Năng lượng (than, điện, dầu, khí) đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao, nhưng tốc độ xây dựng các nguồn điện đáp ứng nhu cầu đó lại đang chậm... Vì vậy, đòi hỏi việc khuyến khích tiết kiệm năng lượng càng phải được thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bài 2: Trách nhiệm của xã hội
Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay”.
Bởi vậy, việc tiết kiệm điện không phải của riêng ai mà là sự chung tay của toàn xã hội.
Thay đổi nhận thức về tiết kiệm điện
Với chỉ thị số 20, ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 đề ra, mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Việt Nam có hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng.
Còn với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
Tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng nếu mỗi năm tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ
Ông Võ Quang Lâm bày tỏ, với doanh nghiệp, tiết kiệm điện có ý nghĩa quan trọng tới chi phí sản xuất, giúp giảm hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Song điều này với nhiều người dân vẫn còn là chặng đường để hình thành, từ ý thức đến thói quen trong sinh hoạt.
“Thay đổi nhận thức người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cả một quá trình rất dài mà Tập đoàn cùng nhiều đơn vị đang nỗ lực từng ngày”, ông Lâm nói.
Hàng năm, ngành điện vẫn liên tục duy trì việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện sao cho tiết kiệm, hiệu quả nhất. Mỗi người dân, mỗi cơ sở lưu trú, dịch vụ có ý thức tiết giảm điện tiêu thụ chỉ 5-10% trong cao điểm hè, ngoài giảm chi phí cho chính gia đình thì ngành điện cũng giảm bớt áp lực cấp điện, đảm bảo đủ điện, an toàn và tin cậy cho nhu cầu sinh hoạt.
Ngành điện phát động tiết kiệm điện, theo PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng cho hay họ đã vì “cái chung”, bởi việc phát động đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân giảm tiêu thụ sản phẩm của mình.
“Việc này không những giảm hóa đơn điện cho người tiêu dùng mà còn mang lại hiệu quả cho ngành điện về chi phí cung ứng sẽ tối ưu hơn, đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng vì giảm được sự cố trong cung ứng điện”, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi nói.
Còn xét trên bình diện tổng thể, tiết kiệm điện trong lúc cao điểm sẽ giảm việc sản xuất điện giá cao, sử dụng năng lượng sơ cấp, đồng nghĩa việc bảo tồn tài nguyên quốc gia, giảm phát thải nhà kính... Và ở mọi quốc gia đều có chính sách về tiết kiệm điện.
"Một trong những thiết bị tiêu tốn điện ở các gia đình trong mùa nóng là điều hòa, có thể chiếm tới 30-60% tổng hóa đơn điện vào mùa nóng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C, tiêu thụ điện điều hòa tăng 2-3%; Sử dụng hạ thấp 1 độ C điều hòa thì tiêu thụ điện điều hòa tăng 1,5-3%. Như vậy, ngay cả khi chúng ta không điều chỉnh nhu cầu sử dụng thì tiêu thụ điện cũng tăng thêm.
Ngoài ra, theo PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, giá điện bậc thang nhằm khuyến khích tiết kiệm điện cũng làm hóa đơn điện tăng cao. Do vậy, người dân nên sử dụng thiết bị điện đúng khuyến cáo, lựa chọn thiết bị có dán nhãn năng lượng, đặc biệt sử dụng thiết bị điện hiệu quả, tiết kiệm trong mùa nóng, chẳng hạn như chỉ nên đặt điều hòa ở mức 25-28 độ C kết hợp bật quạt, vừa đủ mát và hạn chế tiêu thụ điện năng.
Cần tinh thần tiên phong
Các ngành công nghiệp của Việt Nam hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, khảo sát cho thấy dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.
Ông Võ Quang Lâm, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh: Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong 6 tháng đầu 2022, tổng lượng phát điện của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đã đạt hơn 1,4 tỷ kWh, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương một nhà máy nhiệt điện tầm trung.
Nếu quy đổi theo giá điện sản xuất hiện hành, sản lượng điện này có giá trị trên 2.200 tỷ đồng, giúp Hòa Phát tự chủ từ 75-85% lượng điện cho sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm thép Hòa Phát.
Ông Bùi Đức Nam, Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện cho hay, tại Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, giải pháp công nghệ hiện đại tuần hoàn khép kín giúp Hòa Phát thu hồi triệt để mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện lò coke, luyện gang lò cao để vận hành máy phát điện.
Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đã tự chủ được khoảng 75-85% lượng điện cho sản xuất, nhờ tận dụng thu hồi triệt để mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện lò coke, luyện gang lò cao để vận hành máy phát điện
Nửa đầu năm, sản lượng điện phát của nhà máy nhiệt điện tại Dung Quất đạt gần 1,1 tỷ kWh, tương đương 1.763 tỷ đồng, tự chủ 76,3% điện sản xuất. Nhà máy này hiện có 6 tổ máy; Trong đó 5 tổ máy đã vận hành ổn định, riêng tổ máy số 6 đang chạy thử, nếu đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ có công suất 360 MW, nâng sản lượng điện lên 2,7 tỷ kWh/năm.
Đơn vị này cũng đang tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất để chào mừng “số điện thứ 5 tỷ” dự kiến vào cuối tháng 8/2022, dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Hòa Phát.
Còn tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương, tổng phát điện từ Nhà máy sản xuất than coke và nhiệt điện 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 312 triệu kWh, tự chủ được 84% lượng điện phục vụ sản xuất. Quy đổi theo giá điện hiện hành, lượng điện phát của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương có giá trị tương đương trên 512 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, việc thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện là một giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giải pháp này còn góp phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm...
Hay diển hình tại Công ty cổ phần Hợp Thịnh Viglacera, Nhà máy gạch Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc), cũng đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí mỗi năm nhờ việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.
Các giải pháp được nhà máy này áp dụng mang lại hiệu quả bao gồm: Quản lý nội vi, tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng bóng đèn hiệu năng cao, lắp biến tần cho quạt khói hoặc quạt sấy, thay thế tụ bù công suất phản kháng…
Lãnh đạo đơn vị này cho biết, với biện pháp quản lý nội vi, đã giúp công ty tiết kiệm được khoảng 1% năng lượng than do việc cấp nguyên liệu than. Ngoài ra, đơn vị này còn tiết giảm được 1,5% điện sử dụng của nhà máy, bằng cách giảm các động cơ có công suất lớn chạy không tải, tắt các thiết bị điện sáng khi không cần thiết tại bộ phận lò nung, khu tạo hình.
Hay việc tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng bóng đèn có hiệu năng cao giúp Công ty tiết kiệm được tổng số tiền là 40 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, việc lắp đặt các bộ biến tần cho các động cơ mang lại hiệu quả lớn; Khi áp dụng công nghệ biến tần cho các quạt hút khói hoặc quạt hút cho hầm sấy tổng số tiền tiết kiệm được khi thực hiện dự án là gần 70 triệu đồng/năm trong khi số vốn đầu tư ban đầu chỉ 118 triệu đồng.
Đồng thời, khi áp dụng giải pháp thay thế tụ bù công suất phản kháng, lượng điện tiết kiệm mỗi năm là 360.000 kWh; Tổng số tiền tiết kiệm được khi thực hiện dự án này là 360 triệu đồng/năm trong khi số vốn đầu tư ban đầu chỉ 190 triệu đồng...
Theo tính toán của giới chuyên gia, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; Thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao...đã có thể tiết kiệm từ 10-20% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng tiết kiệm năng lượng còn cao hơn nhiều...
Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn thờ ơ với trách nhiệm này. Vì vậy cần tháo gỡ những "điểm nghẽn" để thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng.
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận