Hỏi:
Mẹ tôi đau bụng âm ỉ quanh rốn, sau đó lan ra khắp bụng, buồn nôn và cơn đau tăng dần, tuy nhiên do lo ngại dịch Covid-19 nên gia đình ngại đưa đến viện. Mong bác sĩ tư vấn gia đình nên làm gì? Cảm ơn bác sĩ.
Trung Anh (Hà Nội)
Ảnh minh họa
BS. Đỗ Minh Hùng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh trả lời:
Đau bụng là biểu hiện đầu tiên xuất hiện và rất thường gặp ở một số bệnh cấp cứu ngoại khoa như: Viêm phúc mạc mật, viêm phúc mạc ruột thừa, thủng tạng rỗng, tắc ruột.
Người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay nếu xuất hiện đau bụng dữ dội, bụng cứng, thường đau chủ yếu hố chậu phải, hoặc đau vùng thượng vị và vùng quanh rốn hoặc lan ra toàn bộ vùng bụng, đau âm ỉ đôi khi đau quặn từng cơn có kèm theo các triệu chứng: Buồn nôn và nôn; sốt cao; mệt mỏi, toát mồ hôi, chân tay lạnh; rối loạn đi tiêu, không thể xì hơi, không đi cầu được, bụng chướng..
Cần lưu ý, các bệnh lý như viêm phúc mạc ruột thừa hoặc viêm phúc mạc mật chỉ cần phẫu thuật sớm là có thể điều trị dứt điểm.
Tuy nhiên, các trường hợp đến bệnh viện muộn và không được can thiệp kịp lúc sẽ có nguy cơ cao gặp các biến chứng như sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm khuẩn, viêm màng bụng hoặc thậm chí là tử vong.
Ngoài đau bụng thì rối loạn đi tiêu cũng là một triệu chứng mà nhiều người bệnh thường chủ quan coi nhẹ.
Thực tế, rối loạn đi tiêu kéo dài có khả năng cao là dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa thường là ở giai đoạn tiến triển, vì các ung thư đường tiêu hóa giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng đặc biệt.
Do đó, nếu cơ thể xuất hiện các rối loạn đi tiêu như đi ra máu, thay đổi giờ giấc, thay đổi số lần đi tiêu… người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Người bệnh không nên vì e ngại dịch bệnh mà không đến bệnh viện thăm khám, bởi vì một số bệnh lý về tiêu hóa cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu để chậm trễ có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận