Sự tắc trách của người lớn là tội ác
Sáng 30/5, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, các đại biểu bày tỏ đau xót trước sự việc cháu bé mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón và tử vong tại Thái Bình.
Vụ việc xảy ra vào những ngày cuối tháng 5 khi tất cả đang hướng đến Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em và ngay trước khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Trật tự an toàn đường bộ, trong đó có nhiều quy định mới về quản lý phương tiện đưa đón học sinh.
Các đại biểu được hỏi đều cho rằng trách nhiệm trong vụ việc này là sự tắc trách của người lớn.
"Nhà trường tổ chức xe đưa đón học sinh, nhưng khi xuống xe, cô giáo lại không hề kiểm tra lại xe và kiểm tra số lượng học sinh. Người lái xe cũng không kiểm tra. Khi cô giáo phụ trách đưa đón giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp, thì giáo viên chủ nhiệm cũng không có động thái kiểm tra sĩ số học sinh của lớp mình, có vắng em nào không và nguyên nhân vắng là gì?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói.
Bà nhấn mạnh, tất cả những người lớn có mặt trong câu chuyện này đều có lỗi. Sự tắc trách, vô trách nhiệm của người lớn là một tội ác.
Nữ đại biểu cho rằng, sự tắc trách này đã khiến một cháu bé mới chỉ 5 tuổi bị bỏ quên trên xe cả một ngày mà không ai phát hiện, dẫn đến kết cục đau lòng khiến cháu bé tử vong. Đây là một hồi chuông cảnh báo về nêu cao trách nhiệm trong công việc.
Liên kết sự việc này đến các vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra trong những tháng đầu năm 2024, những sự việc tưởng chừng không liên quan đến nhau, nhưng theo đại biểu Việt Nga, khi tai nạn lao động thảm khốc xảy ra, một trong những nguyên nhân chính là do người lao động, chủ lao động đã không tuân thủ một cách triệt để những quy định về an toàn lao động.
"Điều này chính là vì ý thức, là sự tắc trách của con người. Do đó, trong mọi công việc, chúng ta cần phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu", bà Nga nói.
Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) nhận định trách nhiệm trước hết là của người đưa đón, nói cách khác là nhà trường.
"Đây là một trường tư thục, có cô giáo đi kèm, khi lên xuống xe phải kiểm đếm học sinh. Còn ở lớp học, một lớp mầm non thông thường sẽ có hai cô giáo. Các cô phải bao quát sĩ số lớp, đảm bảo liên lạc với phụ huynh học sinh, với gia đình học sinh", bà Sửu nói.
Xe chở trẻ em mầm non cần thiết kế riêng biệt
Nhận định tình trạng bỏ sót trẻ trên xe đưa đón của một số trường đến giờ phút này là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, đại biểu đoàn Thừa Thiên - Huế cho rằng cần hành động, rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục mầm non, đến đối tượng trẻ mầm non, để làm sao sự việc thương tâm như vậy không tái diễn.
Đồng thời, phải có những hình phạt thích đáng, xử lý thích đáng.
Hiện, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Thái Bình đã vào cuộc, khởi tố hình sự đối với vụ việc.
Ở góc độ lập pháp, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng liên quan đến giáo dục mầm non cần rà soát, nên chăng cần có những chế định mới, quyết định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc trẻ bậc mầm non.
Bên cạnh đó, bà Sửu cũng đề nghị cần phải có sự thay đổi về thiết kế xe chở trẻ em mầm non. Theo bà, cần phải thiết kế chuyên biệt, khác với xe đường dài chở khách để trong trường hợp bất khả kháng hoặc có tình huống xảy ra thì người bên ngoài vẫn nhìn thấy người mắc kẹt bên trong. Hiện, chưa có đơn vị chức năng nào, dịch vụ vận tải nào giới thiệu về những mô hình xe như thế.
Nếu xe đóng kín như ngôi nhà di động, dán kính đen thì tầm quan sát từ bên ngoài vào rất khó.
"Tôi rất mong có rà soát, đánh giá, chuẩn bị thiết kế xây dựng, đầu tư những loại xe như thế để đảm bảo cho trẻ em đồng thời các cơ sở đưa đón trẻ phải chọn lựa những loại xe phù hợp đối với trẻ con và an toàn", nữ đại biểu đoàn Thừa Thiên - Huế cho biết.
Rà soát lại quy trình đưa đón, quản lý học sinh
Còn theo đại biểu Việt Nga, các cơ sở giáo dục cần phải rà soát lại quy trình đưa đón học sinh, quản lý học sinh như thế nào để đảm bảo an toàn nhất.
Với đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (tỉnh Hải Dương) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bà tiếc nuối khi sự việc xảy ra ngay trước khi Luật Trật tự an toàn (TTATGT) đường bộ có hiệu lực.
Theo bà trước nay, có một khoảng trống pháp lý liên quan tới quản lý về xe đưa đón học sinh. Các cơ quan nhà nước đã nhận thấy việc này và đang nỗ lực để thắt chặt lỗ hổng.
"Chúng tôi hy vọng khi Luật TTATGT đường bộ, những vụ việc như vậy sẽ không tái diễn. Quy định của Luật TTATGT đường bộ về quản lý xe đưa đón học sinh hiện nay phù hợp với thực tiễn và có tác dụng tích cực khi áp dụng trên thực tế", bà Thoa nói.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã bổ sung 1 điều khoản về ô tô chở học sinh.
Điều 46 của dự thảo luật quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non.
Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Bảo đảm các điều kiện
- Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
- Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải.
- Xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
- Có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
- Trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
- Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
- Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
- Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
- Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.
- Xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận