Một cảnh trong phim “Những đứa con của làng” |
Thông tư hướng dẫn việc đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước được mong chờ từ 10 năm nay nhưng vẫn chưa hình hài. Suốt 10 năm, các nhà làm phim mong dài cổ một sân chơi bình đẳng giữa tư nhân và Nhà nước, dù Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.
Chấm dứt cảnh chiếu một lần rồi… cất kho
Dòng phim do Nhà nước đặt hàng, suốt bao năm qua đã gánh lên vai rất nhiều trọng trách. Từ doanh thu luôn khiêm tốn khi đặt bên khoản kinh phí đầu tư ngày càng lớn đến chất lượng phim hiếm khi đáp ứng được kỳ vọng của khán giả. Từ nội dung không hấp dẫn tới ngôn ngữ điện ảnh cũ kỹ, sáo mòn, thiếu tính sáng tạo. Từ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc. Nhưng cũng vì phải chuyên chở, hướng tới quá nhiều mục đích, đây cũng là dòng phim luôn phải hứng chịu khá nhiều búa rìu dư luận.
Với thông tư hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng, Nhà nước ngừng rót tiền cho các hãng phim và tương lai các cơ sở sản xuất phim được cấp phép đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn do Nhà nước tài trợ nếu họ trúng thầu. Về phía Nhà nước, thông qua hình thức đấu thầu, sẽ quản lý và sử dụng nguồn tiền đầu tư một cách có hiệu quả nếu chọn đúng người, giao đúng phim.
Còn phía các nhà làm phim sẽ phải tăng cường trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình. Họ sẽ phải làm tốt và thậm chí tốt hơn những người khác nếu trong tương lai còn muốn tiếp tục sống được bằng nghề. Điều chắc chắn là, các tác phẩm điện ảnh ra đời do đấu thầu sẽ không còn gặp cảnh làm xong chiếu một lần rồi đem cất vào kho, mãi mãi không bao giờ xuất hiện nữa. Cuối cùng, khán giả không còn phải cám cảnh trước chất lượng của khá nhiều tác phẩm, vốn lâu nay hay được xếp vào dòng phim nghệ thuật của các đơn vị quốc doanh.
Đấu thầu tạo công bằng giữa hãng phim nhà nước và tư nhân
Năm 2014, Cục Điện ảnh thực hiện thí điểm chính sách tài trợ, đặt hàng các hãng phim tư nhân sản xuất phim từ ngân sách Nhà nước. Đầu tiên, bộ phim Những đứa con của làng, đã được Nhà nước rót kinh phí đặt hàng với hãng phim tư nhân (Hồng Ngát Film). Tiếp đến là dự án Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh Nhà nước tài trợ 8 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư của ba hãng phim tư nhân: Galaxy M&E Films, Saigon Concert và Phương Nam Film (khoảng 13 tỷ đồng tính đến nay).
Thành công nhiều mặt của bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã thay đổi nhận thức của nhiều người về phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước như lâu nay phim làm ra cất kho. Chính vì thế, giới trong nghề mong đợi thông tư này như bước đột phá trong việc sử dụng hiệu quả hơn tiền tài trợ của Nhà nước cho điện ảnh. Đấu thầu cũng tạo cơ hội công bằng, không phân biệt giữa hãng phim Nhà nước và tư nhân.
Tuy nhiên, đến nay dù đã hơn 10 năm, Thông tư liên tịch của Bộ VH,TT&DL và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước vẫn chưa được ban hành dù đã được hai Bộ cơ bản thống nhất về quan điểm.
NSND Vương Đức, Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam cho biết, tính đặc thù của điện ảnh cao, chính vì thế việc đấu thầu phim cũng rất khó khăn. Công đoạn làm phim có rất nhiều. Hạng mục còn nhiều hơn cả bên xây dựng, giao thông. Chính vì thế, sau luật có thông tư hướng dẫn, cứ bị quanh quẩn không ra được. “Tôi cũng mong thông tư hướng dẫn đấu thầu phim nhanh chóng được ban hành để ra chúng tôi biết đường làm được. Chúng tôi có nhiều dự án đang chờ thông tư đó để đi tiếp thế nào”, NSND Vương Đức chia sẻ.
Mắc mớ nhiều nơi
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, 10 năm thông tư đấu thầu tác phẩm điện ảnh vẫn chưa thể ban hành vì mắc ở nhiều nơi. Cụ thể, vẫn mắc ở phía Cục Nghệ thuật biểu diễn và mắc ở Cục Văn hóa cơ sở. “Chúng tôi đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đang phối hợp với Vụ Kế hoạch và Tài chính (Bộ VH,TT&DL) để dứt điểm, hướng dẫn để thực hiện thông tư này. Nếu không tháo gỡ chuyện này sẽ không có cơ chế đặt hàng tác phẩm điện ảnh, như vậy rất khó. Song song với đó, Cục Điện ảnh đề xuất với Bộ VH,TT&DL trình lên Chính phủ, khi mà thông tư chưa ra sẽ có một cơ chế đặt hàng cho ngành Điện ảnh trong thời gian tới”, bà Lan cho biết.
Cuối năm 2015, do nguồn kinh phí bị ách tắc nên trong năm 2016 đã không có phim Nhà nước đặt hàng được sản xuất. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ông sẽ trực tiếp chủ trì và tháo gỡ thông tư đấu thầu tác phẩm điện ảnh trong thời gian tới và “xem vướng mắc ở đâu để tháo gỡ chứ không thể để kéo dài 10 năm nữa”, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận