"Con chỉ cần đưa bố về nhà"
Những ngày này, căn nhà của anh Đặng Duy Kiên (41 tuổi) ở đường Trung Hành, quận Hải An TP Hải Phòng không khí đượm buồn. Rất đông người thân, bạn bè của anh Kiên đã tới đây để chia sẻ, động viên, ngóng chờ tin tức về người đại phó tàu True Confidence xấu số.
Chị Lê Miền (vợ anh Kiên) chia sẻ trong nước mắt, anh Kiên tốt nghiệp Đại học Hàng hải và đã trải qua 13 năm đi biển, đã có bằng thuyền trưởng.
Công việc vất vả, lại lênh đênh sóng nước, xa nhà biền biệt, nên năm 2020, anh Kiên đã bỏ nghề đi biển và làm nghề buôn bán bất động sản. Tuy nhiên, mấy năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nghề kinh doanh bất động sản không thuận lợi.
Để lo cho kinh tế gia đình, cuối năm 2023, anh Kiên lại đầu quân cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ hàng hải Hải Phòng (HP MARINE), doanh nghiệp chuyên cung ứng thuyền viên cho tàu nước ngoài.
Trước tết Giáp Thìn 1 tuần, anh Kiên nhận việc trên tàu True Confidence ở vị trí đại phó, chỉ sau thuyền trưởng. Đây là chuyến đi biển đầu tiên sau nhiều năm nghỉ nghề của anh Kiên.
Tàu True Confidence chở thép từ Trung Quốc đến Arab Saudi, sau khi đi sang Trung Quốc nhận hàng sẽ đi qua Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi liên tục thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào các tàu hàng thương mại qua đây.
Vì cũng làm việc cho một hãng tàu biển, nên chị Miền thấu hiểu sự nguy hiểm của nghề này và hai vợ chồng cũng dễ dàng chia sẻ công việc với nhau. Hàng ngày, phần vì nhớ vợ cùng hai con nhỏ 6 tuổi và 10 tuổi ở nhà, phần vì động viên vợ con yên tâm, ngày nào anh Kiên cũng liên lạc với gia đình.
Anh Kiên tâm sự với vợ, đã cảnh báo với thuyền trưởng về mối nguy hiểm nơi lực lượng Houthi liên tục tấn công, nhưng thuyền trưởng vẫn không thay đổi hải trình.
"Hôm 13/2, tàu khởi hành, chồng tôi còn dặn ở nhà chịu khó đọc báo để thông tin lại cho anh ấy tình hình chiến sự ở Biển Đỏ. Tin cuối cùng anh nhắn cho tôi lúc 23h50 ngày 5/3: "Anh sắp qua vùng chiến sự, hy vọng được bình an", tôi còn hồi đáp: "Dù thế nào anh cũng phải trở về an toàn với mẹ con em", chị Miền nghẹn ngào.
Sau tin nhắn ấy, chị Miền ruột gan như lửa đốt vì không nhận được tin nhắn trả lời của anh Kiên. Lo lắng, sáng hôm sau, chị Miền dặn mẹ chồng mua đồ lễ thắp hương để cầu cho anh Kiên bình an.
Đến 22h ngày 6/3, đại diện Công ty HP MARINE (nơi anh Kiên làm việc) gọi cho chị và nói muốn đến nhà để nói chuyện. Linh tính có chuyện chẳng lành, nhưng chị vẫn cầu mong anh bình an.
Cuối cùng điều chị Miền cầu mong đã không xảy ra, tối muộn 6/3, đại diện Công ty HP MARINE đến nhà báo tin dữ, tàu True Confidence bị lực lượng Houthi tập kích trên vịnh Aden, lúc 17h20 ngày 6/3.
Vụ tấn công đã khiến 3 thuyền viên thiệt mạng, trong đó có một người Việt Nam là đại phó Đặng Duy Kiên.
Hai con trai chị Miền cũng rất quấn bố, vậy nên, nghe tin bố gặp nạn, các cháu khóc rất nhiều.
"Mấy ngày nay 2 đứa nhỏ cứ nhìn ảnh bố, nói "con không cần gì cả, chỉ cần đưa ba về nhà" khiến tôi càng không kìm được lòng, thương anh, thương các con", chị Miền nức nở.
Với chị Lê Miền, anh Kiên là người chồng mẫu mực, không nề hà bất cứ việc gì để vợ con có cuộc sống thoải mái, vui vẻ. Thời gian ở nhà, mọi việc trong gia đình đều do anh lo toan, quán xuyến.
Nguyện vọng của các con cũng là nỗi lòng của chị Miền, mong muốn sớm đưa được thi thể anh trở về với gia đình. Vợ anh Kiên cho biết, gia đình dự định sẽ tổ chức tang lễ cho anh chính tại quê nhà bởi lúc còn sống, anh Kiên lúc nào cũng đau đáu về quê ở xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
"Anh luôn mong khi các con đã lớn, trưởng thành, anh sẽ xây căn nhà ở quê để sống gần họ hàng, người thân. Giờ chúng tôi mong chờ thi thể anh sớm về quê nhà, để anh được ở lại với mảnh đất quê hương", chị Miền trải lòng.
Các thuyền viên thoát nạn đã ổn định tâm lý
Ngày 6/3, HP MARINE nhận được thông báo của đối tác về việc tàu hàng mang tên True Confidence, số IMO 9460784 treo cờ Barbados đang trên hành trình từ Singapore đến Jeddah - Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất thì bị trúng tên lửa do bị lực lượng Houthi tấn công ở phía tây Vịnh Aden.
Thời điểm gặp nạn, trên tàu có 20 thuyền viên và ba cảnh vệ hộ tống. Trong số này có bốn thuyền viên Việt Nam, gồm Đặng Duy Kiên (đại phó, 41 tuổi, trú tại quận Hải An, Hải Phòng); Phạm Văn Thành (máy trưởng, 39 tuổi, trú tại quận Hải An, Hải Phòng); Nguyễn Văn Tảo (máy hai, 36 tuổi, trú tại Kinh Môn, Hải Dương); Phùng Văn An (31 tuổi, trú tại Vũ Thư, Thái Bình).
Vụ tấn công đã khiến 3 thuyền viên thiệt mạng, trong đó có một người Việt Nam là đại phó Đặng Duy Kiên.
3 thuyền viên Việt Nam còn lại trên tàu là anh Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Tảo và Phùng Văn An được xác định vẫn bình an. Toàn bộ thủy thủ đoàn đã được đưa đến Cộng hòa Djibouti (Đông Phi) và đang ở tạm trong một khách sạn ở nước này.
Theo người thân của máy trưởng Phạm Văn Thành, trong số các thuyền viên Việt Nam, chỉ có anh Thành mang theo điện thoại sau khi gặp nạn. Vì vậy, ngay khi về đến khách sạn anh đã gọi điện về cho chị gái để gia đình yên tâm. Tuy nhiên, chiếc điện thoại cũng hỏng camera do ngâm nước lâu.
Khi gọi điện cho gia đình, máy trưởng Phạm Văn Thành cho biết, khi sự việc xảy ra, toàn bộ thuyền viên trên tàu đã phải dìu nhau xuống xuồng cứu sinh để chờ cứu hộ. Khoảng 2 giờ sau, tàu chiến của Hải quân Ấn Độ mới có thể tiếp cận bằng xuồng và trực thăng để đưa các thuyền viên lên tàu.
Tại thời điểm đó, Đại phó Trần Duy Kiên cũng ở trên xuồng cứu hộ cùng đoàn thủy thủ nhưng do bị bỏng nặng và phải bơi trên biển một thời gian khá lâu nên không thể qua khỏi cùng hai nạn nhân khác. Trên xuồng cứu hộ lúc đó còn có một số người khác bị thương đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu.
Anh Thành nói sau khi đưa về khách sạn, đại lý tàu đã sắp xếp phòng nghỉ cho các thuyền viên, sau đó trang bị cho mỗi người một chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình. Hiện, tâm lý của các thuyền viên đều đã ổn định và chờ được trở về nước.
Trong những ngày vừa qua, anh liên tục làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cũng như các cơ quan hữu quan để có thể hoàn tất các thủ tục về nước. Toàn bộ giấy tờ của các thuyền viên đều đã thất lạc sau khi tàu trúng tên lửa nên phải làm lại các giấy tờ cần thiết. Theo thông tin từ đại lý tàu và công ty, đến ngày 13/3, họ sẽ có thể đi máy bay về nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đang tích cực phối hợp với các bên hữu quan để sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết và đưa nhóm thuyền viên Việt Nam đang lưu trú tại Djibouti trở về nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang khẩn trương hoàn thiện quy trình cấp hộ chiếu mới cho 3 thuyền viên Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Tảo và Phùng Văn An. Các thuyền viên này đã bị mất toàn bộ giấy tờ tùy thân, trong đó có hộ chiếu, sau cuộc tấn công.
Dự kiến, ngày 13/3 tới đây, các thuyền viên có thể nhận được hộ chiếu mới do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại UAE cấp. Giấy chứng tử với thuyền viên Đặng Duy Kiên bị thiệt mạng trong vụ tấn công, dự kiến cũng sẽ được hoàn tất trước thời điểm này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận