Ngáy to - dấu hiệu cần sàng lọc hội chứng ngừng thở khi ngủ |
Theo cảnh báo của bác sĩ Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai (Hà Nội), hội chứng ngừng thở khi ngủ vốn ít được quan tâm và thường bị bỏ qua nhưng để lại hậu quả rất lớn đối với sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể gây đột tử.
Ngừng thở khi ngủ, “sát thủ thầm lặng”
Mới đây, Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân với triệu chứng ban đầu mệt mỏi, thường xuyên đau đầu, buồn ngủ ban ngày. Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân tiến hành “đo giấc ngủ”. Khi đọc kết quả đo, chính các bác sĩ cũng vô cùng bất ngờ khi thấy bệnh nhân xuất hiện đến gần 100 cơn ngừng thở/giờ và nồng độ oxy trong máu thấp dưới 50%; trong khi chỉ số 30 cơn ngừng thở/giờ đã được đánh giá là nặng và nồng độ oxy máu thông thường phải đạt 95-100%.
“Mặc dù bệnh nhân còn khá trẻ, dưới 30 tuổi, tuy nhiên kết quả cho thấy bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở rất nặng. Thậm chí, thời gian thở bình thường còn ít hơn có thời gian ngừng thở. Với bệnh nhân này nếu không phát hiện, kịp thời can thiệp, thì chắc chắn đến tuổi trung niên sẽ mắc đủ các bệnh về tim mạch, đái tháo đường hay dễ tai biến mạch máu não”, Ths.BS. Hoàng Anh Đức, Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết.
Có 2 loại: Ngừng thở trung ương và ngừng thở tắc nghẽn. Ngừng thở trung ương có nguyên nhân từ bất thường của hoạt động trung tâm hô hấp trên não, hậu quả từ bệnh lý như: Nhồi máu não, suy tim, suy thận… Ngừng thở tắc nghẽn nguyên nhân từ dị dạng bẩm sinh đường hô hấp, vẹo vách ngăn mũi, bệnh lý mũi xoang, hầu họng, amidan, giảm trương lực cơ ở vùng cổ họng ở người lớn tuổi gặp trong phần lớn các trường hợp. |
Chia sẻ với Báo Giao thông, Ths.BS Hoàng Anh Đức cho biết: “Người bệnh mắc hội chứng ngừng thở là khi xuất hiện những cơn ngưng thở kéo dài khoảng 10 giây trong lúc ngủ. Hội chứng ngừng thở khi ngủ chia làm hai loại ngừng thở tắc nghẽn và ngừng thở trung ương”.
Theo PGS. BS. Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, hiện hội chứng ngừng thở khi ngủ rất ít người quan tâm và đôi khi hay bỏ qua, tuy nhiên hậu quả của nó lại vô cùng lớn. Lý giải về điều này, BS. Phương cho biết, do khi ngừng thở giảm oxy máu và tăng khí CO2 ở máu, gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não…
“Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng ngưng thở lúc ngủ sẽ góp phần gây ra những biến chứng nguy hiểm với các bệnh lý tai biến mạch máu não, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, giảm trí nhớ, mất tập trung dễ dẫn đến TNGT, tai nạn lao động… thậm chí, có thể đột tử trong đêm”, BS. Phương khuyến cáo.
Cẩn trọng khi ngủ ngáy to, buồn ngủ ngày
BS. Phan Thu Phương cho biết, hội chứng ngừng thở tắc nghẽn thường gặp hơn hội chứng ngừng thở trung ương. Dấu hiệu nhận biết đầu tiên ở người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ là ban đêm, ngủ ngáy to, kèm theo cơn ngừng thở sẽ được phát hiện bởi người xung quanh với quãng dài không thở và kết thúc là cơn thở mạnh gây sặc. Còn ban ngày thường xuất hiện tình trạng đau đầu, kém tập trung, hoa mắt, buồn ngủ nhiều và xuất hiện tăng huyết áp kháng trị đối với các bệnh nhân có nền bệnh huyết áp cao, đái tháo đường.
Theo khuyến cáo của BS. Đức, đối tượng có yếu tố nguy cơ cao mắc hội chứng này là người ở tuổi trung niên, thừa cân có chỉ số IBM trên 25, cổ to và ngắn, hay những người có nền bệnh đái tháo đường, tai biến mạch máu não… Do vậy, với những đối tượng nguy cơ này cần được thăm khám sàng lọc kịp thời tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Để phát hiện hội chứng ngừng thở khi ngủ, bệnh nhân cần được khám lâm sàng qua việc đánh giá yếu tố nguy cơ, sau đó được chỉ định đo giấc ngủ, thăm dò thông số lưu lượng thở qua mũi, độ bão hòa ôxy trong máu, điện tim đồ, điện não, đo cử động hô hấp ngực, bụng… Nếu bệnh nhân vừa có triệu chứng ngủ ngáy và buồn ngủ ban ngày nhiều kèm kết quả đo giấc ngủ ghi nhận có tổng số đợt ngưng thở lớn hơn 5 lần trong 1 giờ khi ngủ và mỗi đợt ngừng thở kéo dài ít nhất là 10 giây, thì được chẩn đoán có hội chứng ngừng thở khi ngủ. Tiêu chuẩn chẩn đoán độ nặng của hội chứng ngưng thở khi ngủ tùy thuộc vào tổng số đợt ngưng thở trong 1 giờ.
Việc điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ tùy thuộc vào mức độ bệnh. Có thể chỉ cần thay đổi lối sống, giảm cân, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần, hoặc dùng dụng cụ nâng hàm. Hoặc, bệnh nhân có bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng, sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật. Trong trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở tắc nghẽn sau can thiệp vẫn không hiệu quả hoặc mắc hội chứng ngừng thở trung ương, sẽ được chỉ định thở máy không xâm nhập trong lúc ngủ. Việc thở máy giúp bệnh nhân thông thoáng đường hô hấp, hỗ trợ thở khi ngủ. “Hiện cách thức điều trị này mang lại hiệu quả cao”, BS. Đức cho biết.
Cũng theo một nghiên cứu của Trung tâm hô hấp trên nhóm đối tượng có nguy cơ cao tới thăm khám tại đây thì có hơn 50% mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận