Tàu cá xa bờ nên đi theo tổ đội để hỗ trợ nhau trong các tình huống trên biển |
Chủ động cho chuyến ra khơi an toàn
Từ thực tế các vụ tai nạn trên biển, đặc biệt là tai nạn tàu cá cho thấy ý thức của chủ tàu và ngư dân trong công tác bảo đảm an toàn tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển còn hạn chế. Một số chủ tàu vẫn còn tư tưởng chủ quan ra khơi, bám biển khi có áp thấp nhiệt đới hoạt động gần bờ. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và xử lý thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới của nhiều thuyền trưởng còn hạn chế, tàu thuyền cũ, thiếu trang thiết bị an toàn phòng hộ, thiết bị thông tin liên lạc không thông suốt.
Vậy, để chủ động cho một chuyến ra khơi an toàn, trước khi ra khơi, chủ tàu thuyền cần phải kiểm tra tình trạng của tàu, nhất là đối với các trang thiết bị an toàn, thiết bị khai thác, nếu phát hiện bộ phận nào bị hao mòn thì phải thay mới ngay. Đồng thời, sắp xếp các thiết bị gọn gàng, đặt đúng chỗ để bảo đảm tính chủ động trong công tác cứu chữa khi gặp sự cố. Tất cả các thuyền viên phải được hướng dẫn và sử dụng thành thạo các trang thiết bị an toàn, trang bị phòng hộ...
Khi xuất bến, các chủ tàu cần khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với trạm kiểm soát biên phòng nơi phương tiện cư trú, đồng thời chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu nhằm chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão.
Đặc biệt, các chủ tàu phải thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển, đối với trường hợp gặp sóng to gió lớn đe dọa đến sự an toàn của tàu, sức khỏe thuyền viên thì nên ngừng hoạt động khai thác, tìm nơi tránh trú an toàn.
Chuẩn bị thuốc men cho chuyến đi biển dài ngày
Với các tàu thuyền thường xuyên đánh bắt cá xa bờ, ngư dân cần chuẩn bị thuốc men phòng trường hợp có người ốm đau trong chuyến đi dài ngày trên biển.
Một túi đựng thuốc cơ bản cần có gồm 1 hộp đựng thuốc bằng chất liệu túi da hoặc hộp nhựa cứng với cơ số thuốc tối thiểu chuẩn bị cho 10 người đi biển có: Kháng sinh điều trị nhiễm trùng Cephalexin 0,5g: 60 viên; Hạ sốt, giảm đau Panadol: 20 viên; Cảm sốt Decolgen: 20 viên; Đau dạ dày Phosphalugel: 20 gói; Omeprazol 20mg: 60 viên; Ngộ độc thức ăn Natri bicacbonat: 20 viên; Berberin: 2 lọ; Chống mất nước do nôn mửa, tiêu chảy Orezol: 10 gói; Salonpas: 2 hộp; Giảm đau cơ bắp: Dầu nóng: 2 lọ; Chống dị ứng Promethazin 25mg: 30 viên.
Trong hộp thuốc cũng cần có một số trang thiết bị cần thiết sơ, cấp cứu gồm: Bông hút nước: 0,5kg; Băng thun cỡ lớn: 2 cuộn; Băng cuộn vải cỡ lớn: 10 cuộn; Băng gạc cỡ lớn: 20 miếng; Băng dính: 20 cuộn; Cồn sát trùng iot: 2 lọ; Nẹp cố định gãy xương đùi: 1 bộ; Nẹp cố định gãy xương cánh tay: 1 bộ.
Ghi nhớ về thông tin liên lạc yêu cầu trợ giúp cứu hộ, cứu nạn
Chủ tàu, thuyền trưởng điều khiển tàu đánh bắt cá ngoài khơi khi gặp các tình huống khẩn cấp, cần liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để yêu cầu cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố mất an toàn trên biển.
Số điện thoại của Trung tâm trực 24/24h để thực hiện các yêu cầu khi gặp nạn là: 024.37683050, Fax: 024.37683048. Bên cạnh đó, trung tâm còn thực hiện việc trực canh cấp cứu cho tàu cá thu phát trên tần số 7903KHz hoặc phát bản tin thời tiết trên tần số 7906KHz.
Chú ý, thuyền trưởng chưa cho tàu, thuyền ra khơi xa ngoài phao số 0 khi thiếu thiết bị thu phát thông tin liên lạc (MF/HF) phù hợp trên biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận