Hạ tầng triển khai chậm
Bà Đào Thị Thu Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Virex, Alphanam Group chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Miền Trung 2022: "Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”, Alphanam Group một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sớm bước chân vào thị trường bất động sản miền Trung. Doanh nghiệp hiểu rằng còn nhiều "khoảng trống" cơ chế cho quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Bà Đào Thị Thu Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Virex, Alphanam Group
Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chờ cơ chế, song song với việc chờ thì các vấn đề của doanh nghiệp vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ, do đó, doanh nghiệp phải có tiếng nói.
Để thị trường bất động sản miền Trung hồi phục, phát triển thậm chí bùng nổ như nhiều nhận định được đưa ra, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Virex cho rằng có 3 việc cần làm:
Thứ nhất, phải nhìn nhận đúng đắn về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Đơn cử: Giảm khách quốc tế, khó khăn trong hoạt động du lịch..., từ đó có giải pháp tổng thể cho vấn đề này. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để mở cửa du lịch, tạo đà cho phát triển bất động sản miền Trung. Có kế hoạch mở cửa rõ ràng và đảm bảo sự hồi phục cho thị trường, cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp đến hành lang pháp lý, hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng, có thể "sàng lọc" doanh nghiệp, lựa chọn những doanh nghiệp đầu tư có định hướng bền vững lâu dài, "làm sạch" thị trường bất động sản. Bà Giang cũng đánh giá các giao dịch M&A (mua bán và sát nhập) và nhận định, đây cũng là một xu thế của bất động sản miền Trung trong thời gian tới.
Cuối cùng bà Giang cho rằng, bất động sản miền Trung phục hồi cần có sự đồng bộ hạ tầng.
"Thời gian gần đây, khu vực miền Trung đã được quan tâm tương đối với các dự án hạ tầng, cấu phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, tiến độ các dự án hạ tầng này hiện vẫn là vấn đề nhức nhối, chậm giải ngân, chậm giải phóng mặt bằng, chậm triển khai như ở các dự án cao tốc Bắc – Nam,… do đó, cần làm ngay, đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng để thúc đẩy thị trường bất động sản", bà Đào Thị Thu Giang nhấn mạnh.
Về lợi thế của các chủ đầu tư lớn, nói cách khác là các nhà đầu tư "đại bàng" tại thị trường bất động sản miền Trung, đại diện Alphanam Group cho biết, nhiều chuyên gia đã nhận định, thành công của các "đại bàng" này ở miền Trung là thành công nhất. Bản thân Alphanam cũng đã vào bất động sản miền Trung từ khá sớm.
Ưu điểm của các tập đoàn lớn này là luôn luôn có tầm nhìn chiến lược, phát triển bền vững. “Họ phải đảm bảo giữ vững thương hiệu phát triển của doanh nghiệp, vì vậy phải luôn minh bạch quá trình hoạt động, giữ vững lòng tin với các nhà đầu tư", bà Đào Thị Thu Giang nói.
Cùng với đó, các nhà đầu tư lớn có nguồn tài chính mạnh. Riêng miền trung Alphanam đang có các dự án trọng điểm với nguồn vốn 10.000 tỷ đồng.
"Nếu chúng ta có sự nhận thức về hướng đi và trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp thì thị trường bất động sản miền Trung sẽ phát triển mạnh mẽ, bùng nổ đúng tầm…trong năm 2022", bà Đào Thị Thu Giang khẳng định.
Đang tháo gỡ nhiều "nút thắt" pháp lý
Cũng tại diễn đàn, bà Hoàng Thu Hằng - Phó Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ nghiên cứu, sửa đổi, nổi bật bất là 2 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội sửa luật. Cụ thể là 4 nhóm chính sách:
Thứ nhất là nhóm chính sách liên quan đến kinh doanh bất động sản. Dự thảo làm rõ hơn phạm vi, các đối tượng loại hình bất động sản được đưa vào kinh doanh. Cụ thể hơn về các trường hợp công trình, nhà ở có sẵn, công trình, nhà ở hình thành trong tương lai.
Thứ hai, là nhóm quy định về kinh doanh bất động sản, cụ thể là các quy định làm rõ vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của các sàn bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, các cơ sở đào tạo môi giới bất động sản. Trong dự thảo này đưa các nội dung về việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn.
Tiếp đến là chính sách liên quan dến điều tiết thị trường, đây là chính sách mới.
Cuối cùng là chính sách liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
“Chúng tôi đã có những đề xuất liên quan đến xây dựng các hệ thống thông tin về thị trường động sản. Đồng thời, một điểm quan trọng nữa là quy định, phân định trách nhiệm cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ ngành, các địa phương để tránh việc chồng chéo cũng như ngăn chặn việc sai phạm có thể xảy ra trong thị trường bất động sản” - bà Hằng cũng cho biết, trong thời gian tới bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các chính sách ngoài Luật kinh doanh bất động sản thì các chính sách liên quan nhằm thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh các chính sách làm sao để phát triển các dòng bất động sản đáp ứng nhu cầu thị trường đặc biệt là các sản phẩm nhập thấp, nhà ở xã hội; Khơi thông thủ tục pháp lý, thúc đẩy nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận