Xã hội

ĐBQH đề xuất làm đường cao tốc dưới dạng cầu cạn

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu tiền khả thi phương án xây dựng cầu cạn trên đường cao tốc để giải bài toán thiếu vật liệu san lấp như hiện nay.

Nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông được đẩy nhanh tiến độ

Sáng 25/5, phát biểu thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu rõ, qua 2 năm triển khai, nhiều chỉ tiêu của nghị quyết đạt được kết quả rất đáng trân trọng.

Theo đó, tăng trưởng GDP đạt mức cao nhiều nhất so với các nước trên thế giới; ngân sách thu cao, xuất siêu, thu hút vốn FDI có tiến bộ; kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát.

ĐBQH đề xuất làm đường cao tốc dưới dạng cầu cạn- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp).

Nhiều dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu xây dựng, giải ngân ở mức cao so với các năm trước.

An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, chăm sóc sức khỏe người dân được nâng cao, hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư, đặc biệt là việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu Hoà cho rằng, vẫn còn những hạn chế trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 43. Đó là công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm dẫn tới việc giải ngân thấp; các danh mục đầu tư trình Quốc hội chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần...

"Về lâu dài, với các dự án có vốn đầu tư lớn cần phải quy hoạch từ đầu nguồn vật liệu, tránh việc đến lúc triển khai dự án phải mua lại dẫn đến đội chi phí lên cao", ông Hòa đề xuất.

Đánh giá trách nhiệm trong việc chậm giao mặt bằng

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cần làm rõ hơn việc phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa bàn có gì khó khăn trong khâu điều hành.

"Đây là chính sách mới, chưa có tiền lệ nên cũng cần có thời gian thực hiện rút kinh nghiệm để nhân rộng", ông Hòa nói.

Việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ, có địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương thì ì ạch. Ông Hòa đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của địa phương, ngành, đơn vị thi công để phân định, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc.

ĐBQH đề xuất làm đường cao tốc dưới dạng cầu cạn- Ảnh 3.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội).

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, Nghị quyết 43 trong một bối cảnh đặc biệt đã có những chính sách đặc biệt. Qua giám sát cho thấy, nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt, có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi, như: đơn giản hóa thủ tục trong khai thác mỏ hay đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi đất rừng đối với các dự án quan trọng quốc gia.

"Tuy nhiên, với cơ chế chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời. Còn trong bối cảnh bình thường cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật", bà Mai nói.

Đại biểu Mai cho rằng, về việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án tuyến đường cao tốc, qua giám sát cho thấy, có nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng có những địa phương còn lúng túng.

"Nếu áp dụng nhân rộng mô hình này, cần chú ý hai điểm. Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương. Thứ hai, là đi đôi với quyền hạn cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu", bà Mai đề nghị.

Xây đường cao tốc dưới dạng cầu cạn để giải bài toán thiếu vật liệu

Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, hiện nay quá trình xây dựng đường cao tốc, đường vành đai, quốc lộ ở khu vực phía Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng san lấp mặt bằng, có công trình phải chờ san lấp xong mới thi công được.

Các mỏ cát được khai thác quyết liệt nhưng vẫn chưa bảo đảm đủ để phục vụ cho các công trình này. Chưa nói đến vật liệu cát để phục vụ cho các công trình dân sinh.

Từ thực tế trên, ông Hòa đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan cấp bách nghiên cứu các vật liệu để thay thế, như cát biển qua xử lý, xỉ than, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường.

Đồng thời, ông Hoà đề nghị nghiên cứu tiền khả thi phương án xây dựng cầu cạn trên đường cao tốc, thực hiện thí điểm rút kinh nghiệm, để hạn chế vật liệu san lấp, giải bài toán thiếu vật liệu san lấp hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.