Lương cao phải nâng chất lượng phục vụ dân
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho hay, thống kê hiện nay, mỗi công chức TP đang phục vụ 700 người dân, cao gấp hai lần cả nước; năng suất lao động của TP HCM cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Đây là cơ sở để thực hiện thu nhập tăng thêm cho công chức. Tuy nhiên, mục đích của việc chi thu nhập tăng thêm cho công chức, đều gắn với hiệu quả công việc và làm cho người dân hài lòng hơn, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo Sở Tài chính TP HCM cho biết, tính đến tháng 4/2019 - tròn một năm thành phố áp dụng thí điểm chính sách đặc thù tăng thêm thu nhập đối với cán bộ, công chức. Theo đó, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm có lộ trình năm 2018 sẽ tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Đến nay, thành phố đã chi hơn 3.200 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm.
Chị Nguyễn Thị Phương Thanh, công chức văn phòng thống kê UBND phường 16 quận 8 cho hay, từ quý II/2018, thành phố áp dụng chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, bản thân chị thấy đã có một sự động viên rất lớn. “Một quý nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài lương cơ bản thì thu nhập tăng thêm được khoảng 5,8 triệu đồng. Vì vậy, cán bộ công chức nào cũng nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, chị Thanh nói.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBND phường 16 cho hay, từ khi áp dụng cơ chế đặc thù về chi thu nhập tăng thêm, tinh thần cán bộ, công chức phấn khởi hẳn, tạo nên một không khí thi đua làm việc giữa các bộ phận. Năm 2019, thực hiện năm cải cách hành chính, cán bộ công chức sẽ được đánh giá bởi sự hài lòng của người dân. Trước đây việc đánh giá này bằng phiếu ghi tay, nhưng sắp tới phường 16 sẽ lắp màn hình tại các vị trí làm việc. Người dân khi giao dịch với cán bộ nào sẽ đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ đó bằng cách “cho điểm” hoặc bấm vào các biểu tượng mặt cười, mặt buồn… Cuối tháng, trên cơ sở những nhận xét của người dân, Hội đồng thi đua của phường sẽ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng bộ phận.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhi đang dạy học tại một trường ở quận 3 cho biết: Bậc lương hiện nhận gần 4 triệu đồng, khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được nhân theo cơ chế đặc thù (0,6 lần), tương đương khoảng 2,1 triệu/tháng (3 tháng sẽ được lĩnh khoảng 6,3 triệu đồng) nên đời sống “dễ thở” hơn so với trước. “Việc tăng thêm thu nhập giúp chúng tôi phấn chấn hơn trong công việc. Mọi người thường động viên nhau để làm sao hoàn thành tốt nhất công việc của mình để có thu nhập cao hơn…”, cô Nhi cho hay.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 9 cũng chia sẻ, việc xét lao động hàng tháng và hàng quý cho anh chị em được hưởng mức tăng thêm 0,6 công khai và minh bạch như: Hoàn thành nhiệm vụ vượt tiến độ, có chất lượng và hiệu quả; Sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công việc; Phối hợp, tạo lập mối quan hệ tốt với cá nhân, tổ chức có liên quan trọng thực hiện nhiệm vụ, chủ động tham mưu giải quyết công việc…
“Không chỉ hoàn thành công việc, mà phải sáng tạo trong công việc để đem lại hiệu quả giảng dạy tốt hơn. Luôn phải năng động trong suy nghĩ, để có những phương pháp mới từ bài giảng của mình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy...”, thầy hiệu trưởng nói.
Theo Sở Tài chính TP HCM, năm 2018, thành phố chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 3.243 tỉ đồng. Còn năm 2019, dự kiến mức chi khoảng 7.236 tỉ đồng.
Muốn có tiền phải lấy được lòng dân
Bà P.T.B, một cán bộ đang làm công tác hành chính tại UBND quận 11 cho hay, quy trình đánh giá gồm: Tự nhận xét, sau đó đến việc các đồng nghiệp, cán bộ nhận xét chéo nhau và vòng cuối cùng mới đưa lên lãnh đạo đánh giá lại. Hoàn thành xuất sắc công việc sẽ bao gồm tất cả các yếu tố như: Hoàn thành tốt công việc, sáng tạo và đem lại hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Vì chỉ có hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt mới có được tiền tăng thêm thu nhập còn hoàn thành và không hoàn thành đương nhiên sẽ không được áp dụng. Chính vì lẽ đó, chúng tôi động viên nhau “bằng mọi giá phải lấy được lòng người dân bằng cách làm thật tốt công việc của mình…”, bà B. nói.
Có mặt tại UBND quận 1, nhân viên của một doanh nghiệp đến xin giấy tờ cho hay, theo quy định và thông thường khoảng 5 ngày mới nhận được trả lời nhưng nay chỉ mất 3-4 ngày là có kết quả. Một điều thấy rõ khi đến làm việc ở quận 1 không khí ở một đơn vị hành chính khá năng động và chuyên nghiệp. Ở mỗi “quầy” luôn có bảng khảo sát đánh giá về chất lượng phục vụ của nhân viên bằng màn hình điện tử có biểu tượng hài lòng, không hài lòng hoặc rất hài lòng…
Anh Lê Văn Thơm, một chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở quận 1 nhận xét: Công chức thành phố đang phải phục vụ gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước thì việc áp dụng cơ chế tăng thu nhập là điều nên làm và đây cũng đang là giải pháp có tác động lớn đến đời sống công chức vì lâu nay lương công chức rất thấp. “Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng phục vụ doanh nghiệp như chúng tôi tăng”, anh Thơm nói.
Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM thông tin: Tiêu chí đánh giá theo thang điểm 100 với 4 mức xếp loại khác nhau. Chỉ có 2 mức hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới được hưởng thu nhập tăng thêm. Quy trình đánh giá cũng khá chặt chẽ. Công chức, cán bộ tự đánh giá mình, đồng nghiệp tham gia đánh giá với nhau và quyết định cuối cùng là phiếu đánh giá của thủ trưởng. Ở cấp sở, giám đốc sẽ đánh giá cấp phó, còn giám đốc sở sẽ do UBND TP HCM đánh giá qua sự tham mưu của Sở Nội vụ.
Mục đích của việc đánh giá công chức là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, kết quả đánh giá hàng quý là căn cứ để thực hiện chính sách tăng thu nhập đối với chính công chức; là căn cứ đánh giá thi đua; là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận