Cải tạo chung cư cũ "giậm chân tại chỗ"
Theo Kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D, trong đó quận Ba Đình có 5 khu: Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng. Thế nhưng suốt thời gian qua, quá trình cải tạo này "giậm chân tại chỗ".
Chung cư C8 Giảng Võ nằm trong danh sách cải tạo đợt 1
Theo thông tin từ quận Ba Đình, nguyên nhân chậm thực hiện do hiện nay đang vướng mắc một số hộ dân không chấp hành di dời.
Tính đến hết tháng 9/2022, quận đã tổ chức di dời thêm 33/55 hộ dân, nâng tỷ lệ hộ dân di dời lên 87,3%. "Hiện nay còn 22 hộ dân đã nhận phương án hỗ trợ tạm cư nhưng chưa di dời", đại diện quận Ba Đình cho hay.
Tương tự tại quận Đống Đa, chung cư nguy hiểm cấp D tại 51 Huỳnh Thúc Kháng cần cải tạo, xây dựng mới đợt này. Hiện đã thực hiện di chuyển 3/4. Còn 1 hộ dân đang tổ chức triển khai ban hành quyết định cưỡng chế.
Bên cạnh đó, đại diện quận Đống Đa cũng cho biết, hiện thành phố vẫn chưa phân bổ vốn lập quy hoạch cải tạo nhà chung cư cũ nên việc lập quy hoạch không đạt tiến độ đề ra.
Tạo hành lang pháp lý cho người dân tự xây dựng
Trước việc cải tạo chung cư cũ "giậm chân tại chỗ", các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp bày tỏ, khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa) có một số căn diện tích 10m2. Trong trường hợp này, nếu bố trí tái định cư tại chỗ sẽ rất khó khăn vì căn hộ tái định cư sẽ bé hơn diện tích tối thiểu quy định (kể cả được đền bù theo hệ số K = 2), phần diện tích dôi ra, họ không có tiền mua thì xử lý bằng cách nào?
“Do đó nếu không có cơ chế đặc thù cho từng khu tập thể riêng biệt thì sẽ khó có chuyển biến trong cải tạo chung cư cũ”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, Chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm lại cho rằng, để giải phóng mặt bằng, cải tạo chung cư cũ nhanh, cần có hành lang pháp lý để cho cộng đồng cư dân tự xây dựng.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nghiêm cho biết, việc để cộng đồng cư dân tự xây dựng đã có kết quả rất tốt ở các nước châu Âu.
Hình thức này thúc đẩy được ý thức, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của chính người dân, người dân sẽ đồng tình ủng hộ. Vừa nhanh lại vừa đáp ứng mục tiêu về cải tạo chung cư cũ!
Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, việc để cộng đồng cư dân tự xây dựng đang thiếu hành lang pháp lý. Luật Nhà ở có quy định, cải tạo chung cư có cho phép một số mô hình như: Nhà nước chọn chủ đầu tư, đấu thầu dự án... chưa đề cập tới quy định để cộng đồng cư dân tự xây dựng. Do đó, ông Nghiêm kiến nghị nên bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở, làm cơ sở pháp lý thực hiện, đẩy nhanh hiệu quả triển khai xây dựng chung cư cũ.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội thống kê, hiện có 1.579 chung cư cũ (2 - 5 tầng), tập trung trong 76 khu với khoảng 1.300 nhà còn là nhà riêng lẻ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư.
Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân.
Đầu năm 2022, UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 335 về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1). Trong đó giao cho chính quyền cấp quận hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D (cụ thể là với quận Ba Đình). Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ là nhà nguy hiểm cấp D dự kiến tiến hành vào quý III/2023. Thế nhưng đến nay, việc cải tạo đợt 1 chưa có nhiều tiến triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận