Đảm bảo chính sách để thu hút nhân tài vào cơ quan Nhà nước
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Điều 45 của dự thảo Luật quy định về nhà công vụ cho cán bộ, công chức Nhà nước. Tuy nhiên, quy định này còn chưa thấu đáo, còn bất cập.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có cái nhìn dài hạn trong việc bố trí nhà công vụ, đảm bảo chính sách xuyên suốt, lực lượng vũ trang, cơ yếu thì có chính sách ưu tiên phù hợp.
"Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, anh em họ nói thế này, mấy ông từ phó chủ tịch trở lên, lương cao, có điều kiện thì cho thuê nhà công vụ, chúng tôi lương thấp xa nhà thì lại phải thuê nhà. Nhưng nhu cầu thuê ở thành thị, giá thuê nhà cao lắm. Lương tôi thấp, mà tôi phải thuê nhà hai nơi. Ngoài Hà Nội vợ tôi cũng phải thuê, vào đây công tác do điều động của Nhà nước tôi cũng phải thuê", Phó chủ tịch Quốc hội kể lại.
Ông cho biết, quân đội một số nước đến vùng nào thì đều bảo đảm nơi ăn, chỗ ở cá nhân và còn cả gia đình, vợ con.
Ông Phương cũng nêu rõ, việc dành đủ nguồn lực thì cần theo lộ trình phát triển của đất nước, Chính phủ cần có tính toán cụ thể, điều quan trọng là phải đảm bảo chính sách được thực hiện xuyên suốt, giúp cán bộ, công chức, đặc biệt trong ngành an ninh, quốc phòng, cơ yếu yên tâm công tác, qua đó thu hút nhân tài vào cơ quan Nhà nước.
"Hiện tượng lương thấp, thuê nhà không bù đủ cho lương từ đó xin nghỉ việc như vậy làm sao chúng ta thu hút nhân tài được vào làm trong Nhà nước", Phó chủ tịch Trần Quang Phương nói.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo trước đây Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có quy định về điều kiện được thuê nhà công vụ ở vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, trong dự thảo mới đã mở rộng với các đối tượng là cấp phó thủ trưởng ngành cấp tỉnh, cấp huyện, phó chủ tịch huyện, phó giám đốc sở… trở lên thì được bố trí nhà ở công vụ.
Đối với lực lượng vũ trang, Chính phủ cũng rất ủng hộ việc bổ sung đối tượng là công nhân, viên chức của Bộ Quốc phòng và cán bộ cơ yếu. Tuy nhiên, đề nghị chỉnh lý, bỏ chữ "và" để thể hiện rõ là có đối tượng công an.
Ông Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm hơn, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong điều kiện hiện nay, khi nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn về vấn đề nhà ở công vụ. So với luật hiện hành, dự thảo luật hiện tại đã có hướng tiếp cận mở đối với vấn đề này. Tuy nhiên, nếu mở rộng hết các đối tượng được sử dụng thì không có đủ nguồn nhà ở công vụ.
Ông Định đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung, bố trí tùy theo quỹ nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang hoặc của địa phương; Với số cán bộ điều động, luân chuyển, giao bộ trưởng và chủ tịch tỉnh xem xét cân nhắc bố trí thêm cho các trường hợp khác.
Không quy định các yêu cầu riêng cho chung cư mini
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu và ý kiến thống nhất giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn.
Theo đó, chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này.
Cụ thể, không quy định các yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý loại hình nhà ở này đến các yêu cầu về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.
Bổ sung quy định điều chỉnh với các loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ mà có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê, dự thảo luật chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án.
Tuy nhiên, chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, bổ sung về việc dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận