Xã hội

Để ngày Tết không trở thành nỗi ám ảnh

14/01/2023, 06:35

Việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là rất cần thiết và đó trách nhiệm không của riêng ai.

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lâu đời nhất, mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những phong tục tốt đẹp dần mai một, biến tướng; thậm chí nhiều người còn “sợ” Tết. Vì sao lại có câu chuyện này và làm thế nào để những mỹ tục tốt đẹp được gìn giữ, để ngày Tết thực sự là dịp đoàn viên, sum vầy?

Báo Giao thông trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ xung quanh câu chuyện này.

img

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ

Tết là một di sản văn hóa

Ðón Tết, vui Tết đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị nhân bản, văn hóa tinh thần sâu sắc. Song ngày nay, nhắc đến Tết, nhiều người có phần tiếc nuối khi so sánh Tết xưa với Tết nay. Từ góc độ nghiên cứu văn hoá, ông nghĩ sao về điều này?

Tết là một di sản văn hóa rất quan trọng trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Tôi biết ở Hàn Quốc, người ta đã đệ trình hồ sơ về Tết Đoan ngọ và được UNESCO ghi nhận đó là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện nay, họ đang làm hồ sơ đề nghị công nhận tiếp Tết Trung thu. Một số tranh luận đang diễn ra. Rõ ràng là lễ Tết đã được họ ý thức là những di sản văn hóa.

Khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam, nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ

Với tư cách là một di sản văn hóa, phong tục Tết có hệ giá trị văn hóa Tết trong tổng thể hệ giá trị văn hóa quốc gia - dân tộc.

Hệ giá trị đó ít nhất có những nội dung thiết yếu như: Tính bình đẳng phổ quát cho mọi người, tâm thức hướng về nguồn cội, ứng xử từ thiện, tâm thức hướng nội, khát vọng phát triển, cố kết cộng đồng, ứng xử đạo nghĩa…

Hệ giá trị văn hóa Tết là trường tồn, còn thực hành Tết lại rất khả biến, tùy thời gian, không gian và hoàn cảnh cụ thể.

Bởi sự vận động là đặc trưng tất yếu của mọi văn hóa. Trong cùng thời điểm, ứng xử cá nhân lại càng phong phú và phức tạp hơn gấp bội.

Thế hệ chúng tôi, trong thời chiến và hậu chiến thường đạp xe, nhảy tàu về ăn Tết. Trong nhiều nguyên do, chắc chắn với nhiều người là “được ăn mấy bữa no”, vì thời đó rất khó khăn. Thế hệ bây giờ, lại rất nhiều người vất vả tích góp để về nhà có quà cho anh em, bố mẹ, bạn bè. Thời nào cũng có người thế này hay thế khác cả…

Không có một mẫu hình “nguyên bản” về Tết để so sánh, chỉ có hệ giá trị văn hóa Tết là tồn tại và cần thiết vừa bảo tồn, vừa phát triển. Trong đó sẽ có sự chọn lọc qua thời gian, những gì tích cực, có giá trị sẽ tồn tại và tạo ra truyền thống cho tương lai.

Đừng để Tết thành nỗi ám ảnh

Có một thực tế không thể phủ nhận là ngày nay, nhắc đến Tết, nhiều người rất “sợ”, bởi nhiều lý do khác nhau. Mỗi dịp Tết, lại có không ít người chết vì TNGT do bia rượu mà ra, rồi hàng nghìn vụ đánh chém nhau cũng chỉ vì rượu. Vì sao lại có câu chuyện này, Tết trước đây có như vậy không, thưa ông?

Việc uống rượu trong đời sống ngày nay đã dần trở thành một tệ nạn. Tết là thời điểm tích lũy và bùng nổ văn hóa, cho nên, tệ nạn này cũng bùng nổ theo.

Chuốc rượu, ép rượu, quá đà vì rượu, say rượu... thực ra là phản văn hóa. Mọi biện hộ đều là ngụy biện. Thân nhau, thương nhau, tôn trọng nhau... không bao giờ đồng hành với việc ép nhau uống rượu.

Mẹ tôi xưa vẫn dặn con cháu rằng “rượu là giặc”. Tôi đã trải qua 38 năm, vì tự tin, hiếu thắng và cả nể mà uống rượu. Trải đủ rồi mới biết nghe lời mẹ được 6 năm.

Bây giờ, đi qua những quán bia rượu chúc tụng ồn ào là tôi thấy lạ, đọc trang Facebook của ai thấy khoe những cuộc rượu là tôi thấy lo lắng, bất an.

Như chúng ta đã thấy, bao nhiêu hệ lụy xảy ra sau mỗi cơn say cho sức khỏe và nhân cách chính mình, cho vợ con, cho cả cộng đồng xã hội. Không vẻ vang gì khi chúng ta trở thành quốc gia tiêu thụ chất uống có cồn đứng thứ hạng cao trên thế giới.

Tết là dịp nghỉ ngơi an nhiên, tái tạo sức lao động. Vì vậy đừng vì rượu mà phá bỏ thời gian quý báu đó. Kêu gọi là không dễ, nhưng tôi nghĩ mỗi người hãy tự ý thức được tác hại của rượu bia, để việc vui xuân đón Tết thực sự có được niềm vui, chứ không phải là những trận đánh nhau hay những vụ tai nạn thương tâm lẽ ra không đáng có.

Tục chúc Tết, mừng tuổi đầu năm cũng là một mỹ tục xuất hiện từ lâu đời. Nhưng ngày nay, dường như việc này cũng đã bị biến tướng, trở thành áp lực đối với không ít người, thậm chí có người còn chẳng dám về quê dịp Tết. Theo ông, có cách nào để câu chuyện này không còn là nỗi ám ảnh khi Tết đến xuân về?

Nhiều người thành phố hay người nông thôn, kể cả người xưa hay người nay, họ đều háo hức đón Tết nhưng cũng ngại Tết vì điều kiện kinh tế eo hẹp.

Ngôn ngữ thời chiến tranh, thời bao cấp là “lo Tết, chạy Tết, xoay Tết”. Những ông bố, bà mẹ gia đình đông con thời đó thật sự vất vả. Khi nghèo, có thể về Tết để “kiếm bữa no”, khi có điều kiện thì về Tết để trả lại ân nghĩa ân tình và cũng là “thể hiện” tí chút.

Còn tiền lì xì ngày Tết cho mọi người thì tùy tâm. Áp lực là do chúng ta tự tạo cho mình. Tục lì xì vốn mang ý nghĩa tốt đẹp. Rất may cho tôi là đã 44 năm lì xì cho cháu chắt nhưng tôi chưa trực tiếp thấy đứa cháu nào coi đó là “mục tiêu” cả. Có thì chúng vòng tay xin và cảm ơn rồi gửi mẹ giữ, không có cũng không sao.

Trong chuyện này, cái cách để cho Tết vui là: Hãy hành động tự do theo ý mình, đừng tự tạo áp lực cho chính mình. Theo tôi biết, chưa có một chuyên luận nghiên cứu tâm lý - xã hội học rộng lớn nào với đề tài “Ứng xử của trẻ em khi được lì xì ngày Tết”. Mà khi chưa có sự miêu tả, phân tích, định lượng khoa học thì mọi ý kiến đều là cảm nhận thiên kiến thôi, đầy tính duy tâm.

Tết này, nhà tôi vẫn mua bao lì xì, bỏ vào đó 2 tờ 10.000 đồng để tặng các cháu cùng lời chúc chân tình, mong các cháu mạnh khỏe, học giỏi, vâng lời bố mẹ và thầy cô!

Gìn giữ những mỹ tục ngày Tết

img

Tục lì xì mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam

Tặng quà Tết cũng là một nét đẹp văn hoá, nhưng lâu nay đã bị lợi dụng để cấp dưới biếu xén cấp trên, tranh thủ để đạt được mục đích nào đó của người tặng quà. Thời trước, việc tặng quà Tết thường thế nào, thưa ông?

Việc tặng quà Tết tùy từng hoàn cảnh và điều kiện. Những món quà tự mình làm ra thì rất được trân trọng: dăm quả cam vườn, chục trứng hoặc con gà giò, be rượu nhà cất, câu đối đỏ nắn nót viết, bức tranh con giống tự vẽ. Quà quý thì một gói trà “tàu”, chai rượu mùi, chiếc khăn phu la, chiếc mũ bê rê, đôi dép mới...

Còn việc lợi dụng tặng quà Tết để thực hiện những điều không trong sáng thì hoàn toàn ngược lại. Việc tặng nhau cành đào, cặp bánh chưng hay con gà hoàn toàn khác với việc tặng nhau những món quà đắt tiền, xa xỉ. Người tặng và người nhận chắc chắn ý thức được việc đó.

Dù có thể bị bủa vây bởi muôn vàn áp lực, nỗi lo, nhưng theo ông, làm sao để những nỗi lo ấy không trở thành gánh nặng làm ảnh hưởng đến những ý nghĩa thiêng liêng, an lành và ấm áp mà ngày Tết mang lại?

Vẫn biết rằng, xã hội phát triển thì những phong tục, tập quán truyền thống cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Hơn nữa, mỗi cá nhân, gia đình cũng đều có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.

Tuy nhiên, sự thay đổi, biến tướng làm băng hoại đến đạo đức, văn hóa ứng xử của con người, xa lạ với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, nhận thức và hành vi của các thế hệ sau này là điều không thể chấp nhận. Chúng ta cần đấu tranh, phê phán và loại bỏ.

Việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là rất cần thiết và đó trách nhiệm không của riêng ai. Điều đó, đòi hỏi mỗi người dân phải cùng nhau bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống văn hóa của Tết Việt bằng cách trân trọng, thực hành và trao truyền lại cho các thế hệ.

Việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.