Quản lý

Đề xuất bán thanh lý phế liệu vô chủ tồn ở cảng

22/12/2019, 17:57

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam đề xuất cho phép bán thanh lý các lô hàng phế liệu vô chủ đang tồn tại cảng biển...

img
Khách mời trao đổi tại tọa đàm “Cách nào ngăn nhập khẩu rác phế liệu vào Việt Nam”. Ảnh: Tạ Tốn

Bị động vì chủ hàng “bỏ của chạy lấy người”

Liên quan việc hiện nay có những mặt hàng như: Điều hòa, thiết bị gia dụng… tuổi thọ trên chục năm từ Nhật Bản về Việt Nam và cũng tồn đọng tại cảng biển, những mặt hàng này có phù hợp với quy chuẩn Việt Nam và có được phép nhập về Việt Nam hay không, ông Trịnh Thế Cường cho biết, việc xử lý hàng đã qua sử dụng này nằm ngoài nhóm phế liệu. Cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy trình riêng. Theo ông Cường, hàng đã qua sử dụng rất đa dạng, khó xác định về mặt môi trường, thuế… nên cần phải có kiểm định chi tiết hơn và giải pháp cụ thể hơn.

Tại tọa đàm “Cách nào ngăn nhập khẩu rác phế liệu vào Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm Truyền thông Bộ TN&MT tổ chức chiều 19/12, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN cho biết, hiện nay có khoảng 10.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển Việt Nam, tập trung lớn nhất tại khu vực cảng Hải Phòng với khoảng 1.223 container nhựa phế liệu, 93 container giấy phế liệu, 2.360 container hàng đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, tại TP HCM cũng còn 2.300 container tồn đọng.

Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam chia sẻ, ngành nhựa rất cần nhựa phế liệu. Trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu trên 5 triệu tấn, trị giá nhập khẩu 7 tỷ USD. “Nếu doanh nghiệp cứ nhập nhựa nguyên sinh thì hàng sẽ không cạnh tranh được với các nước trong khu vực”, ông Vượng nói.

Cũng theo ông Vượng, doanh nghiệp nhập khẩu được Sở TN&MT cấp phép nhập khẩu, nhập khẩu ủy thác hoặc tạm nhập tái xuất. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhựa phế liệu ồ ạt, không kiểm soát chất lượng nên khi bị siết (giấy phép chỉ có 2 năm - PV) dẫn tới tình trạng phế liệu tồn ở cảng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải bỏ hàng bởi tiền lưu kho ở cảng còn lớn hơn tiền hàng. Khi Chính phủ siết bằng Nghị định số 40/2019 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường), không cho nhập khẩu dưới hình thức ủy thác hay tạm nhập tái xuất thì những lô hàng đã nhập về và đang để ở cảng thì đương nhiên doanh nghiệp không dám nhận. Điều này đã dẫn tới hàng tồn hàng loạt ở cảng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Lam (Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường), nhựa phế liệu chỉ là một phần, còn nhu cầu các nguyên liệu khác như: Sắt, thép, giấy… cũng tăng cao nhưng trong nước không đáp ứng đủ. Do đó, Chính phủ, Bộ TN&MT mới căn cứ vào nhu cầu và cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, một số tổ chức nhập khẩu phế liệu giả mạo giấy tờ, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn dẫn đến bỏ hàng… “Vì vậy, chúng ta luôn bị động đối phó với những chủ hàng đã vi phạm yêu cầu về môi trường trong nhập khẩu phế liệu”, ông Lam thông tin.

Sẽ bớt mã trong danh mục được phép nhập khẩu

Với tình hình trên, ông Nguyễn Thành Lam đánh giá, trước khi có Chỉ thị 27 và Nghị định 40, vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa từ xa. Nhưng sau khi các văn bản trên được ban hành, hàng loạt điều kiện hết sức chặt chẽ buộc doanh nghiệp phải tuân thủ như: Phải có giấy phép, giấy xác nhận, đủ điều kiện về ký quỹ, có thông báo thông tin về từng lô phế liệu cụ thể… thì mới được đưa vào lãnh hải, thả hàng xuống cảng Việt Nam.

Đối với việc cấp phép nhập khẩu phế liệu, Bộ TN&MT cũng làm rất chặt chẽ, mời các nhà khoa học đánh giá, đơn vị nào đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu mới được cấp giấy phép nhập khẩu. Toàn bộ hệ thống các giấy xác nhận này đều được đưa lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia và của Bộ TN&MT. Các hãng tàu muốn ký hợp đồng với công ty nào, muốn chở hàng vào cảng Việt Nam thì đều phải được xem xét đã có giấy xác nhận chưa, có đúng mã, đúng chủng hàng hay không.

“Bên cạnh đó, quy chuẩn về phế liệu cũng nêu rất rõ về quản lý. Hiện tại chúng ta đang có 36 mã phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam. Sắp tới, Bộ TN&MT cũng sẽ có đề xuất sửa đổi danh mục phế liệu nhập khẩu theo hướng bỏ bớt một số mã mà trong nước đang dư thừa, mã có nguy cơ rủi ro đến môi trường, thậm chí là giảm một số mặt hàng phế liệu để tăng cường thu gom, tái chế, phế liệu trong nước”, ông Lam thông tin. Ông Lam cũng tiết lộ sẽ ưu đãi đối với các đơn vị tái chế trong nước, từ đó đưa hoạt động quản lý nhập khẩu, sử dụng phế liệu đi vào nề nếp.

Kiến nghị cho doanh nghiệp mua lại phế liệu tồn ở cảng

Tổ công tác liên ngành (gồm đại diện Tổng cục Hải quan, Tổng cục Môi trường, Cục Hàng hải VN) đã lập một kế hoạch chi tiết báo cáo Bộ Tài Chính phương án xử lý đối với từng khu vực cảng biển, phân loại cụ thể để giải quyết từng lô hàng tồn đọng. Tổ công tác đã giao cho 5 Cục hải quan tại 5 khu vực: Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các cảng vụ hàng hải, Sở TN&MT để thành lập hội đồng xử lý từng lô hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Ngoài những biện pháp mà cơ quan quản lý nhà nước đang áp dụng để xử lý các lô phế liệu tồn ở cảng, ông Trịnh Thế Cường đề xuất, ngoài việc phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phải chủ động xử lý lô hàng của mình.

Ông Cường cũng cho biết, thời gian qua Cục Hàng hải đã phối hợp với Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội Giấy tổng hợp tất cả kiến nghị của doanh nghiệp để làm việc với từng hãng tàu, chủ cảng để giảm chi phí lưu kho, lưu bãi; tạo điều kiện cho chủ hàng lấy hàng về. “Sau quá trình làm việc, đã có nhiều cảng, hãng tàu đồng ý giảm từ 70 - 80% phí lưu kho, lưu bãi, container. Thậm chí, có cảng còn miễn 100% phí lưu kho. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đến khai báo và làm việc với cảng và cơ quan chức năng để có phương án rút hàng về, giúp quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển nói chung được nhanh chóng, hiệu quả hơn”, ông Cường đề nghị.

Một điểm đáng lưu ý, theo đề xuất của ông Vượng là nên cho phép thanh lý hàng tồn tại cảng. “Tôi đề xuất cho phép bán lại nhựa phế liệu vô chủ nhưng đủ quy chuẩn Việt Nam cho những doanh nghiệp đã được cấp phép. Còn nhựa không đủ quy chuẩn thì cho các doanh nghiệp xử lý chất thải hoặc có doanh nghiệp nào đủ điều kiện bóc tách, thu hồi nhựa có giá trị cao; phần tạp chất không đáp ứng được thì thuê nhà máy xử lý rác thải để xử lý. Với cách này, Chính phủ không phải trả tiền cho hãng tàu và phí lưu công, lưu bãi”, ông Vượng đề xuất.

Ông Vượng chia sẻ, hơn một năm qua do không nhập được phế liệu, nhiều doanh nghiệp khó khăn, đóng cửa. Hơn nữa, với quy định hiện nay không cho hãng tàu chở hàng không đủ điều kiện được tiếp cận cảng thì các hãng tàu sẽ buộc doanh nghiệp phải đặt cọc. Thậm chí, một số nước không muốn bán phế liệu cho Việt Nam vì quy định quá chặt. “Vừa rồi tôi sang Nhật Bản, nước này đã khuyến khích tái chế ngay trong nước. Chính phủ Nhật Bản còn bỏ chi phí để thu gom phế liệu. Doanh nghiệp nào tái chế hạt nhựa thì còn được hỗ trợ thêm chi phí. Tại Việt Nam, trong khi nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp còn khó khăn, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có biện pháp tháo gỡ vấn đề này”, ông Vượng kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.