Vận tải

Làm gì để vận tải không bị “ngăn sông cấm chợ” vì Covid-19?

07/06/2021, 06:00

Qua 4 đợt dịch Covid-19, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều địa phương do e ngại dịch lây lan nên đã có những cách làm cực đoan.

img

Lực lượng chức năng kiểm soát người, phương tiện ra vào tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 phía đầu cầu Vát, đoạn giáp ranh giữa huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) Ảnh: Tạ Hải

Qua 4 đợt dịch Covid-19, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều địa phương do e ngại dịch lây lan nên đã có những cách làm cực đoan, gây khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa. Vậy đâu là giải pháp căn cơ, lâu dài để hoạt động vận tải không bị đứt gãy, khi chưa ai biết diễn biến của dịch tiếp theo sẽ là gì? Yếu tố công nghệ có vai trò thế nào trong việc giúp hoạt động vận tải có thể “sống chung” với dịch?

Mỗi nơi một phách

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Bắc Giang, đến hết ngày 4/6, toàn tỉnh đã lấy được 906.506 mẫu xét nghiệm. Công tác xét nghiệm phục vụ truy vết, phòng dịch là hoàn toàn miễn phí.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn, họ phải tự lấy mẫu xét nghiệm theo các gói dịch vụ, trong đó phương pháp test nhanh có giá 270.000 đồng/lần. Giấy xét nghiệm này sẽ có giá trị trong 3 ngày.

Tại Bắc Ninh, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh cho biết, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đăng ký danh sách, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR. Kinh phí do các doanh nghiệp chi trả. Kết quả xét nghiệm cũng chỉ có giá trị trong 7 ngày.

Tuy nhiên, khi đã có giấy xét nghiệm, các tài xế vẫn gặp không ít phiền toái.

“Mỗi địa phương yêu cầu một kiểu, hôm trước tôi thực hiện xét nghiệm nhanh, đi qua chốt kiểm soát Covid-19 thì được chấp thuận. Tới hôm sau tôi vẫn qua chốt đó, họ lại chỉ chấp nhận giấy xét nghiệm bằng phương pháp PCR khiến xe của tôi phải quay đầu”, anh Nguyễn Văn Nguyên, lái xe container của một doanh nghiệp ở Hải Dương bức xúc phản ánh.

Theo phản ánh của nhiều lái xe, chủ doanh nghiệp, yêu cầu cứng với lái xe chở hàng qua nhiều địa phương là phải có giấy xét nghiệm chứng minh âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, tới nay chưa có sự thống nhất giữa các địa phương về vấn đề này.

Ông Lê Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Trung Thành chia sẻ, nhiều địa phương yêu cầu lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì mới được phép đi qua chốt kiểm dịch. Tuy nhiên, hiệu lực của giấy xét nghiệm thì mỗi nơi quy định một kiểu. Ví dụ Quảng Ninh có giá trị 7 ngày, Thái Nguyên, Bắc Ninh 5 ngày, Vĩnh Phúc, Thái Bình 3 ngày...

“Thậm chí trong cùng một địa phương lại có quy định khác nhau. Ví dụ như tại Quảng Ninh, tỉnh quy định giấy xét nghiệm có thời hạn 7 ngày song thị xã Đông Triều lại quy định 3 - 5 ngày.

Sự bất nhất này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, lái xe”, ông Phương nói và cho biết, hiện tại có 2 loại giấy xét nghiệm gồm: Xét nghiệm nhanh (giá 235.000/mẫu trong vòng 2 tiếng có kết quả). Loại thứ 2 là xét nghiệp bằng phương pháp PCR (giá 734.000/mẫu, có kết quả trong vòng 24 tiếng).

Ông Đặng Thế Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, theo quy định thì chỉ cần có mẫu xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì có thể đi qua các chốt kiểm dịch.

Tuy vậy, đa số các chốt chỉ chấp nhận giấy xét nghiệm PCR. Nhiều lái xe khi tới chốt tranh cãi với cán bộ trực thì được cho đi. Một số lái xe đưa giấy xét nhiệm nhanh, cán bộ trạm kiên quyết không cho đi, bắt quay đầu. Tới ca trực khác cũng của chốt đó, đưa giấy xét nghiệm nhanh lại... được cho đi (?!)

“Như vậy có sự chưa thống nhất giữa các địa phương về thời gian xét nghiệm cũng như việc có chấp nhận giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh hay không. Thiết nghĩ, Ban chỉ đạo Quốc gia nên có quy định cụ thể: Những giấy xét nghiệm nào thì được đi qua trạm, thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm”, ông Phương đề xuất.

Kiểm soát dịch như... thu phí không dừng

img

Một chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Ảnh: Tạ Hải

Hiện nay đã có nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm Covid-19); NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); khai báo y tế cho người nhập cảnh; hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các ứng dụng trên tuy đã phát huy hiệu quả nhất định nhưng còn rời rạc, thiếu tính kết nối đồng bộ để có thể phát huy hết hiệu quả, nhất là phục vụ phòng chống dịch đối với mạch máu của kinh tế là ngành vận tải.

Ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty Công nghệ Tiên Phong dẫn chứng, như ứng dụng Bluezone giúp phát hiện xung quanh người cài đặt có ai đó là F0, F1 nhưng nó lại không được kết nối với ứng dụng khai báo y tế điện tử NCOVI.

“Để giữ bí mật thông tin cá nhân, hai ứng dụng đang triển khai theo cách ngang hàng. Có nghĩa là chỉ khi Bluezone phát hiện xung quanh có ca nhiễm bệnh mới tiến hành truy vết.

Cách này chỉ có tác dụng khi có số lượng lớn người cài đặt. Điều này khó, vì Bluezone mới khuyến khích chứ không bắt buộc cài đặt. Thêm nữa, hiện ứng dụng này cũng chưa biết chính xác người được quét là ai”, ông Quân nói.

Để khắc phục, ông Quân cho rằng, nên kết nối hai ứng dụng khai báo y tế điện tử và Bluezone thành một ứng dụng có tên gọi Bluecheckpoint chẳng hạn.

Người dân muốn qua chốt kiểm dịch chỉ cần có điện thoại thông minh để ứng dụng Bluechechtotal dùng mã vạch hai chiều quét mã QR code, được kết nối bằng Bluetooth để kiểm tra xác thực xem việc khai báo có đúng không. Đồng thời cũng quét ngầm ứng dụng Bluezone xem người đó có phải là F0, F1 hay có tiếp xúc với F0, F1.

“Ứng dụng này sẽ thay cho cách làm hiện nay là khi đến chốt kiểm dịch, người dân phải dừng lại và khai báo y tế qua mã QR code hoặc bằng giấy. Người dân có thể khai báo y tế trước ở nhà, khi đến chốt kiểm dịch trình mã QR code để hệ thống quét.

Nếu kết nối được hai ứng dụng, sẽ bắt buộc được người dân phải cài đặt Bluezone”, ông Quân đề xuất và cho rằng, cách làm này vừa thay thế tốt cho cách làm hiện nay tại các trạm kiểm soát dịch, vừa khắc phục được tình trạng không trung thực, hình thức trong khai báo của các ứng dụng hiện nay.

Theo ông Quân, hình thức này có thể triển khai thuận tiện ở nhiều nơi. Bởi việc khai y tế điện tử và Bluezone chỉ là khai thời điểm, còn giải pháp Bluecheckpoint sẽ kiểm tra liên tục. Bluecheckpoint có thể lắp đặt ở cửa khẩu, công ty, nhà máy, xí nghiệp, hay ranh giới giữa các địa phương, vùng dịch.

“Cách thức trên cũng tương tự như thu phí một dừng. Tuy nhiên, khi số lượng người dùng đã đủ lớn, có thể chuyển sang không dừng. Khi đó hệ thống sẽ tự động kiểm tra với điều kiện người dùng phải khai báo y tế điện tử và khai báo Bluezone đầy đủ, tránh được việc mỗi khi qua một trạm kiểm soát phải dừng lại khai báo”, ông Quân nói.

Còn theo một chuyên gia giao thông khác, có thể xây dựng một ứng dụng kết nối hai ứng dụng Bluezone và khai báo y tế điện tử đang có.

Dữ liệu lái xe đã xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR hay chưa, xét nghiệm khi nào cũng được cập nhật vào đây. Khi cần kiểm soát người, xe ra vào ở đâu thì đặt cổng ở đó. Người đi qua có đầy đủ thông tin như đã khai báo y tế hay có kết quả âm tính là có thể tự động lưu thông mà không phải dừng lại khai báo như hiện nay.

Ngoài ra, với ứng dụng này, lái xe, phụ xe, hành khách đều có thể khai chung trên phần mềm vào cùng một chuyến xe. Khi xe đi qua cổng kiểm soát, dữ liệu chuyến xe đó được kết nối Bluetooth, có thể báo ngay trên xe có bao nhiêu khách và thông tin về tình trạng y tế của hành khách.

“Hình thức này cũng tương tự như thu phí không dừng, không mất thời gian chờ đợi, tránh ùn tắc, giảm nguy cơ lây nhiễm do phải tập trung khai báo”, chuyên gia phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, cách thứ 2 là có thể kiểm soát qua biển số xe. Phần khai báo y tế sẽ có thêm dữ liệu biển số xe, được khai báo trước khi bắt đầu chuyến đi.

Dữ liệu này sẽ được chuyển đến các trạm kiểm soát và xe tự động qua khi đã khai báo y tế. Hệ thống cũng tự động báo cho cơ quan chức năng các xe chưa khai báo y tế. Khi áp dụng được hình thức này, sẽ bỏ qua được nhiều khâu kiểm soát.

Cơ quan quản lý nói gì?

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, kể từ khi có dịch bệnh bùng phát, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn, đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống dịch và hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn.

Về ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải, bà Hiền cho hay, Tổng cục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp vận tải sử dụng hình thức khai báo y tế điện tử và đăng ký tài khoản, cập nhật thông tin lên bản đồ chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Các đợt dịch liên tiếp bùng phát khiến hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách liên tục bị gián đoạn. Nếu không tìm ra giải pháp phù hợp để duy trì hoạt động vận chuyển hàng hóa mà chỉ tập trung vào việc “ngăn sông cấm chợ”, cách ly một cách tiêu cực thì chỉ đạt được mục tiêu chống dịch, không đạt được mục tiêu phát triển kinh tế. Thời gian tới, cơ quan chức năng đẩy mạnh hoạt động kiểm dịch đối với lái xe bằng ứng dụng công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam


Hiện nay, 100% phương tiện kinh doanh vận tải đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN, xe đến vị trí nào đều được lưu vết.

Tính năng này sẽ giúp cơ quan quản lý truy vết trong những lúc cần thiết. Phương tiện đi lộ trình nào, dừng đỗ bao nhiêu phút đều có thể kiểm soát được.

“Để hoạt động vận tải không bị ảnh hưởng, hoạt động liên tục rất cần có các giải pháp công nghệ khác hỗ trợ. Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Bộ GTVT”, bà Hiền cho biết.

Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cho rằng, việc số hóa quy trình khai báo các thông tin liên quan đến hành trình vận tải hoàn toàn có thể thực hiện được theo hướng xây dựng một ứng dụng dùng chung.

Theo đó, ứng dụng này sẽ cho phép lái xe chuẩn bị xuất hành nhập tất cả các thông tin cần thiết về tuyến hành trình (thời gian, điểm đi, điểm đến, loại hàng hóa, số lượng người theo xe…) và các giấy tờ liên quan (kết quả xét nghiệm…).

Sau khi lái xe/doanh nghiệp hoàn thành khai báo, tất cả thông tin sẽ được mã hóa bằng mã QR code. Khi đến địa phương nào, qua chốt kiểm dịch chỉ cần chỉ cần sử dụng thiết bị thông minh di động quét mã QR code để ghi nhận thông tin.

Ứng dụng này cũng sẽ giúp việc khai báo thông tin linh hoạt hơn (trong trường hợp thay đổi lộ trình), giúp doanh nghiệp tối ưu được thời gian khai báo khi đến vùng dịch.

“Ý tưởng là vậy, song kế hoạch, phương án triển khai số hóa hỗ trợ doanh nghiệp vận tải như thế nào sẽ dựa vào những phân tích tồn tại thực tế của các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN. Trên cơ sở đó, Vụ Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp nghiên cứu, xây dựng các giải pháp công nghệ kèm theo”, ông Hà cho hay.

Lập các vùng đệm trung chuyển

“Chỉ tính riêng trong đợt này, chúng tôi đã mua hơn 2 tấn nước khử khuẩn để trang bị cho các chi nhánh ở các vùng miền. Cứ sau mỗi chuyến đi, nhân viên bắt buộc sẽ phải khử khuẩn toàn bộ các phương tiện và khu vực làm việc.

Để giải quyết vấn đề cách ly người trở về sau khi họ đã tới vùng dịch, chúng tôi thiết lập các vùng đệm, vùng trung chuyển. Chẳng hạn những tài xế từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi muốn chở hàng hóa vào TP HCM thì không sao, nhưng nếu từ TP HCM về họ sẽ bị cách ly 21 ngày.

Để an toàn hơn, chúng tôi thiết lập vùng đệm ở bến xe Đồng Nai. Hàng hóa từ TP HCM sẽ tập kết về Đồng Nai, sau đó tài xế trung chuyển đưa về Quảng Nam, từ Đồng Nai lại có xe nối chuyến chở về TP HCM”.

Tổng giám đốc FUTA EXPRESS Phan Ngọc Anh

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.