nhưng làm mãi không xong.
Đến nay, dự án mới hoàn thiện được giao thông nội vùng (đường cấp phối), trường học, nhà văn hóa. Còn lại, việc bố trí đất sản xuất chưa hoàn thiện, hệ thống điện lưới, nước sạch chưa triển khai được.
"Chúng tôi rất muốn làm vì dự án đã kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, vì 2.000ha đất tại dự án đa phần là đất rừng, cần phải từng bước để đưa ra khỏi quy hoạch.
Huyện khát khao muốn làm dự án cho xong để bố trí, sắp xếp cho dân chỗ ở, cấp đất sản xuất", ông Thắng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận