Thông tin rơi máy bay được đăng trên Facebook (Ảnh chụp màn hình) |
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, thông tin về mọi mặt trong đời sống được truyền tải một cách nhanh chóng nhất. Nhưng cùng với đó, cũng xuất hiện không ít “tin giả”, không được kiểm chứng hoặc được tung lên vì mục đích xấu. Tuy là tin giả, nhưng hậu quả gây ra là có thật.
“Thương tích” vì những “nhát dao trên bàn phím”
Cuối tháng 7/2017, hai người phụ nữ bán tăm ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn đã bị đánh oan, gây thương tích nặng vì mọi người nghi họ bắt cóc trẻ em. Sự việc chỉ bắt nguồn từ một người phụ nữ thấy 2 người bán tăm lạ mặt đi vào làng nên chụp ảnh, đăng tin lên mạng rồi thông báo đây là 2 đối tượng bắt cóc trẻ em. Cảnh sát sau đó đã xác định hai phụ nữ trên không phải là đối tượng bắt cóc trẻ em và đã triệu tập các đối tượng đánh người để làm rõ.
Trước đó vài ngày, tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, cũng do nghi ngờ hai người đàn ông vào mua gỗ có hành vi thôi miên để bắt cóc trẻ em, người dân trong làng đã kéo đến đập phá và đốt xe ô tô Fortuner. Công an sau đó đã xác định hai người đàn ông này không có hành vi thôi miên.
Người ta ví, tin giả như “nhát dao trên bàn phím”, bởi nó có thể gây thương tích cho bất cứ người nào không may là nạn nhân, thậm chí, tin giả cũng dễ dàng ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một con người.
Còn nhớ tháng 7/2017, mạng xã hội lan truyền rất nhanh thông tin “Hai nữ sinh hiếp dâm một nam thanh niên dẫn đến tử vong”. Thông tin thất thiệt này đã khiến hai nữ sinh bị vu khống suy sụp tinh thần nghiêm trọng, làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ. Một trong hai nữ sinh đã phải tìm đến pháp luật nhờ bảo vệ.
Một số người lại tung tin giả chỉ vì mục đích câu view hay vì lợi ích kinh doanh. Dư luận từng xôn xao với thông tin “máy bay rơi tại sân bay Nội Bài”, kèm theo ảnh có khói và nhốn nháo tại sân bay. Cùng thời điểm này, Hà Nội đang mưa rất to nên thông tin được lan truyền mạnh mẽ và nhiều người tin là thật. Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra. Một người phụ nữ bị công an triệu tập đã thừa nhận tung tin giả “câu like”, tăng lượt người theo dõi Facebook để phục vụ cho việc kinh doanh mỹ phẩm của mình.
Nhiều người lại đơn thuần tung tin giả chỉ để được nổi bật, thu hút sự chú ý, những người này thường lợi dụng vào một sự kiện nào đó đang được quan tâm để tung tin giả. Điển hình, vừa qua, khi lũ lụt thiên tai liên tiếp xảy ra, trên Facebook xuất hiện rất nhiều thông tin thất thiệt về chủ đề này. Đơn cử, một thanh niên ở Thái Nguyên bị xử phạt vì tung tin vỡ đập Hồ Núi Cốc trên Facebook kèm thêm dòng chữ “Mình không câu like đâu nhé”, trong khi đập này không hề bị tác động gì. Tương tự, khi cơn bão số 12 vào tàn phá miền Trung vào cuối năm 2017, lại có tin lan truyền trên mạng về việc “vỡ đập thủy điện Sông Tranh”. Tin này khiến người dân nơi đây bấn loạn vội vã tìm nơi tránh nạn.
Tung tin giả có thể bị phạt tù đến 7 năm
Trao đổi với Báo Giao thông về thực trạng tung tin giả, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ những quy định để xử lý hành vi này.
Theo luật sư, hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phân tích dưới góc độ xã hội học, PGS.,TS. Trịnh Hòa Bình, Phó tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam nhìn nhận, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, ai cũng có thể dễ dàng lập một tài khoản trên mạng và chia sẻ thông tin trên đó theo ý muốn chủ quan của mình mà không kiểm soát được hậu quả. Trong khi đó, việc kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội không hề dễ dàng. Ông Bình cũng đánh giá, việc mạo danh các tổ chức, cá nhân để đưa ra những thông tin giả mạo, hay tung tin, lan truyền thông tin giả không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức mà còn gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. |
Về trách nhiệm hành chính, Nghị định số 174 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng đã quy định các hành vi đưa tin sai sự thật với các mức độ khác nhau có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin đó có tính chất vu khống thì người tung tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 156, BLHS 2015, với mức phạt 10 - 50 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 3 năm.
Ngoài ra, tùy theo vụ việc cụ thể, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, internet trái với quy định của pháp luật, xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Về trách nhiệm dân sự, nếu tung tin thất thiệt trên mạng xã hội gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP Hà Nội (PC50) cho biết, thực tế có nhiều chủ tài khoản mạng xã hội không đăng ký thông tin thật, máy chủ của các mạng xã hội này ở nước ngoài nên công tác điều tra vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đánh giá việc thông tin sai sự thật không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nào đó mà còn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vị lãnh đạo này cho hay, đơn vị luôn quán triệt thực hiện các biện pháp nắm tình hình, trinh sát trên mạng để kịp thời phát hiện những thông tin thất thiệt nhằm “câu like”, “câu view”. Cùng với đó, nỗ lực truy tìm các đối tượng vi phạm để xử lý công khai, tạo sự răn đe những người khác.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Bộ đã và đang triển khai các biện pháp để nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng mạng xã hội.
Theo ông Do, cần tăng nặng mức phạt hành chính để có tính răn đe hơn với những đối tượng cố tình “câu view”, “câu like”. Song song với đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan công an để xử lý các vi phạm, vì có những vụ việc chỉ có nghiệp vụ của cơ quan điều tra mới phát hiện, xử lý được, như trường hợp PC50 Hà Nội đã phát hiện trường hợp tung tin bịa đặt về vụ máy bay rơi tại Nội Bài.
Nhưng với giải pháp về lâu dài, ông Do lưu ý cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ và phải có trách nhiệm với việc sử dụng mạng xã hội, có trách nhiệm khi phát ngôn trên mạng xã hội hay khi chia sẻ lại thông tin, tránh tình trạng bản thân cũng góp phần phát tán những thông tin không chính xác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận