Chuyến xe chỉ vài hành khách
Trước khi đón chiếc xe buýt chạy tuyến Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông), thuộc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk, PV không thể hình dung khi lăn bánh rời trung tâm thành phố nhưng trên xe chỉ có tài xế, nhân viên bán vé và hai hành khách.
Trên suốt hành trình khoảng 120km, đi qua các trạm xe buýt không một bóng khách, tài xế đóng cửa và chạy thẳng suốt hành trình về TP Gia Nghĩa.
Tương tự, trên các chuyến xe buýt TP Buôn Ma Thuột đi thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, thuộc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk); TP Buôn Ma Thuột đi huyện Ea Kar (Hợp tác xã Quyết Thắng); TP Buôn Ma Thuột đi Ea Súp (Hợp tác xã Cư Mil); TP Buôn Ma Thuột đi thị xã Buôn Hồ (Hợp tác xã Thanh Hà) đều vắng khách. Mỗi chuyến xe xuất bến chỉ lèo tèo vài khách.
Tài xế Kiều Quốc Phong, chạy xe buýt tuyến Buôn Ma Thuột - Buôn Trấp than thở: "Vài năm trở lại đây, lượng khách đi xe buýt giảm hơn 50%.
Nếu trước đây mỗi ngày một xe bán vé bèo nhất cũng được từ 1,5 - 2 triệu đồng, nhưng giờ chỉ được 300 - 400 nghìn đồng, trong khi đó tiền dầu hết 1 triệu đồng. Hầu như các tuyến đều giảm chuyến, cắt tuyến".
Cũng theo tài xế Phong, nguyên nhân khiến xe buýt giảm khách là do xe dịch vụ, xe hợp đồng trá hình hoạt động bát nháo, không phải chịu bất kỳ khoản phí nào, giá nào cũng chạy. Trong khi đó, xe buýt phải đóng thuế, gánh đủ các loại phí.
Tương tự, một tài xế xe buýt chạy tuyến Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa chia sẻ: "Trước đây, mỗi tháng tài xế chạy từ 25 - 26 ngày, nhưng nay cắt giảm còn 20 ngày. Mỗi chuyến xe xuất bến và suốt hành trình chỉ có lác đác vài khách, chủ yếu chở học sinh đi vé tháng".
Ghi nhận tại đầu bến xe của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk, hàng chục xe nằm lưu kho, bụi bám kín. Do nhiều xe dừng hoạt động, nằm chật kín kho nên những chiếc xe khác phải xếp hàng ngoài sân bê tông phơi nắng mưa.
Càng chạy càng lỗ
Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, do càng chạy càng lỗ nên vừa qua đơn vị đã thông báo dừng hai tuyến xe buýt TP Buôn Ma Thuột - Lắk và Buôn Ma Thuột - Krông Nô (Đắk Nông).
Hiện ở TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), đơn vị cũng cắt hai tuyến Gia Nghĩa - Quảng Khê và Gia Nghĩa - Kiến Đức.
Cả công ty giờ chỉ hoạt động 4 tuyến Buôn Ma Thuột đi Buôn Trấp (Krông Ana), Krông Bông, Đắk Mil và Gia Nghĩa nhưng khả năng trong thời gian tới còn dừng tiếp nữa.
Cũng theo ông Bé, trước đây, đơn vị chạy vài chục đầu xe nhưng hiện nay cắt giảm còn khoảng từ 8 - 10 đầu xe, mỗi ngày một xe tiền bán vé thu được 500 - 600 nghìn đồng, trong khi tiền dầu hết 1,2 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí tài xế, nhân viên… nên càng chạy càng lỗ.
"Sau dịch Covid-19, lượng khách giảm mạnh, một phần do xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình bùng nổ. Thậm chí, mỗi chuyến xe xuất bến, xe dịch vụ trá hình cứ chạy trước đầu xe buýt, họ còn gây sự với tài xế xe buýt tranh giành khách rất phức tạp.
Công ty nhiều lần có văn bản nhưng không ai xử lý, đơn vị phản ánh mãi cũng chán nên thôi", ông Bé nói và cho biết, trước công ty có 110 xe hoạt động nhưng đến nay đã phải bán 20 xe. Hiện còn lại khoảng 90 xe nhưng chỉ hoạt động chưa được 40 xe, còn lại lưu kho bãi.
Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil, kiêm Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Trước đây, xe buýt chạy một ngày 34 chuyến nhưng này cắt giảm giờ còn khoảng 10 chuyến.
Xe buýt không "chọi" lại nổi xe dịch vụ, xe chạy trá hình. Doanh nghiệp đã hoạt động thì giờ cố cầm cự, song lúc nào cũng lo phá sản".
Theo ông Mạnh, xe buýt thường đúng trạm đúng tuyến, còn xe dịch vụ thì đưa đón tận nhà, giá nào cũng chạy, lại không chịu sự quản lý của ai.
"Nếu cơ quan quản lý không có biện pháp, việc các doanh nghiệp xe buýt bị khai tử là chuyện sớm muộn", ông Mạnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận