Vợ chồng nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông bên tượng sáp của danh hài Hoài Linh - Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Chỉnh sửa giống người thật đến tối đa
Năm 2013, Khu du lịch Bà Nà đã mua 43 tượng sáp những nhân vật nổi tiếng của Madam Tussauds để trưng bày. Được biết, giá vé vào tham quan 100 nghìn đồng/người. Tháng 4 vừa qua, một nhóm nghệ nhân điêu khắc đã bỏ ra 35 tỷ đồng để mở nhà trưng bày tượng sáp gồm 100 nghệ sĩ Việt tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM. Điều này cũng mở ra một hướng đầy tiềm năng cho lĩnh vực chế tác, tạc tượng ở Việt Nam, đặc biệt trong ngành giải trí, du lịch. NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết, mỗi lần đi du lịch được xem tượng sáp của các nghệ sĩ nước ngoài, chị mong Việt Nam mình có một khu trưng bày tượng sáp giống như vậy.
Tuy nhiên, ngay sau khi trưng bày, các bức tượng sáp “made in Vietnam” đã nhận được ý kiến phản hồi của dư luận. Trong 100 bức tượng sáp nghệ sĩ Việt, chỉ một số tượng sáp giống chủ nhân và nhận được nhiều lời khen ngợi của nhân vật như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Bạch, Mạc Can… Đa số các bức tượng còn lại đều bị chê xấu, không có hồn như danh hài Thúy Nga, Trấn Thành, Trịnh Công Sơn… Được biết, để làm ra một bức tượng sáp, người ta phải lấy hàng trăm chỉ số khác nhau trong ba năm, sau đó đổ khuôn, đúc tượng và tiến hành làm râu, tóc… Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông, một trong những người sáng lập dự án cho biết, ê-kíp của anh luôn lắng nghe những lời nhận xét, góp ý của dư luận. Mục tiêu cuối cùng của nhà trưng bày tượng sáp là tượng đẹp và giống nguyên mẫu. Vậy nên, các nhà điêu khắc hiện nay vẫn đang chỉnh sửa những bức tượng sáp, song song với việc các nghệ sĩ đưa chuyên gia đến để trang điểm lại, làm tóc, quần áo cho tượng sáp của mình.
Mở cửa tham quan nhà trưng bày tượng sáp
Hiện nay, nhu cầu làm tượng sáp trong nước đều phải sang nước ngoài đặt làm với chi phí từ vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng. Tượng sáp Lady Gaga tại Bảo tàng ở London có giá tới 187 nghìn USD. Những tượng sáp “tiết kiệm” nhất cũng ngốn hàng chục nghìn USD. Một bức tượng sáp tương tự ở Trung Quốc thực hiện có giá đến 25.000 USD.
Nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Văn Đông cho biết, nhóm của mình mất hơn 10 năm để tìm tòi phương thức làm tượng sáp cho văn nghệ sĩ. Chất liệu sáp tổng hợp mua nguyên liệu thô từ nước ngoài, pha chế theo công thức riêng, giảm bớt chi phí vì giá nguyên liệu gốc rất đắt. Một bức tượng hoàn chỉnh tiêu mất khoảng 200 - 300 triệu đồng. Như vậy, giá thành đã giảm xuống chỉ còn 1/2 so với đặt mua tại nước ngoài. Chất lượng không thua kém, thậm chí hơn với thế giới. Có thể để nắng mưa, phù hợp với khí hậu ẩm ướt của Việt Nam.
Ngoài ra, nhà điêu khắc còn cho biết thêm, một số công ty du lịch đã mở tour mà địa điểm đến là nhà trưng bày tượng sáp. Giá vé thăm quan nhà trưng bày 100 nghìn đồng/vé. Sau khi đi vào hoạt động, nhà trưng bày đã thu hút được 50 - 100 du khách nội địa/ngày.
Anh cũng chia sẻ, so với số tiền tỷ bỏ ra để bắt đầu dự án và duy trì tiền thuê mặt bằng ở đây, tiền vé chắc chắn không đủ để thu hồi vốn. “Chúng tôi làm vì đam mê nghệ thuật, nên việc thu hồi vốn chắc lâu lắm. Là người mở đường, khai phá bao giờ cũng chông gai vất vả, nhưng chúng tôi luôn cố gắng phát triển ngành Tượng sáp Việt Nam. Tôi muốn đất nước có ngành Tượng sáp không thua kém các nước trên thế giới”, anh nói.
Anh Thái Ngọc Bình, Giám đốc bộ phận kinh doanh cho biết, nhà trưng bày tượng sáp Việt được đặt trong khuôn viên Nhà hát Hòa Bình (TP HCM) và được đầu tư 35 tỉ đồng. Đây là số tiền do nhà điêu khắc cùng nhóm của mình tự bỏ ra đầu tư và không có tài trợ. Khi đến với nhà trưng bày, du khách không chỉ chụp ảnh, tham quan với các nghệ sĩ mà còn có thể mua sắm những đồ lưu niệm, thưởng thức những món ăn đặc sản vùng miền.
Hiện tại, để thu hút khách du lịch thăm quan, phía nhà trưng bày cũng đang xây dựng các chương trình giao lưu với khách tham quan. Cụ thể, từ 15/5 sẽ triển khai, mỗi tối thứ 3, 5, 7 từ 18-21h có chương trình giao lưu trực tiếp với các nghệ sĩ hát bội, nghệ sĩ đờn ca tài tử, ảo thuật gia, nghệ sĩ. “Chúng tôi làm nhà trưng bày tượng sáp Việt để người dân Việt Nam có thể thăm quan, mua sắm, chụp hình cùng thần tượng của mình”, anh nói.
Được biết, vài năm gần đây một số bảo tàng sáp mới khác đang bắt đầu được xây dựng trên khắp thế giới. Tại Ấn Độ, cũng có ba bảo tàng tượng sáp là Bảo tàng sáp Mother (MWM), Bảo tàng sáp tại Jaipur, Bảo tàng tượng sáp tại Shimla Himachal Pradesh.
Tại Trung Quốc, các bảo tàng tượng sáp hay nhà trưng bày tượng đang mọc lên như nấm. Ngoài ba bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds ở Thượng Hải, Vũ Hán, Bắc Kinh người ta còn thấy hai bảo tàng khác ở Thẩm Dương, Tứ Xuyên. Theo báo cáo của NetEase (thông qua Shanghaiist) tại Trung Quốc, lượng khách du lịch thăm quan các bảo tàng tượng sáp đang tăng lên nhanh chóng, chính vì thế khiến các công ty mở bảo tàng tượng sáp tại nhiều địa điểm trên khắp đất nước.
Có thể thấy, bảo tàng tượng sáp được xem là một thị trường màu mỡ, đem lại nhiều lợi nhuận nên hiện có rất nhiều nhà đầu tư bỏ vốn vào đây. Là người có thâm niên công tác trong ngành Du lịch, anh Vũ Văn Nguyện, Công ty Du lịch Việt (Viet Media Travel) nhìn nhận các bảo tàng tượng sáp tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kong hay Singapore, Thái Lan từ lâu đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch trong và ngoài nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận