Tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu một số nội dung được sửa đổi, bổ sung, như bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo ba năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá.
Đề xuất này nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển nguồn đấu giá viên.
Điểm mới nữa là sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính của quy chế cuộc đấu giá, như quy định thời gian bắt đầu và kết thúc việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước, bước giá, việc trả giá…
Dự thảo cũng bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án như về thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá (thời gian niêm yết dài hơn so với tài sản thông thường).
Cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền, theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất; việc người có tài sản đấu giá xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá.
Nội dung sửa đổi còn có việc dừng, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá trong một số trường hợp; bổ sung quy định nguyên tắc điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù trong thời gian qua, góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, nhất là tài sản công.
Cân nhắc quy định tài sản đấu giá là nợ xấu.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Về tài sản đấu giá, điều 4 dự thảo liệt kê các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Ông Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại điều này theo hướng không liệt kê như dự thảo Luật, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn khi luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành, ví dụ như đất đai, viễn thông, tần số vô tuyến điện, khoáng sản... Đồng thời, khó dự liệu hết những loại tài sản mới sẽ phát sinh trong tương lai (ví dụ như các tài sản, quyền tài sản của trí tuệ nhân tạo (AI) nếu được công nhận trong tương lai).
Cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo đồng bộ với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung 1 chương về đấu giá tài sản đối với nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Nhưng ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc việc quy định về tài sản đấu giá là nợ xấu.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các ý kiến trên là xác đáng, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, làm rõ, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Về quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, ông Thanh phản ánh, có ý kiến cho rằng việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá. Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định mức tiền đặt trước đối với trường hợp đấu giá quyền thuê đất trả tiền hằng năm, đơn giá thuê đất thấp dẫn đến số tiền đặt trước trong trường hợp này (tối thiểu 10% và tối đa 20%) là rất thấp.
Ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận