47 năm hoàn vốn, quy hoạch sân bay nằm hoàn toàn trên vùng nước ven bờ
UBND tỉnh Khánh Hoà vừa có tờ trình gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN về đề án quy hoạch Cảng hàng không (CHK) Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề xuất, vị trí CHK Vân Phong được nghiên cứu tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách TP Nha Trang khoảng 65km về phía Nam, cách CHK quốc tế Cam Ranh khoảng 101km về phía Nam, cách CHK Tuy Hòa khoảng 49km về phía Bắc.
Đường cất hạ cánh trục Đông Bắc - Tây Nam dài 3.050m, cao trình sân bay dự kiến +5,00m.
Tổng diện tích đất quy hoạch khoảng hơn 497ha. Khu vực dự kiến quy hoạch sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử và không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão, thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình hiện hữu.
Thời gian thực hiện dự án CHK Vân Phong được đề xuất thực hiện từ năm 2023 đến năm 2029.
Giai đoạn đầu, CHK Vân Phong sẽ được đầu tư quy mô công suất là 1,5 triệu hành khách/năm, theo tiêu chuẩn thiết kế ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp I.
Ba phương án đầu tư CHK Vân Phong theo phương thức đối tác công - tư (PPP) cũng được UBND tỉnh Khánh Hoà đưa ra.
Phương án 1, nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ di dời. Nhà đầu tư PPP đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Phương án 2, nhà đầu tư PPP đầu tư một số công trình thiết yếu gồm: Xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, hạ tầng giao thông.
Nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) đầu tư các hạng mục còn lại, gồm: San nền sân bay; Xây dựng đường cất hạ cánh và hệ thống đường lăn; Xây dựng các công trình đảm bảo hoạt động bay.
Phương án 3, nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) thực hiện công tác hỗ trợ di dời; đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay.
Nhà đầu tư PPP đầu tư các hạng mục còn lại, gồm: San nền khu hàng không dân dụng; Xây dựng khu bay, khu hàng không dân dụng; Hệ thống giao thông kết nối.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, nhằm đảm bảo tính hợp lý, khả thi, phương án 3 được đề xuất nghiên cứu thực hiện.
Với quy mô đề xuất như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng cảng hàng không Vân Phong giai đoạn đầu khoảng 7.892 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), đáp ứng phục vụ 1.500.000 hành khách/năm, tương đương 600 hành khách/giờ cao điểm.
Trong đó, phần vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) được đề xuất hỗ trợ khoảng 2.150 tỷ đồng (chiếm 27,2%) thực hiện dự án: đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay.
Phần vốn đầu tư BOT khoảng 5.742 tỷ đồng (chiếm 72,8%) bao gồm phần vốn chủ sở hữu và phần vốn vay thương mại do nhà đầu tư huy động. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 47 năm.
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Trước đó, tại văn bản số 4845 ngày 8/5/2024 cho ý kiến về đề án quy hoạch Cảng hàng không Bân Phong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT khẳng định, việc UBND tỉnh Khánh Hoà nghiên cứu, lập đề án quy hoạch CHK Vân Phong để đánh giá tiềm năng, khả năng xây dựng, khai thác hàng không dân dụng, làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ là phù hợp với chủ trương và nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt.
Mặc dù vậy, nhằm đảm bảo hiệu quả, tính khả thi của quy hoạch và dự án được nghiên cứu triển khai, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà làm rõ hơn nữa dự báo về nhu cầu vận tải.
Cho biết số liệu thống kê phân tích dự báo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa được sử dụng trong đề án đang tính đến năm 2019, Bộ GTVT đề nghị rà soát, cập nhật số liệu đến thời điểm hết năm 2023, bảo đảm phản ánh đầy đủ nhu cầu và sự phát triển của thị trường vận tải.
"CHK Vân Phong dự kiến có chung vùng hấp dẫn đối với CHK quốc tế Cam Ranh và CHK Tuy Hòa. Tư vấn cần rà soát, làm rõ việc phân bổ lưu lượng vận tải hành khách, hàng hóa và tác động đối với hai CHK nêu trên.
Căn cứ xác định tỷ lệ 25% (năm 2030) và 30% (năm 2040) nhu cầu vận tải hàng khách qua CHK Vân Phong trên tổng nhu cầu vận tải hành khách hàng không của khu vực tỉnh Khánh Hòa cũng cần được làm rõ", Bộ GTVT đề nghị.
Đề cập thêm về dự báo nhu cầu vận tải, Bộ GTVT cho biết, theo nội dung đề án, năm 2019 sản lượng vận tải hành khách nội địa qua CHK quốc tế Cam Ranh là 3,2 triệu hành khách/3,4 triệu lượt khách du lịch nội địa đến Cam Ranh (chiếm 94%).
"Đề án căn cứ mối tương quan nêu trên và số liệu dự báo khách du lịch nội địa đến Khánh Hòa năm 2030 (khoảng 6,8 triệu lượt) để tính toán sản lượng vận tải hành khách nội địa qua đường hàng không khoảng 5,05 triệu hành khách là chưa bảo đảm đầy đủ cơ sở trong bối cảnh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc khu vực đã tương đối hoàn chỉnh.
Về vận tải hành khách quốc tế, đề án xác định vai trò của CHK Vân Phong là CHK nội địa có khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ; tuy nhiên tỷ trọng hành khách quốc tế thông qua CHK Vân Phong theo ước tính của tư vấn chiếm khoảng 40% là tương đối cao", Bộ GTVT chỉ rõ, đồng thời đề nghị tư vấn rà soát, làm rõ sự phân bổ lưu lượng giữa các loại hình vận tải (đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao), phân tích các đường bay dự kiến khai thác để dự báo loại máy bay khai thác phù hợp.
Về lựa chọn vị trí quy hoạch, nhằm bảo đảm tính khả thi, cơ sở khoa học để xác định vị trí có thể quy hoạch CHK Vân Phong, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo đơn vị tư vấn chủ động làm việc với Cục Hàng không VN và Tổng công ty Quản lý bay VN nghiên cứu chi tiết về nội dung thiết lập vùng trời, phương thức bay.
"Vị trí quy hoạch CHK Vân Phong nằm hoàn toàn trên vùng nước của tỉnh Khánh Hòa. Tại Việt Nam hiện nay chưa có tiền lệ về quy hoạch, xây dựng cảng hàng không.
Trên thế giới có CHK quốc tế Kan Sai (Nhật Bản) được xây dựng hoàn toàn trên biển, tuy nhiên hiện nay cũng đang đối mặt với tình trạng chìm dần.
Bảo đảm tính khả thi về kỹ thuật, việc lựa chọn vị trí quy hoạch CHK Vân Phong cần bổ sung thêm nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phù hợp, đánh giá các yếu tố để bảo đảm thích ứng với kịch bản về nước biển dâng tại khu vực tỉnh Khánh Hòa", Bộ GTVT đề nghị.
Đối với đề xuất sơ bộ công suất quy hoạch CHK Vân Phong là 2,5 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và 10 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đánh giá chưa phù hợp do cao hơn nhiều so với số liệu dự báo nhu cầu vận tải (năm 2030 khoảng 1,26 triệu hành khách và năm 2050 khoảng 2,46 triệu hành khách).
Trên cơ sở phân tích đó, đơn vị tư vấn được đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật lại cấu hình, quy mô CHK Vân Phong sau khi hoàn thiện lại phương pháp, số liệu dự báo nhu cầu vận tải, nội dung nghiên cứu chi tiết về vùng trời, phương thức bay.
"Về cấu hình sơ bộ của các công trình thuộc khu bay (kích thước đường cất hạ cánh là 3.050m x 45m, 1 đoạn đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và đường lăn thoát nhanh cũng không có số liệu tính toán cụ thể, đơn vị tư vấn rà soát, bổ sung", Bộ GTVT yêu cầu.
Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, dự án CHK Vân Phong được đầu tư xây dựng sẽ tạo thuận lợi di chuyển của người dân địa phương, khách du lịch và chuyên gia; Thúc đẩy Khu kinh tế Vân Phong sớm trở thành đô thị thông minh, trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp.
Đối với người dân, dự án sẽ tạo điều kiện khai thác các tiềm năng trong khu vực, địa phương, kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, lưu thông thuận lợi sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và tăng thu thập.
Đối với doanh nghiệp đầu tư PPP được triển khai dự án sẽ giúp khơi thông nguồn vốn của doanh nghiệp, có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thi công của doanh nghiệp vào các dự án của Nhà nước.
Nếu có thể triển khai dự án theo phương thức PPP, toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện, giúp tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận