Xã hội

Đề xuất bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh

24/10/2022, 13:15

Theo ĐBQH, ngoài quy định Chính phủ thống nhất quản lý các cơ sở khám chữa bệnh cần bổ sung trách nhiệm về phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế cần chịu trách nhiệm quy hoạch phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh

Sáng 24/10, tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

img

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP. HCM)

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP. HCM) cho rằng, ngoài quy định Chính phủ thống nhất quản lý các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần bổ sung trách nhiệm về phát triển các cơ sở khám chữa bệnh.

Lý giải đề xuất của mình, đại biểu Nhân cho biết, bổ sung vào phạm vi điều chỉnh về “hoạt động cơ sở khám chữa bệnh” và “quản lý nhà nước về các cơ sở khám chữa bệnh” là cơ sở để quy định về nghĩa vụ, quyền của các cơ sở khám chữa bệnh, điều kiện để cơ sở khám chữa bệnh hoàn thành được quyền và nghĩa vụ.

“Đề nghị quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về khám chữa bệnh, đồng thời, bổ sung chức năng quản lý của Bộ Y tế là quy hoạch phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là cơ sở để Chính phủ có đầu tư một cách phù hợp cho hệ thống y tế công lập, đảm bảo phục vụ người dân tốt hơn và cơ sở khám, chữa bệnh phát triển bền vững”, đại biểu Nhân nhấn mạnh.

Cùng với đó cũng đề nghị quy định Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - thương binh và xã hội để phát triển nguồn nhân lực y tế đồng bộ và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng hiện đại đất nước.

Về chính sách của Nhà nước quy định tại Điều 4 dự thảo Luật, đại biểu Nhân đề nghị làm rõ chính sách đãi ngộ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nếu không rõ ràng, khi vận dụng sẽ gặp khó khăn.

img

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang)

Cần có cơ chế kiểm soát giá dịch vụ khám chữa bệnh

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, vềề giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định tại Điều 108 của dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh để đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, khả thi theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương, trên cơ sở nghiên cứu thể hiện rõ hơn đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh như về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo…

“Thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa. Giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân cần được thực hiện theo quy quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất”, đại biểu Hương đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý nhà nước và quy định chuyên môn trong sử dụng đối với loại sản phẩm này cho phù hợp; Đề nghị bổ sung khái niệm sản phẩm dinh dưỡng trong giải thích từ ngữ, bổ sung quy định về danh mục cơ chế cung cấp quản lý và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị.

Theo đại biểu Hương, cũng cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết giải thích cụ thể một số nội dung hoạt động dinh dưỡng lâm sàng chỉ áp dụng đối với mô hình tổ chức bệnh viện, bệnh xá mà không áp dụng đối với các mô hình khác.

Cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng lấy ý kiến các bên có liên quan để tạo sự thống nhất cao về tính phù hợp của việc quy định sản phẩm này trong dự thảo Luật và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định pháp luật về y tế.

img

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang)

Đề xuất bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết, hiện dự thảo Luật chưa có quy định về quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh.

Trong khi đó, hầu hết người bệnh khi đến bệnh viện khám bệnh, chữa bệnh đều có thân nhân ở cùng để chăm sóc, động viên, hỗ trợ người bệnh sinh hoạt, đây cũng là một biện pháp tâm lý hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, thực tế, thân nhân người bệnh sinh hoạt trong bệnh viện đã phát sinh các vấn đề liên quan đến việc phối hợp với nhân viên y tế trong chăm sóc, điều trị người bệnh, tình hình an ninh, trật tự trong bệnh…

Do vậy, đại biểu Hương đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào trong dự thảo Luật lần này.

Đối với quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 13 của dự thảo, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) cho biết, khoản 2, Điều 13 nêu: được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Tuy nhiên, trên thực tế khó thực hiện vì có trường hợp bệnh nhân trốn khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên việc thực hiện cam kết bằng văn bản không thể thực hiện được.

Do đó, đại biểu Diễm đề nghị xem xét điều chỉnh diễn đạt lại thành: “Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thuốc chữa bệnh nhưng phải tự chịu trách nhiệm về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.