Xã hội

ĐBQH yêu cầu có giải pháp thu hút vốn tín dụng cho dự án giao thông

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.


Dự án giao thông cần khối lượng vốn rất lớn, kỳ hạn dài

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, chiều nay (6/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn. Vì vậy, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện.

ĐBQH yêu cầu có giải pháp thu hút vốn tín dụng cho các dự án giao thông - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên).

"Tuy nhiên, các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công. Một trong các nguyên nhân là do việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn. 

Thực trạng nêu trên, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới", ông Thắng gửi câu hỏi đến Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài. Tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc.

Bởi tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.

ĐBQH yêu cầu có giải pháp thu hút vốn tín dụng cho các dự án giao thông - Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ nhóm sát với nợ xấu chiếm tỷ lệ cao.

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, bà Hồng cho biết, chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài.

Chưa thể bỏ phân bổ chỉ tiêu tín dụng

Trước đó, các đại biểu quan tâm đến phân bổ chỉ tiêu tín dụng hàng năm. Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 5,91%, trong khi mục tiêu đề ra của năm 2023 là 14%. 

"Đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra trong khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2023", bà Vân chất vấn.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, lý do tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thấp có nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng, với doanh nghiệp đơn hàng giảm sút, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân khó khăn sau đại dịch Covid-19. 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rút ngắn thủ tục cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; điều kiện tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa được cải thiện.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi: "Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện chủ trương này thế nào?"

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được điều hành bám sát theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng đầu năm. Còn phân bổ hạn mức tín dụng dựa theo xếp hạng các tổ chức tín dụng, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính.

Nghị quyết Quốc hội yêu cầu nghiên cứu cách thức điều hành tín dụng này thì Ngân hàng nhà nước đã thống nhất "ở thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng". Bởi hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, nếu bỏ chỉ tiêu tín dụng làm cho tăng trưởng tín dụng trong khi tăng trưởng tín dụng Việt Nam đang ở mức cao trên GDP theo cảnh báo của WB.

"Chúng tôi tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thì việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn", Thống đốc cho hay.

Trước câu hỏi của đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị): "Có thể tiến tới xóa bỏ cấp tăng trưởng tín dụng hay không?", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói Ngân hàng Nhà nước cho hay, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. 

Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 120%, đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị các tổ chức quốc tế. Vậy nên nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, không áp dụng nữa thì tín dụng sẽ tăng rất mạnh.

"Để tránh tùy ý khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng, hàng năm Ngân hàng Nhà nước có chỉ tiêu định hướng và có nguyên tắc chung. Không thể tùy ý cấp cho từng tổ chức tín dụng, mà dựa theo xếp hạng với tiêu chí rõ ràng", bà Hồng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.