Chiều nay, 3/6 Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Trước đó, theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), sẽ trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật; cho ý kiến 8 dự án luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 1 dự án pháp lệnh (tháng 12/2019). Dự kiến Chương trình năm 2020 sẽ trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến 17 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Nêu ý kiến về quá trình bàn thảo các dự luật, đại biểu Phan Thái Bình, Quảng Nam dẫn ra thực trạng: “Gần đến kỳ họp thì đa số dự án luật mới gửi cho các đại biểu nghiên cứu, có nhiều dự án luật thời gian rất ít, thậm chí không còn thời gian để các đại biểu Quốc hội tổ chức các đoàn để thảo luận và nghe ý kiến của các cơ quan và các đối tượng chịu sự tác động của luật, dẫn đến hạn chế trong việc tham gia góp ý. Thậm chí một số dự án luật đến ngày các đại biểu Quốc hội đi họp vẫn chưa nhận được các dự thảo”.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cũng nhận định thực tiễn xây dựng luật hiện nay có nhiều bất cập, trong đó bất cập nhất thể hiện ở khâu tiếp thu, chỉnh lý luật trình Quốc hội thông qua. “Có nhiều vấn đề về chính sách pháp luật mà các đại biểu Quốc hội đã phân tích rất rõ, thấy sự bất cập, tính trái pháp luật nhưng vẫn không được tiếp thu”.
Theo vị đại biểu An Giang, hiện tượng trên xuất phát từ thái độ tiếp thu của một số Ban soạn thảo chưa nghiêm túc, vì lợi ích bộ, ngành. “Cá biệt có Trưởng Ban soạn thảo cho rằng báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cho rằng đúng pháp luật rồi thì đại biểu Quốc hội chúng tôi gần như bị cấm không được nói là trái pháp luật. Đây là ngầm hiểu như vậy. Chúng tôi cho rằng đây là vi phạm quy định tại Điều 65 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Bộ dẫn ví dụ.
Ngoài ra "còn có sự thỏa hiệp, nể nang của Ủy ban thẩm tra", nên thay cho việc phản biện dự thảo luật một cách khoa học và khách quan lại đi chứng minh vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã phát hiện là trái luật.
Trước thực trạng trên, đại biểu Lê Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các quy định về xây dựng pháp luật.
“Dự án luật, pháp lệnh trình không đúng thời hạn, tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng thì không đưa vào chương trình phiên họp thẩm tra, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình, cơ quan soạn thảo có dự án luật, pháp lệnh không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng”, bà Thúy nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận