Ủng hộ phát triển chung cư mini nhưng phải quản chặt
Chiều 26/10, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái (Thứ trưởng Bộ Xây dựng giai đoạn 2015-2017) đã chia sẻ về giải pháp khắc phục về những "lỗ hổng" trong quản lý, xây dựng nhà chung cư mini.
Ông Duy cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh bổ sung quy định phát triển loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ do cá nhân phát triển".
Bí thư Yên Bái giải thích, đây là giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là các nguồn lực của người dân để phát triển nhà ở, tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động người thu nhập thấp, sinh viên ở khu vực đô thị có cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý.
Song, theo ông Duy, để bảo đảm phát triển hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người tiếp cận, sở hữu, sử dụng loại hình nhà ở này, Nhà nước cần quan tâm quản lý kiểm soát các vấn đề cốt yếu.
Trước hết là bảo đảm tuân thủ quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng.
Thứ hai, cần bảo đảm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.
Thứ ba, là quá trình giao dịch, quản lý sử dụng phải hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp có thể xảy ra.
Đồng thời, cần đơn giản hoá quy trình thủ tục hành chính cũng như điều kiện của cá nhân là chủ đầu tư thực hiện dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện các dự án nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ.
Đây là cách để góp phần cùng giải quyết vấn đề về khó khăn về nhà ở, nhất là nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị.
Song, ông Duy nhấn mạnh, việc tạo điều kiện không đồng nghĩa với việc hợp thức hóa các sai phạm đã xảy ra trước đó, nhất là những sai phạm do nguyên nhân của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện hết chức năng quản lý của mình.
"Dù các dự án phát triển nhà ở quy mô lớn hay các nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ và cả nhà ở riêng lẻ thì một trong những quy tắc cơ bản là phải tuân thủ quy chuẩn, chỉ tiêu về quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng.
Ngoài ra, những công trình là nơi ở, nơi lưu trú, làm việc của nhiều người thì phải bảo đảm nghiêm ngặt các quy định về phòng chống cháy nổ và các quy định pháp luật liên quan khác", ông Duy nói.
Nhà dân tự xây cũng không thể bịt kín lối thoát
Cũng bên hành lang nghị trường, PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Không riêng chung cư mini, vấn đề nhà ở nói chung kể cả nhà dân tự xây dựng, đều cần phải xem xét lại nghiêm túc, có đảm bảo được điều kiện sống, điều kiện an toàn, phòng cháy chữa cháy hay không".
Theo ông Cường, đây là lúc phải nhìn lại, phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về phát triển nhà ở. Từ thiết kế kiến trúc đến xây dựng đều phải qua khâu kiểm duyệt, không thể để tình trạng nhà xây lên bịt kín tất cả lối thoát.
Nhà ở nhiều người, nhiều hộ gia đình dù là chung cư mini hay không đều phải có yếu tố đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt cộng đồng; có dịch vụ chung cho toàn bộ người dân ở đó.
Hơn nữa, ông Cường cho rằng, trách nhiệm đầu tiên để xảy ra chung cư mini không đủ điều kiện, quy chuẩn là các chủ đầu tư nhưng cũng cần phải xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, phê duyệt không đúng.
"Đây không phải chấp nhận sửa sai mà phải xác định việc xây dựng chung cư mini đã diễn ra rồi phải khắc phục để đảm bảo đời sống người dân, điều kiện tối thiểu cho đời sống", ông Cường nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến tương tự, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho rằng cần phải chấn chỉnh các cơ quan chuyên môn, các cấp ủy chính quyền về vấn đề cháy nổ, quản lý chung cư mini.
"Đây là việc không chỉ các nhà đầu tư, phải có các cấp chính quyền, các tổ dân phố tham gia, kịp thời phát hiện những hạn chế, lỗ hổng trong an toàn cháy nổ", ông Cừ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận