Hệ thống hạ tầng giao thông từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc
Chiều nay (29/3), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI phát biểu tại Hội nghị của Bộ GTVT chiều nay (29/3) - Ảnh: Tạ Hải
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cho biết, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI là nghị quyết thứ hai về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc sau 10 năm tổng kết thực hiện Nghị quyết TƯ 8 khóa IX.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, Nghị quyết TƯ 8 khóa XI đã đưa ra mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể, 7 quan điểm, 3 phương châm chỉ đạo và 6 nhiệm vụ giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực.
Đánh giá cao những kết quả Bộ GTVT đã đạt được, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, góp phần quan trọng phát triển KT-XH, củng cố tiềm lực, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
“Bên cạnh tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ chủ chốt; lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nghị quyết trong các chỉ thị, nghị quyết của từng cấp để tổ chức thực hiện, ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển đảng viên, lãnh đạo Bộ GTVT đã quan tâm lãnh đạo kết hợp phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ GTVT cũng là một trong số các bộ, ngành sớm cơ bản hoàn thành quy hoạch ngành quốc gia, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo ra đột phá, phát triển nhanh hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển KT-XH, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh, quốc phòng”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Cơ bản thống nhất với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đề ra, để đạt được mục tiêu, yêu cầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Tô Lâm đề nghị thời gian tới, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quân ủy Trung ương nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu tổng kết và đề xuất ban hành Nghị quyết mới để trình Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, trọng tâm là đề xuất các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
“Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu, có các giải pháp cụ thể tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khâu tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Làm tốt công tác về Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng thời, có các chủ trương, giải pháp cụ thể phát triển GTVT đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý vùng trời, vùng biển, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh trên 5 lĩnh vực GTVT, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Hoạt động đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế cũng cần được đẩy mạnh, tranh thủ, khai thác thời cơ, nguồn lực bên ngoài để thu hút đầu tư phát triển GTVT, phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước”, Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: Tạ Hải
Tiếp tục đột phá hạ tầng, xây dựng quy hoạch GTVT đồng bộ
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định sau hội nghị tổng kết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT tiếp tục cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ chính trị, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực điều hành, quản lý của các cơ quan, đơn vị, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng thời, xây dựng các cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; Đoàn kết, thống nhất đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
“Bộ GTVT sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt điều chỉnh, bổ sung các chiến lược quy hoạch ngành GTVT đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục được nghiên cứu triển khai đồng bộ với một số công trình hiện đại như đến năm 2030, phấn đấu cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc, hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển, đầu tư xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bộ cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, chương trình ký kết, rà soát bổ sung các quy định mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn”, Bộ trưởng Thắng cho hay.
Thời gian qua, nhiều công trình giao thông hiện đại đã được tập trung đầu tư, tạo động lực phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Tập trung nhiều công trình có tính lan tỏa lớn
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, qua 10 năm thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Ban Cán sự Đảng Bộ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cấp ủy chính quyền các địa phương để triển khai thực hiện nhiệm vụ, kết hợp chặt chẽ phát triển GTVT với quốc phòng, an ninh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Trong những năm qua, ngành GTVT đã có bước phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Hệ thống đường bộ được Bộ GTVT quan tâm đầu tư cơ bản đồng đều giữa các vùng, miền và các địa phương, ưu tiên đầu tư cho các vùng động lực (Thủ đô Hà Nội, Đông Nam bộ), vùng ĐBSCL, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và các vùng khó khăn.
Đến nay, hơn 1.400km đường bộ cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Các tuyến quốc lộ chính yếu đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo cơ bản. Trong đó, tập trung hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…
Bộ GTVT cũng đã phối hợp với các địa phương huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường vành đai biên giới, vùng núi, ven biển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương, địa bàn và vùng chiến lược.
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong kiểm soát không lưu, hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự; 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh đã và đang được cải tạo nâng cấp, đang xây mới cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành cảng trung chuyển hàng không quốc tế lớn của khu vực.
Lĩnh vực đường sắt đã cải tạo, nâng cấp được tập trung vào một số công trình khẩn cấp, thiết yếu trên các tuyến đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng mới, đưa vào khai thác được khoảng 5,67 km đường sắt quốc gia, 13km đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng và phát triển đội tàu nhằm đảm bảo thị phần vận tải nội địa và nâng cao năng lực vận tải quốc tế. Hàng loạt khu bến cảng cửa ngõ quốc tế được đầu tư phát triển như: Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng) đưa tổng công suất thiết kế các cảng hiện nay lên khoảng 750 triệu tấn/năm.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, bên cạnh việc nâng cấp, tăng chiều dài các đoạn, tuyến chính đang quản lý khai thác, một số cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách ở ĐBSCL và lưu vực sông Hồng cũng được đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, lĩnh vực phát triển giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Tính đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng 149.214km đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng 4.145 cầu trên phạm vi 50 tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 8.338 tỷ đồng, hoàn thành Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Các công trình đã góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận