Đường bộ

Dấu ấn ngành GTVT: Đột phá thu phí không dừng, hướng tới bỏ barie

07/06/2023, 07:58

Quy định cao tốc chỉ thu phí tự động không dừng (ETC) đã tạo bước ngoặt lớn trong thu phí giao thông, hướng tới mục tiêu bỏ barie.

Kỳ 1: Từ tự nguyện thành bắt buộc

Việc triển khai thu phí không dừng bắt đầu triển khai từ năm 2015 nhưng gặp rất nhiều vướng mắc, tiến độ không đáp ứng yêu cầu, có thời điểm gần như bế tắc.

7 năm gần như "dậm chân tại chỗ"

Từ 8h sáng 1/8/2022, đồng loạt các tuyến cao tốc trên cả nước bắt đầu thực hiện thu phí tự động không dừng hoàn toàn. Nhìn cảnh ô tô vèo vèo qua các trạm thu phí không dừng trên cao tốc, ít người biết, có được ngày hôm nay là cả một chặng đường "nhọc nhằn", có lúc tưởng chừng như bất khả thi.

Theo Cục Đường bộ VN, từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 với các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Tuy nhiên, việc lắp đặt, vận hành ETC toàn quốc không ít lần "lỡ hẹn", các mục tiêu Chính phủ đặt ra như hết năm 2019 và năm 2020 toàn bộ các trạm thu phí đủ điều kiện phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng đều không thực hiện được.

img

Các tuyến cao tốc chỉ có thu phí tự động không dừng tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển giao thông thông minh, không dùng tiền mặt ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Không chỉ có vậy, sau gần 7 năm triển khai thực hiện dự án, số lượng phương tiện dán thẻ chỉ đạt khoảng 3 triệu trong tổng số 5 triệu xe. Trong số này, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ cũng chỉ đạt khoảng 40%.

Nguyên nhân khiến hình thức thu phí văn minh này chậm đi vào cuộc sống được Bộ GTVT chỉ rõ là do đây là hình thức thu phí mới, vừa làm vừa phải tìm hiểu và điều chỉnh hành lang pháp lý. Trong khi đó, thời gian đầu, các nhà đầu tư BOT lại không hợp tác. Phương án tài chính của dự án không khả thi khiến nhà thầu cung cấp dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Quan trọng hơn, bản thân người dùng chưa mặn mà.

Một khó khăn lớn khác là vướng mắc về tái cơ cấu và nguồn vốn của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) khiến cho tiến độ triển khai thu phí ETC tại các tuyến cao tốc cửa ngõ huyết mạch, lưu lượng giao thông lớn do VEC quản lý chưa được thực hiện, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của toàn hệ thống.

Bước ngoặt thí điểm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Mọi "nút thắt" chỉ được tháo gỡ khi tại cuộc họp của Chính phủ hồi tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu "có giải pháp đột phá" đồng thời chỉ đạo "đến ngày 1/8/2022, tất cả tuyến cao tốc đang thu phí sẽ phải triển khai thu phí không dừng hoàn toàn".

Những chế tài mạnh tay cũng được lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT quyết liệt áp dụng trong đó có việc dừng thu phí, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ.

Việc Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ VN thí điểm thu phí tự động không dừng hoàn toàn trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được coi là một chỉ đạo mang tính bước ngoặt.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, khi được lãnh đạo Bộ GTVT giao nhiệm vụ, lãnh đạo Cục đã rất lo lắng. Nếu thí điểm không thành công sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.

Tỷ lệ phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ rất thấp chỉ đạt khoảng 60%, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt khoảng 40%. Thêm nữa, nếu vẫn có làn thu phí hỗn hợp (vừa thu phí thủ công và thu phí ETC), người dân sẽ nghĩ rằng xe không dán thẻ, không có tiền trong tài khoản vẫn được vào cao tốc.

Trước khi thí điểm chỉ có thu phí không dừng, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 62 làn thu phí. Sau thí điểm, số làn được rút xuống còn 32 làn nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu. Phương tiện lưu thông nhanh hơn, giảm được nhân công và chi phí.

Đến nay, tỷ lệ lỗi so với ngày đầu thí điểm cũng giảm trông thấy, chỉ chiếm 0,01% tổng số giao dịch mỗi ngày.

“Thời điểm đó, ai cũng nghĩ trên cao tốc mà triển khai toàn bộ ETC ngay, nguy cơ thất bại rất lớn. Sau nhiều trăn trở, tôi đã nảy ra ý tưởng thay vì có làn hỗn hợp, sẽ bố trí một làn xử lý sự cố để xử lý tất cả các lỗi dán thẻ, không có tiền trong tài khoản, thẻ bị lỗi, bị hỏng được đưa vào đây để xử lý. Mấu chốt của thành công chỉ có ETC trên cao tốc là ở đây”, ông Thắng nói.

Nhớ lại thời gian đầu thí điểm, bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng chia sẻ: Thành công hơn cả mong đợi.

“Qua 1 tháng thí điểm, số lượng xe sử dụng dịch vụ ETC trên tuyến đạt hơn 46.400 một ngày, bằng 107% lưu lượng trung bình 22 ngày trước khi thực hiện thí điểm.

Bình quân mỗi ngày có thêm hơn 1.600 xe đăng ký dán thẻ và sử dụng dịch vụ. Trong thời gian thí điểm không xảy ra các lỗi kỹ thuật của hệ thống. Để thí điểm thành công, Bộ GTVT chỉ đạo các sự cố về thẻ, tài khoản không có tiền, trừ tiền hai lần... đều được lên kịch bản trước và thực tế đã được các lực lượng phối hợp giải quyết khá tốt.

Mọi áp lực dồn vào một vài ngày đầu triển khai. Sau đó, với sự đồng thuận của người dân, việc đi qua trạm thu phí không cần dừng lại trả tiền mặt đã thành một thói quen mới. Kết quả, ngay cả cao điểm cuối tuần, lễ tết, lưu lượng xe tăng nhưng không ùn tắc tại trạm. Đây là điều nhiều năm trước đây không thể xử lý được”, bà Quỳnh cho hay.

Đã có 4,2 triệu phương tiện dán thẻ ETC

Kết quả thí điểm thành công trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tiền đề quan trọng để nhân rộng, bắt buộc các tuyến cao tốc trong cả nước chỉ có thu phí tự động không dừng từ ngày 1/8/2022.

Thành công đó cũng đã tạo sự chuyển biến rất lớn trong việc triển khai hệ thống ETC. Chỉ trong thời gian rất ngắn, tưởng chừng bất khả thi nhưng các địa phương, nhà đầu tư dồn dập ngày đêm thi công, dồn triển khai nguồn lực lắp đặt xong hệ thống thu phí ETC trên cao tốc.

Đến nay, trải qua gần 1 năm đồng loạt thực hiện thu phí tự động không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc, những lợi ích đã được thực tế chứng minh.

Các dịp lễ Tết, chủ xe không còn phải chịu cảnh ùn tắc trước trạm thu phí, tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, còn các đơn vị quản lý thì tiết kiệm được thời gian quản lý. Đặc biệt, tính minh bạch trong hoạt động thu phí là một trong những đặc điểm ưu việt nhất khi nhắc tới loại hình này.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN cho hay, tính đến nay, số lượng phương tiện đã được dán thẻ đầu cuối trên toàn quốc đạt hơn 4,2 triệu phương tiện, đạt hơn 90% tổng lượng phương tiện đang lưu hành.

“Có thể nói chúng ta đã hoàn thành giai đoạn I của việc chuyển đổi từ thu phí thủ công sang thu phí không dừng và chuẩn bị cho giai đoạn II và giai đoạn III là thu phí mở - các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì dải phân cách các làn, các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí”, ông Toàn nói.

Là chủ doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh Ninh Bình - Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trước đây, xe kinh doanh vận tải chúng tôi phải mất một buổi để đến các trạm thu phí mua vé tháng, đó là chưa kể nếu xe qua nhiều trạm thì cũng từng ấy lần làm thủ tục mua vé. Từ khi có công nghệ thu phí không dừng, chúng tôi tiết giảm được khoản tiền này. Cứ đến ngày đóng phí, hệ thống tự động được cài trong tài khoản ngân hàng sẽ chuyển tiền cho các trạm thu phí.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhìn nhận, sau nhiều năm chậm trễ, quyết sách áp dụng thu phí tự động không dừng hoàn toàn trên tất cả cao tốc là cột mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ, Bộ GTVT.

“Các tuyến cao tốc chỉ có thu phí không dừng là bước chuyển quan trọng xây dựng hạ tầng giao thông thông minh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Đó không chỉ là câu chuyện giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm được ùn tắc trầm trọng ở trạm thu phí, mà nó còn khiến việc thu phí được minh bạch, tạo niềm tin cho người dân; giảm thói quen sử dụng tiền mặt”, ông Quyền nói.

Nói về quyết tâm chuyển đổi từ thu phí một dừng sang thu phí không dừng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trong bối cảnh số dự án công trình giao thông và số lượng phương tiện tăng nhanh, hình thức thu phí thủ công đã bộc lộ nhiều hạn chế như ùn tắc giao thông, hạn chế trong việc kiểm soát doanh thu, tăng chi phí xã hội, chưa thuận tiện cho người tham gia giao thông.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu triển khai dự án hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống thu phí điện tử không dừng. Hình thức thu phí ETC có nhiều ưu điểm và lợi thế, khắc phục hoàn toàn các bất cập của hình thức thu phí thủ công.

Hình thức thu phí này cũng góp phần hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thuận tiện cho chủ phương tiện, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, tăng cường tính công khai minh bạch trong thu phí, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ.

"Với tinh thần của Thủ tướng là sớm đưa công nghệ này vào để triển khai đối với hệ thống đường cao tốc và hệ thống đường quốc lộ hiện hữu đang thực hiện các trạm thu phí, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo, có kế hoạch chi tiết để triển khai với các chủ đầu tư, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ để chúng ta có kế hoạch đáp ứng được kết quả như ngày hôm nay", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.