Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về nhóm vấn đề xây dựng pháp luật, khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, vi phạm trong ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết...
“Nếu các văn bản pháp luật ban hành làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, xâm phạm lợi ích của đất nước, nhân dân thì phải truy cứu trách nhiệm người liên quan…”, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách chia sẻ khi đối thoại với phóng viên Báo Giao thông.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Làm luật “ăn đong”, chưa ngang tầm
Thưa ông, nhìn vào thực tế công tác lập pháp vừa qua, ông đánh giá thế nào về chất lượng xây dựng pháp luật?
Thời gian qua hoạt động xây dựng pháp luật đã đạt được nhiều chuyển biến, ban hành được số lượng lớn, cập nhật nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra.
Song đó chỉ là về mặt thời gian, tiến độ, số lượng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các văn bản chưa bảo đảm chất lượng, tính khả thi chưa cao. Các văn bản luật ủy quyền cho chính phủ hướng dẫn thi hành còn nhiều.
Cách hiểu về một vài quy định trong các văn bản luật chưa nhất quán, tác động không tốt đến phát triển kinh tế - xã hội.
Điều này vừa gây mất thời gian, vừa làm tăng chi phí của người dân doanh nghiệp; công tác phân công tổ chức triển khai các văn bản luật, ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đúng yêu cầu đặt ra.
Ngoài ra, kỹ thuật lập pháp còn nhiều điểm chưa phù hợp với tiến bộ xã hội, thể hiện qua bố cục của đạo luật chưa sáng sủa, các quy định còn lặp lại.
Nhiều văn bản luật sử dụng ngôn ngữ không phổ thông, diễn đạt bằng ngôn ngữ chuyên ngành nên người hiểu được còn ít.
Tính cập nhật của các quy định trong đạo luật, văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh được thực tiễn cuộc sống.
Có những vấn đề thực tiễn đã đi xa một quãng rồi nhưng văn bản pháp luật, văn bản dưới luật chưa theo kịp. Ví dụ như vấn đề thuế, hay trong quản trị xã hội, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao…
Ở đây, vai trò của cán bộ phụ trách công tác pháp luật, của các bộ, ngành và cả các cơ quan của Quốc hội nên được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng ý thức vai trò trách nhiệm để góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật thông qua quản lý xã hội bằng pháp luật là chưa cao.
Mặt khác, cũng phải nói đến trách nhiệm của các cơ quan thuộc Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự luật.
Vẫn còn trường hợp chưa nắm sát được diễn biến cuộc sống, chưa làm rõ được những khúc mắc, mâu thuẫn, chồng chéo trong dự án luật để giúp Quốc hội xem xét, thông qua rõ ràng cụ thể hơn.
Trách nhiệm của một số đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận xem xét thông qua dự án luật còn chưa cao.
Tình trạng như ông vừa nói tồn tại đã lâu, vì sao vẫn chưa được giải quyết?
Suy cho cùng là do cán bộ. Chất lượng không ít cán bộ hiện nay chưa ngang tầm với công cuộc đổi mới, chấn hưng đất nước, chưa coi công tác xây dựng pháp luật là đột phá về thể chế.
Trong khi, thể chế vốn là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định trong mấy nhiệm kỳ gần đây.
Vậy theo ông, để đột phá thể chế thì điều quan trọng nhất là gì?
Trước hết cần đột phá về tư duy, nhất quán về hệ thống. Từ đó rà soát lại hệ thống pháp luật cho nhất quán.
Song, tư duy của một bộ phận cán bộ nắm giữ việc xây dựng, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới văn bản dưới luật chưa ngang tầm, vẫn còn manh mún, áp đặt. Cuộc sống đặt ra vấn đề gì thì gỡ vấn đề đấy… như kiểu “ăn đong”.
Tư duy ngang tầm là phải nhìn nhận được xu hướng vận động, tác động của cuộc sống theo các quy luật, sự bứt phá của khoa học công nghệ và các quan hệ quốc tế.
Hậu quả cài cắm lợi ích nhóm
Lâu nay việc soạn thảo dự án luật vẫn chủ yếu là cơ quan đề xuất kiến nghị, ban hành luật sửa đổi luật chủ trì. Ông nghĩ sao về quy trình này?
Việc này sẽ không tránh khỏi lợi ích cục bộ bản vị của bộ, ngành. Khi được thông qua, sẽ trở thành công cụ pháp lý cho chính bộ, ngành đó, chứ không phải theo nghĩa rộng là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội.
Bởi thế mà dễ xảy ra tình trạng, cái gì lợi cho mình thì nhận, cái gì bất lợi cho người dân, doanh nghiệp thì đẩy cho xã hội.
Quy trình xây dựng luật còn tồn tại nhiều vấn đề. Ở nước ngoài, một đạo luật thông qua ở ba lần đọc. Lần thứ nhất là khởi xướng chính sách - đưa ra sáng kiến pháp luật, cho thấy xã hội đang cần ban hành luật mới hoặc sửa đổi luật, từ đó tập trung bàn vào sự cần thiết.
Lần thứ hai là chỉ bàn về định hướng chính sách lớn, bàn cụ thể cần hàm chứa những gì và không bàn lại sự cần thiết nữa. Đến lần thứ ba là thuần túy về mặt kỹ thuật.
Còn ở ta thì làm theo kiểu vừa bàn sự cần thiết vừa cả vấn đề kỹ thuật nên không sâu, không tường minh.
Gần đây khái niệm tham nhũng chính sách được đề cập khá nhiều, mà biểu hiện là lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?
Đây chính là nhận thức mới về tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong cuốn sách về đấu tranh phòng chống tham nhũng giới thiệu hồi đầu năm nay.
Tổng Bí thư nói: “Tham nhũng không chỉ về kinh tế, tài sản mà còn tham nhũng cả chính sách, luật pháp”.
Hành vi này là lấy việc ban hành chính sách để cài cắm quy định có lợi cho mình, nhóm lợi ích của mình.
Vậy hệ lụy từ việc cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là gì?
Hậu quả không đong đếm được vì nếu là các văn bản pháp luật bao hàm những quy tắc xử sự thì đối tượng áp dụng không chỉ một người mà cả tập thể. Vi phạm thẩm quyền trong xây dựng pháp luật không khác gì lạm quyền, lộng quyền.
Tuy còn phải xem xét động cơ của hành vi nhưng chắc chắn khó tránh khỏi vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Hậu quả nữa là làm cho hệ thống pháp luật bị méo mó, lệch lạc, tạo tiền lệ xấu trong tổ chức, thi hành pháp luật.
Gốc rễ là chất lượng, trách nhiệm cán bộ
Để khắc phục những bất cập, theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt?
Giải pháp gốc rễ nhất vẫn là cán bộ. Chừng nào còn để lọt lưới những cán bộ yếu kém về năng lực phẩm chất thì chừng ấy, không chỉ việc xây dựng pháp luật mà cả điều hành, quản lý sẽ còn yếu kém.
Không ít lần tôi đề nghị phải có chiến lược lập pháp và có chương trình cho cả nhiệm kỳ. Không thể vừa ban hành chương trình xây dựng pháp luật của năm nay, đến cuối năm đã đề nghị sửa đổi bổ sung hoặc đột ngột trình các luật không liên quan để thông qua. Cách làm này sẽ phá vỡ chương trình làm luật trong một năm, chưa nói đến cả nhiệm kỳ.
Cá nhân tôi đánh giá cao Đảng đoàn Quốc hội khóa XV đã đi tiên phong, khi xây dựng chương trình như tầm nhìn về luật pháp trong cả nhiệm kỳ.
Trên cơ sở cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, đặt ra lộ trình, tầm nhìn về luật pháp ít nhất trong 5 năm, từ đó sẽ xác định thứ tự ưu tiên, rà soát để sửa đổi đạo luật tương ứng hoặc ban hành mới các đạo luật.
Thứ hai, thành phần ban soạn thảo cần phải đa dạng. Các bộ, ngành có kiến nghị, sáng kiến luật mới chỉ nên là một thành phần trong ban soạn thảo, thậm chí không được chủ trì. Để cơ quan đề ra sáng kiến pháp luật tự mình xây dựng dự thảo sẽ không khách quan.
Như vậy, cần phải có cơ quan khác chủ trì, phải có sự tham gia của các nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động. Đây chính là khâu kiểm soát quyền lực ngay trong quá trình lập pháp.
Thứ ba là đề cao trách nhiệm của những người đứng đầu của những cơ quan chịu trách nhiệm ban hành thể chế, góp phần xây dựng thể chế.
Phải nghiên cứu đổi mới quy trình lập pháp theo hướng sát hơn, tạo điều kiện tối đa cho đại biểu Quốc hội chủ động quyền trình dự án luật.
Cuối cùng là phải tăng cường tính phản biện xã hội, tận dụng tối đa việc trưng cầu dân ý. Những gì tác động đến dân phải lấy ý kiến của dân và nó phải trở thành thói quen trong lập pháp.
Ông vừa nhắc đến vấn đề trách nhiệm, vậy theo ông, liệu có cần ban hành quy định cụ thể về vấn đề này?
Khi phát biểu về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tôi đã nêu kiến nghị phải ràng buộc trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật. Khi xây dựng luật pháp, họ phải có cam kết về đề xuất luật pháp.
Nếu các văn bản đó làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội, xâm phạm lợi ích của đất nước, nhân dân thì phải truy cứu trách nhiệm.
Cảm ơn ông!
Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tư pháp ngày 15/8
Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Nhóm vấn đề chất vấn thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp gồm việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Bộ trưởng Tư pháp cũng sẽ giải trình về giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại phòng Diên Hồng, nhà Quốc hội và kết nối đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố; được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận