Xã hội

Đề xuất thêm 1 ngày nghỉ có hưởng lương trong năm

23/10/2019, 17:48

Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

img
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc ngày 23/10

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 23/10, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Trưởng ban soạn thảo dự án luật đã rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm và đề nghị giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28.6). Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến của các vị ĐBQH theo hai phương án, không bổ sung ngày nghỉ lễ hoặc bổ sung thêm 1 ngày nghỉ trong năm là ngày 28/6.

Kết quả thăm dò ý kiến về nội dung này thể hiện, có 30 đoàn ĐBQH có ý kiến đề nghị quy định theo hướng cần bổ sung thêm ngày nghỉ cho người lao động. Trong đó, một số ý kiến đề nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ, tết trong năm. Có 2 đoàn đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 ngày do số ngày nghỉ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.

Về ngày nghỉ cụ thể, có 17 đoàn đại biểu tán thành chọn ngày Gia đình Việt Nam; 3 đoàn đề nghị thêm 2 ngày vào dịp nghỉ Tết Âm lịch; 11 đoàn đề nghị nghỉ thêm vào dịp Quốc khánh; 7 đoàn đề nghị nghỉ thêm 1 ngày dịp Tết dương lịch (31/12); 3 đoàn đề nghị tăng thêm số ngày nghỉ hưởng nguyên lương để người lao động được bố trí học tập ý thức pháp luật, kỷ luật lao động.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức không được nghỉ bù, làm bù để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp và 2 đoàn nghiêng về đề xuất giữ như quy định hiện hành.

img
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình phải có thêm ngày nghỉ cho người lao động. Ông nói nên nghỉ thêm 2 ngày gồm ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9 và ngày 28/6.

Ngày 5/9 có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh. Nhiều cháu thiệt thòi và tủi thân vì không được bố mẹ đưa đi khai giảng. Nếu không được nghỉ hai ngày mà phải lựa chọn một thì tôi chọn nghỉ ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, ông Tiến đề xuất.

ĐB Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) cho biết, đối với ngày nghỉ lễ, hiện nay số ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Cụ thể, Campuchia 28 ngày; Brunay 15 ngày; Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan 16 ngày; Trung Quốc 21 ngày. ĐB Hằng đề nghị tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh mùng 2/9 hoặc là ngày nghỉ Tết dương lịch.

Tán thành việc bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị bổ sung thêm một ngày nghỉ hưởng nguyên lương là ngày gia đình Việt Nam 28/6. Việc được nghỉ vào ngày 28/6 nhằm tôn vinh giá trị gia đình; và thời điểm này nằm ở khoảng giữa hai giai đoạn gần 4 tháng không có ngày nghỉ lễ nào, cũng là thời điểm giữa mùa hè. “Bởi vậy, phương án này không chỉ là lựa chọn tốt nhất về thời điểm mà còn thuận lợi để người lao động có thể kết hợp ngày nghỉ phép trong năm đưa con cái về quê hoặc đi du lịch. Với phương án này ta cũng có thể tính thêm với những ngày nghỉ Tết Nguyên đán trùng vào cuối tuần, có thể hoán đổi nghỉ bù vào thời điểm ngày 28 tháng 6, như vậy có thể tạo ra kỳ nghỉ mùa hè cho người lao động và gia đình họ một cách thiết thực, tạo ra sự thay đổi tích cực về tiến bộ xã hội”, ĐB Hiền nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.