>>> Cần 3.505 tỷ đồng mỗi năm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Cần quy định tối đa về độ tuổi
Góp ý cho dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sáng nay (27/10), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng dự thảo chỉ quy định tiêu chuẩn người tham gia về sức khỏe, trong khi đó, lực lượng này như "cánh tay nối dài" của công an cấp xã, hỗ trợ rất nhiều nhiệm vụ, rất quan trọng.
"Nên quy định giới hạn tuổi. Vì tuổi U70 mà canh gác ban đêm, ban hôm thì sao mà làm được. U70 mà ra điều tiết giao thông là không phù hợp", đại biểu Hòa nêu vấn đề.
Ông Hòa cũng đưa ví dụ bí thư thôn, trưởng thôn, trưởng làng lớn tuổi là hợp lý, cần uy tín, bao nhiêu tuổi cũng được. Nhưng với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) cơ sở mà không quy định tuổi đời là không hợp lý.
Cùng quan điểm, theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang), điều 13 của dự thảo luật quy định, tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng chưa đưa ra giới hạn độ tuổi tối đa.
"Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Nếu người lớn tuổi có thể không nhanh nhẹn, không đủ sức trấn áp, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ ANTT", bà Lam nêu.
Bà Lam cũng đề nghị cần bổ sung quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở vào phạm vi điều chỉnh. Ngoài ra, đề nghị cần nghiên cứu việc chi trả chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở bằng mức lương cụ thể, tính hệ số lương, để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và thu hút được các đối tượng tham gia tích cực, hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã quy định một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn tham gia lực lượng là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định.
Thực tiễn cho thấy, chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động của các lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở hiện nay còn khó khăn, hạn chế; nếu đặt ra tiêu chuẩn về giới hạn độ tuổi tối đa sẽ khó thu hút được người dân tham gia, nhất là những người dù nhiều tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe, có kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác xã hội.
Đồng thời, từ trước đến nay, pháp luật cũng chưa quy định độ tuổi tối đa trong việc tuyển chọn người tham gia lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách, nên việc bổ sung quy định độ tuổi tối đa đối với người tham gia lực lượng là không phù hợp với thực tế.
Để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa phải bảo đảm yêu cầu về sức khỏe khi tham gia lực lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo luật quy định về cho thôi tham gia lực lượng trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe.
Đề nghị không quy định quyền hạn
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung thêm nội dung lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận trong việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố về nội dung đảm bảo ANTT ở cơ sở.
Đại biểu Mai cũng đề nghị cân nhắc về việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phù hiệu, biển hiệu, huy hiệu, vì nếu giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định như khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật thì một số địa phương khó đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ cho nhiệm vụ chi này.
Mặt khác, cần thống nhất mức hỗ trợ mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong cả nước, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện một mức.
Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn TP Hà Nội) đề nghị không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
"Bởi vì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bản chất là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự phân công hướng dẫn trực tiếp của công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn của lực lượng này là không phù hợp", ông Thành nói.
Đại biểu Thành nhất trí với quy định tại dự thảo luật Chính phủ trình về nội dung không quy định khung, không quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với lực lượng tham gia đảm bảo ANTT cơ sở.
Đồng thời, đề xuất quy định theo hướng mở là để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng; quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận