Xã hội

Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới để phục hồi tăng trưởng kinh tế là đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Chiều 23/10, tiếp chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đầu tư hạ tầng là lĩnh vực đạt kết quả rõ nét nhất

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức… và vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, trong đó tốc độ tăng GDP năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Trong số các kết quả đạt được, một trong những kết quả được đánh giá rõ nét nhất chính là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về các kết quả nổi bật khác, theo ông Dũng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi, được đẩy mạnh.

Trong thời gian tới, dự báo khó khăn, thách thức còn rất lớn, các rủi ro tiềm ẩn tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Do đó, Chính phủ đề ra một số giải pháp, như huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển; Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông như hệ thống đường cao tốc theo tuyến Bắc - Nam và Đông - Tây, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số gắn với nâng cao năng lực nội tại.

Bên cạnh đó, xác định sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, sắp xếp bộ máy tinh gọn.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban đồng tình với nhận định Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế chỉ ra một số hạn chế. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo ông Thanh "thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay còn rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, còn nhiều giấy phép con liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, phát sinh một số thủ tục hành chính mới".

Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể kết quả cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ năm 2021 đến nay, đặc biệt là kết quả cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; hiệu quả của việc cắt, giảm thủ tục hành chính.

Trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị một số giải pháp. Trong đó, đề nghị tăng cường liên kết vùng; Triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm...

Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai việc cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường tính trách nhiệm và giải trình của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu.

Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Làm rõ trách nhiệm chậm triển khai chính sách hỗ trợ phát triển KTXH

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực nhưng cần tiếp tục triển khai.

Đơn cử, về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, kết quả giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 44.458 tỉ đồng, đạt 90% kế hoạch.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và 5.194.162 lượt lao động. 

Nêu một số nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách (dự kiến 38.592 tỉ đồng), trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi.

Cho phép bổ sung đối tượng vào Nghị quyết số 43 của Quốc hội và bố trí số vốn 2.920,7 tỉ đồng còn dư sau khi thực hiện chính sách nêu trên cho 5 dự án thuộc ngành y tế. Trong đó có 2.420,7 tỉ đồng cho 4 dự án của Bộ Y tế và 500 tỉ đồng cho 1 dự án của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc  chậm triển khai  chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

UBKT đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. 

Đối với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của Chương trình, Chính phủ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn.

Với việc sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, UBKT thống nhất về chủ trương báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về nội dung này.

Chính phủ chịu trách nhiệm về tính hiệu quả, kết quả triển khai dự án được đề nghị phân bổ; bảo đảm việc triển khai thực hiện phân bổ vốn theo đúng quy định.

Về đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư của chương trình, UBKT thống nhất về chủ trương cho phép trình Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.