“Ranh giới” và “Ngày con chào đời” không phải là những sản phẩm duy nhất làm nên phong cách Tạ Quỳnh Tư. Nhưng nó gây chấn động đủ để khiến dư luận phải tìm hiểu "đạo diễn này" là ai?

Quỳnh Tư luôn khiến người đối diện cảm thấy dễ mến bởi sự mộc mạc. Còn phim của anh lại luôn khiến người lỡ xem trăn trở đến thắt lòng. Dù phim chẳng có lấy một lời bình.

Nếu nhìn vào “Ranh giới” và “Ngày con chào đời”, tôi dễ liên tưởng đến “tàn - sinh” - một quy luật của vũ trụ mà chúng ta phải tuân theo. Anh có những xúc cảm ra sao khi thực hiện 2 phóng sự chạm tới sinh tử như vậy?

Nếu “Ranh giới” là sự căng thẳng giữa những giây phút giành giật sự sống, cảm xúc trồi sụt theo tiếng "tít tít" của máy thở thì “Ngày con chào đời” là sự chờ mong. Chờ mong sự kỳ diệu, chờ mong tiếng khóc đầu tiên của những đứa trẻ.

Tôi và đồng nghiệp tác nghiệp trong một không gian mà trước đó không thể nào mường tượng nổi. Covid-19, bệnh viện, những người phụ nữ mang bầu và cuối cùng là những đứa trẻ. Đó là 1 hành trình chắc chắn tôi không thể nào quên.

Người ta nói “người chửa cửa mả”, sự lo lắng sợ hãi khi bước lên bàn đẻ là một lẽ. Còn ám ảnh về sự bất ổn, về sức khoẻ của con ngay trong những giây phút sinh tử của chính mình quả thật quá sức chịu đựng của nhiều người. Tôi thấy nó tàn khốc dù sự sinh ra ấy rất đẹp! Sự tàn khốc của đại dịch.

Đúng là Covid-19 khiến con người ta phải suy ngẫm và trải nghiệm rất nhiều thứ. Rõ nhất đó là nỗi buồn của sự chia ly. Sự chia ly sinh tử là thứ tàn khốc nhất nhưng cũng có những cung bậc thấp hơn mà không ai muốn trải qua.

Đó là những người mẹ phải sống trong nỗi khắc khoải chờ mong, biết con nằm đó mà không được gặp, bầu sữa căng cũng phải bỏ đi, muốn ôm con cũng không thể, có người hơn tháng trời không nhìn thấy mặt con… Có người con đẻ ra, thiếu tháng nên chỉ có 1,5kg-2kg.

Những câu hỏi luôn được đặt ra là các con có khỏe không? Con có bị mắc Covid-19 hay không? Nó ám ảnh khủng khiếp dường nào! Nỗi đau, sự lo lắng và mong chờ ngày nối ngày.

Anh đã quan sát nhiều người mẹ trẻ trong bệnh viện, anh có nghĩ mình chạm được vào nỗi lo lắng, niềm vui của chính họ?

Có một sản phụ tên Phương để lại cho tôi những biên độ xúc cảm rất lớn. Khi ở phòng chờ sinh, bạn ấy luôn biểu lộ ánh mắt ngơ ngác, vô định. Rồi những cuộc điện thoại cho chồng mà không ai bắt máy. Xung quanh là những âm thanh hỗn loạn: tiếng người than vãn, cầu xin bác sĩ cứu, tiếng sản phụ la hét ở phòng sinh bên cạnh…

Tôi cảm giác nỗi sợ của bạn ấy rất đặc biệt. Có lẽ, bạn ấy đã phải trải qua một quá trình đấu tranh tâm lý, diễn biến rất lớn. Thậm chí bạn ấy còn không rớt một giọt nước mắt. Tôi phục Phương bởi sự mạnh mẽ đó!

Nhưng về phòng hậu phẫu, khi chồng đưa ảnh con cho xem bạn ấy òa lên khóc. Khi về nhà cách ly, cũng khóc. Đó là giọt nước mắt của sự lo lắng trong hạnh phúc. Đó là diễn biến tâm lý rất riêng với nhiều cung bậc. Không chỉ Phương, tôi đã đối diện với chiều sâu tâm lý của nhiều thai phụ. Cảm xúc đó khó tả vô cùng!

Trong tàn đen thì có đốm đỏ, giữa sự thanh lọc của tự nhiên, sự sinh tồn của con người là mạnh mẽ nhất, đây có phải là điều anh muốn nhấn mạnh trong “Ngày con chào đời”?

Sức sống chính là điều tôi muốn nói. Đại dịch khắc nghiệt này đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người nhưng bên cạnh đó sức sống vẫn luôn mạnh hơn và luôn trỗi dậy.

“Ngày con chào đời” chính là tia hy vọng, mầm sống mới sau những ranh giới của sống còn. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng từ tình yêu thương của gia đình và sự nỗ lực của y bác sĩ. Đây cũng là một sự nhắc nhớ, rằng mỗi khi nhắc đến ngày con chào đời, các con sinh ra trong đại dịch sẽ có những kỷ niệm không thể nào quên.

Các con là một phần của lịch sử, là một phần của thời điểm dịch bệnh này. Từ đó, hãy sống cuộc sống mạnh mẽ, biết ơn và sống tử tế khi nhìn lại những may mắn của mình.

Rời khỏi những thước phim, thời gian qua anh vẫn liên lạc với những người ở Bệnh viện Hùng Vương chứ?

Các y bác sĩ ở bệnh viện Hùng Vương không chỉ liên hệ với tôi sau khi phim lên sóng mà trước đấy tôi cũng gọi điện, liên lạc thường xuyên với mọi người để xin họ cho ý kiến về phim. Hiện tại, giữa chúng tôi không chỉ là mối quan hệ giữa đạo diễn phim và các nhân vật, câu chuyện cũng không chỉ xoay quanh bộ phim.

Chúng tôi làm cầu nối để các nhà hảo tâm, mạnh thường quân có cơ hội giúp đỡ các sản phụ, em bé và các bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 trong bệnh viện. Cũng có người được điều chuyển đi vùng đảo xa, thỉnh thoảng chúng tôi gọi điện, hỏi thăm và chia sẻ với nhau.

Anh thành công với nhiều phim tài liệu như “Hai đứa trẻ”, “Miền đất hứa”, “Chông chênh”, “Đường về”… Chắc không có phóng sự tài liệu nào có nhiều nuối tiếc sau khi đóng máy như “Ranh giới” và “Ngày con chào đời”?

Đúng vậy, trong thời gian gấp gáp này, tôi còn chưa kịp xem lại hết số băng tôi quay được. Tuy nhiên, để phim ra đúng thời điểm dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, buộc tôi không thể cầu toàn.

Những thước phim lên sóng mang về nhiều ý kiến trái chiều với cảnh quay cận tử trong “Ranh giới”. Xin hỏi thật, có lúc nào anh muốn thay đổi các cảnh khiến anh nhận nhiều búa rìu như vậy không?

Khi tác nghiệp trong thiên tai địch họa, tôi phải xác định cái gì được ưu tiên để đảm bảo tính tuyên truyền, tất cả vì cộng đồng, vì xã hội, đất nước. Nếu phim không đáp ứng được thì buộc chúng ta phải đứng giữa hai ranh giới lựa chọn. Cái nào tốt hơn thì làm thôi. Còn cái gì cũng để hài lòng hết thì khó lắm. Nhân vô thập toàn mà!

“Đừng xem nếu bạn không muốn khóc” – câu cảnh báo cảm thán về việc bộ phim chạm đến tận cùng cảm xúc hơn là hàm ý tiêu cực. Dường như mỗi tác phẩm gắn "mác" Tạ Quỳnh Tư đều có điểm như vậy. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

Tôi muốn qua những điều chắt lọc trên phim để phản ánh, gửi gắm một thông điệp. Từ đó, khán giả có thể suy ngẫm để rồi có những đồng cảm, sẻ chia. Nhờ những phản hồi đó, tôi nghĩ mình đã đúng theo con đường mình đã chọn. Đúng mục tiêu của tác phẩm và quan điểm làm nghề của mình.

Với vai trò một đạo diễn, phóng viên, tôi nghĩ mình phải có những góc nhìn riêng. Người xem cũng có những quan điểm chủ quan, khách quan. Mà đã là quan điểm, mình không thể phản đối họ được, kể cả những quan điểm trái chiều.

Cái gì mang hiệu quả tích cực hơn, tốt hơn, đáp ứng đúng vai trò công việc của mình, tôi sẽ lựa chọn. Đương nhiên, chúng ta không thể vi phạm pháp luật hay đạo đức.

Đó là cách để anh lường trước được việc các tác phẩm của mình đều trở thành hiện tượng ngay sau khi lên sóng?

Tôi hay đi trực tiếp vào thân phận nhân vật. Từ chính cuộc sống, nhân sinh quan của họ để nêu lên những câu chuyện trong xã hội. Đó có thể là những điều cá biệt trong đời sống xã hội. Nó tuy bé, nhưng là vấn đề của xã hội, của tình người, của sự đối nhân xử thế… đôi khi, những điều đó chỉ hội tụ trong một chi tiết, một nhân vật.

Trước khi làm một dự án, tôi không thể khẳng định tác phẩm của mình sẽ thành hiện tượng và cũng không nghĩ nhiều đến điều đó. Tôi chỉ đoán được tác phẩm của mình, có thể gửi gắm đến người xem nhiều suy ngẫm. Chẳng hạn như với “Ranh giới”, “Ngày con chào đời” yếu tố thời điểm, tuyên truyền tôi đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, với một tác phẩm báo chí thì đây đều là những điều quan trọng.

Dường như con người thích “nhào nặn” nỗi đau và gặm nhấm cái “thú đau thương” đó của bản thân mà không biết cách buông, bỏ để vui.
Phim tài liệu của Tạ Quỳnh Tư thường khiến người ta cảm nhận rõ rệt về nỗi đau, sự mất ấy?

Con người có lúc nào không có nỗi đau? Nỗi đau nào cũng khiến con người ta phải suy ngẫm! Từ sự đoàn tụ, chia ly và những nước mắt, rồi lại chia ly… Nhưng trong nỗi đau ấy lại chan chứa biết bao hạnh phúc.

Mà như tôi đã nói, nếu không có cay đắng thì không thể hiểu hết được tận cùng của niềm vui.

Cuộc sống rất hay ở chỗ đó. Tạo hóa cho người ta rất nhiều kỳ diệu, nhưng bất cứ ai muốn có được hạnh phúc cũng đều phải trải qua nỗi đau. Từ đó, môi trường đã rèn giũa cho người ta tình thương, sự bao bọc và san sẻ cho nhau. Nếu không có nỗi đau, chúng ta không thể hiểu hết được những cung bậc của cuộc sống.

Báo Giao thông

Đó cũng là cách nhìn cuộc sống của anh, một người chuyên làm phim không lời bình mà thông điệp luôn khiến người xem bị tác động mạnh?

Yếu điểm của tôi là lười đọc sách. Mỗi khi đọc sách, mắt tôi nhanh mỏi nhưng có may mắn là tôi được đọc cuốn sách của cuộc đời từ những người thật việc thật. Mỗi lần đi lại mở ra một trang sách, có những người thật việc thật tôi được chứng kiến, được sống với cuộc sống ấy và cảm nhận theo một cách khác.

Có người nói tôi “nông dân”. Tôi nông dân thật! Tôi xuất thân trong gia đình bố mẹ là công nhân nhưng lớn lên trên cánh đồng lúa. Trước đây tôi lười học lắm, tôi chưa ý thức được việc học trong khi các bạn cùng trang lứa ý thức được việc tìm cho mình một trường đại học, tôi vẫn nhởn nhơ.

Một buổi chiều đi cuốc đất, tôi mệt quá, ngồi trước 7 sào ruộng, nhìn về cánh đồng bao la mà thấy sao vất vả như vậy mà đồng lương thu được lại không đáng là mấy. Tôi nghĩ chắc mình phải đi học thôi. Tôi nói thế không phải là chê thôn quê mà chính thôn quê đã nuôi dưỡng tôi để dễ đồng cảm với nhân vật. Người nhà quê mình mà! Có gì đó rất mộc mạc, càng trong khó khăn họ càng bộc lộ sự chân thành từ chính cái thôn quê vất vả ấy. Nhưng chính những đan xen trong cuộc sống hàng ngày khiến tôi có một cái nhìn cuộc sống rõ nét hơn. Khi đi làm đề tài mang hơi thở cuộc sống, tôi cũng thấy rất gần gũi và nhanh phát hiện ra vấn đề.

Ngại đọc sách nhưng chăm đọc người, chăm đọc cuộc đời. Mỗi một nhân vật anh gặp trên đường tác nghiệp, họ đều để lại cho anh những bài học?

Mỗi chuyến đi tôi lại cảm thấy mình khá may mắn khi được sống một cuộc sống khá đầy đủ, được hạnh phúc hơn những nhân vật mình được tiếp xúc. Từ đó, tôi thấy trân trọng cuộc sống mình đang có. Quá trình đi, tôi cũng học được rất nhiều điều từ chính câu chuyện của nhân vật, con người họ và tình tương thân tương ái, sự bao bọc khiến mình phải suy ngẫm.

Cuộc sống luôn có hai mặt luôn đối trọng. Trong mọi hoàn cảnh, tình thương yêu, nền tảng gia đình sẽ vượt qua tất cả. Không có cay đắng thì sao biết ngọt bùi, không thấu được nỗi buồn thì sao tìm được tận cùng của hạnh phúc? Có đi có gặp thì mới có cảm.

Xin cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.