Bộ Công an đang dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú gồm 13 chương, 93 điều (tăng 20 điều so với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam). Trong đó sửa đổi, bổ sung nội dung 53 điều, xây dựng mới 22 điều, bỏ 2 điều.
Đáng chú ý, tại Điều 106 và Điều 107 của dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng, nhưng phải xin phép và được sự đồng ý của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát.
Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá 1/3 thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị song phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn thì phải có xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.
"Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách", dự thảo nêu và quy định, trường hợp người chấp hành án treo đang bị giám sát điện tử vắng mặt tại nơi cư trú thì UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục họ báo cáo cơ quan thi hành án có liên quan.
Cũng theo dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, khi người được hưởng án treo muốn chọn việc làm ngoài nơi cư trú, họ phải xin phép và cũng cần được sự đồng ý của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc sau khi được nhà chức trách đồng ý cho làm việc ngoài nơi cư trú, người được hưởng án treo phải trình báo với công an cấp xã nơi mình đến làm việc; kết thúc hợp đồng lao động phải có xác nhận của chính quyền, công an nơi đó.
Về quy định ràng buộc, dự thảo nêu, người được hưởng án treo trong thời gian làm việc tại nơi cư trú phải chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ của mình. Nếu vi phạm pháp luật tại nơi làm việc, UBND cấp xã nơi đó phải thông báo cho chính quyền, đơn vị quân đội được giao quản lý người này để phối hợp giải quyết.
Đưa ra những đề xuất trên, Ban soạn thảo đánh giá các quy định này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án treo, thi hành án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác thi hành án hình sự và khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án hình sự 2019.
Theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận