Theo nhận định của các giáo viên, bài thi tổ hợp bao gồm kiến thức môn Ngoại ngữ, Hóa học và Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan với 50 câu hỏi, thời gian làm bài 90 phút. Trước đó, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng công bố đề thi minh họa vào đầu tháng 5/2019 để các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên, học sinh có sự điều chỉnh trong quá trình dạy học, rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng làm bài tổ hợp.
Bài thi chính thức bám sát cấu trúc của đề thi minh họa với 50 câu hỏi, trong đó có 20 câu môn Ngoại ngữ, 15 câu Lịch sử và 15 câu Hóa học với 60% câu hỏi ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu; 40% câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao. Kiến thức hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 9 và có tỉ lệ phân bổ các câu hỏi theo các chuyên đề nội dung và cấp độ nhận thức bám sát hướng dẫn về cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 mà Sở đã công bố ngày 25/4/2019.
Bài thi tổ hợp có 6 câu hỏi vận dụng cao được chia đều cho 3 môn.
Cụ thể, môn Hóa học: câu 36, câu 39. Đây là hai câu tính toán, đòi hỏi học sinh cần nắm chắc kiến thức liên quan đến phản ứng este hóa, công tính tính hiệu suất phản ứng, bài toán xét chất dư, chất hết, công thức tính nồng độ phần trăm. Cần chú ý, câu liên hệ thực tiễn rất mới, khá hay vì cần học sinh nhớ lại kiến thức về Dầu mỏ và khí thiên nhiên. Đây là phần mà hầu hết học sinh sẽ gặp khó khăn khi làm bài nếu không học kỹ lý thuyết.
Môn Tiếng Anh: Đề thi không có sự kiểm tra cân đối về từ vựng và ngữ pháp ( thiên về ngữ pháp); có những dạng bài không kiểm tra kiến thức từ vựng nào như bài điền từ. Tuy nhiên, đây là một bài thi tổ hợp, tính riêng phần câu hỏi Tiếng anh là 20 câu có một số câu hỏi có tính phân loại như cấu trúc bị động với “get”, đảo ngữ, câu hỏi đuôi trường hợp đặc biệt và cách phân biệt 4 từ “match, suit, fit, tight” kết hợp với 2 dạng bài thường gây khó khăn hơn các dạng bài khác như điền từ, đọc hiểu cũng đủ để phân loại được thí sinh. Để làm tốt được bài thì học sinh cần phải trang bị các kiến thức chắc chắn về ngữ pháp cơ bản; mở rộng thêm các ngữ pháp nâng cao và chú trọng các trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, học sinh cần phải có kỹ năng phân tích tổng hợp để làm tốt bài reading, vận dụng phương pháp loại trừ, đoán nghĩa trong văn cảnh để bài thi trở nên dễ dàng hơn.
Môn Lịch sử: bám sát cấu trúc và sự phân bổ của đề thi minh họa, có câu hỏi vận dụng cao để phân loại học sinh. Để hoàn thành tốt bài thi, học sinh cần nắm vững kiến thức về các sự kiện lịch sử đồng thời cũng phải có sự liên hệ, tổng hợp kiến thức để xử lí các câu hỏi ở mức vận dụng cao dễ gây nhầm lẫn như câu 27, 28.
"Nhìn chung, đề thi tuân thủ cấu trúc đã công bố cả về sự phân bổ nội dung và độ khó. Đề vừa đánh giá được mức độ tiếp thu kiến thức căn bản lại vừa có tính phân hóa để phân loại học sinh, đáp ứng yêu cầu của kì thi", một giáo viên nhận xét.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận