Xã hội

Đề nghị Bộ Công an giải trình về một số cán bộ tiêu cực, bảo kê vi phạm

06/03/2019, 09:30

Uỷ ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình về một số cán bộ hạn chế năng lực, tiêu cực khi thực thi công vụ, thậm chí bảo kê cho vi phạm.

img
Toàn cảnh phiên giải trình về tình hình ATGT do Uỷ ban Tư pháp tổ chức

Sáng nay (6/3), Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn còn bất cập, số người chết vẫn rất cao và đáng báo động.

“Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người mãi mãi không bao giờ về nhà nữa” - bà Nga nói.

Bà cũng chia sẻ khi đặt ra yêu cầu tổ chức phiên giải trình này có một số ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhưng quan điểm của Uỷ ban là với trách nhiệm của cơ quan dân cử muốn chung tay cùng Chính phủ, để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng tai nạn giao thông.

"Chúng tôi luôn trăn trở với câu hỏi, với quy định pháp luật như hiện nay, nếu không cần đầu tư ngân sách lớn thì chúng ta có tìm ra giải pháp gì chặn đứng tình hình vi phạm an toàn giao thông hay không?" - bà Nga đặt vấn đề.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ đã nêu một số vấn đề nổi lên để các cơ quan giải trình.

Theo bà Thuỷ, nghiên cứu cho thấy tình hình trật tự ATGT trong các dịp tổ chức sự kiện quốc tế được bảo đảm tốt, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tình hình tai nạn giao thông trong các năm 2017, 2018 đều giảm so với năm trước trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương)…

Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến rất phức tạp; số người chết và số người bị thương tuy có giảm những vẫn rất nghiêm trọng (TNGT đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm: 8.190 người chết; 14.792 người bị thương).

Về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an giải trình về việc nợ đọng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường sắt và những quy định tuy đã được ban hành nhưng không phù hợp, gây khó khăn trong thực tiễn.

Đề nghị Bộ Y tế giải trình về những hạn chế, vướng mắc trong các văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô, quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Bộ GD&ĐT giải trình về việc giáo dục và tuyên truyền pháp luật về ATGT cho học sinh, sinh viên còn hình thức, chưa chú trọng đến các nội dung thiết thực nên chưa có tác động lớn, làm chuyển biến nhận thức của học sinh, sinh viên.

Điển hình, theo bà Thuỷ, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, nhất là tình trạng sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người cho phép, đi sai làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông...

"Cá biệt, có trường hợp ngay tại buổi tuyên truyền về trật tự ATGT, có cô giáo chở 3 người trên một xe máy, không đội mũ bảo hiểm đến trường tham dự chương trình tuyên truyền về trật tự ATGT" - đại diện nhóm nghiên cứu dẫn chứng.

Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình khi việc răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý; hoặc có tình trạng bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải nhưng thực tế các xe này vẫn vận chuyển trót lọt.

Bên cạnh đó, dư luận đã phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma túy, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng.

Đặc biệt, Bộ Công an được đề nghị giải trình về một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm. Từ ngày 16/11/2016 đến ngày 15/2/2019 đã xử lý 344 cán bộ chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác” – nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp trích báo cáo của Bộ Công an.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ GTVT được đề nghị giải trình về việc một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên; chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.

Công tác phối hợp liên ngành trong một số hoạt động chưa chặt chẽ, dẫn đến xử lý các vi phạm về TTATGT chưa đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.

Ví dụ, vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ, 7 cán bộ thanh tra thỏa thuận với một số doanh nghiệp, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông; hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các doanh nghiệp và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ thanh tra giao thông, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.

Về công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Bộ GTVT giải trình việc nhiều công trình giao thông có tình trạng xây dựng thì lâu, xuống cấp thì nhanh, thậm chí vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện hiện tượng sụt lún, ổ gà... tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, phải sửa chữa, khắc phục.

Bên cạnh đó là tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến: hoạt động xây dựng, kinh doanh, buôn bán xâm lấn hành lang ATGT, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè… diễn ra phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ; tái diễn tình trạng sử dụng lòng, lề đường để tổ chức đám cưới, đám tang, uy hiếp ATGT.

Theo nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp, công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông còn sơ hở, dẫn tới số lượng vi phạm lớn. Năm 2017 có 5.487 vụ vi phạm; Năm 2018 có 4.179 vụ vi phạm, trong đó chủ yếu là vi phạm về xây dựng công trình đường bộ trái phép trong hành lang an toàn đường bộ (thường chiếm tới 40-50% tổng số vi phạm).

Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cũng đề cập đến việc một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận; thậm chí một số nơi, người tham gia giao thông đã tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, Quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng được ban hành từ năm 2017 đến nay chưa được thực hiện. Bộ GTVT cũng được yêu cầu giải trình về vấn đề này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.