Ngày 14/3, Đoàn công tác của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đi kiểm tra thực tế tình hình nguồn nước, công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gay gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Cụ thể, tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời đã có 131 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở, với tổng chiều dài 14.504m với 550 điểm, ước tính thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề xuất xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm.
Việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ (Tiểu vùng II và III phía Bắc Cà Mau trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời với diện tích khoảng 90.000ha).
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi cho răng, đề xuất trên đã được các cơ quan khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan độc lập khác nghiên cứu.
"Việc này cần phải có nghiên cứu đánh giá thật kỹ khi triển khai thực hiện. Chúng ta phải xác định việc thiếu nước ở Cà Mau, cũng như Đồng bằng sông Cửu Long là thường xuyên", ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, cần tính đến hiệu quả của giải pháp đưa ra. Ví dụ: 1m3 nước từ sông Hậu về Cà Mau thông qua bơm điện thì giá trị bao nhiêu so với giải pháp tại chỗ, các công trình tích trữ nước nhỏ.
"Chúng tôi được biết Cà Mau đã phê duyệt đề án hỗ trợ người dân để đầu tư các công trình tích trữ nước quy mô nhỏ, phục nước sinh hoạt. Chúng tôi thấy giải pháp hết sức hiệu quả. Việc đưa nước từ sông Hậu về Cà Mau là vấn đề lớn, cần nghiên cứu tổng thể, toàn diện để đưa ra giải pháp hết sức phù hợp", ông Khanh chia sẻ thêm.
Nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp huyện xem việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn là nhiệm vụ cấp bách hiện nay, chấp hành nghiêm túc, tập trung chỉ đạo thực hiện nhanh, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ người dân đảm bảo nước sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thiếu nước hiện nay", Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.
Đối với UBND các huyện và thành phố Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan huy động các nguồn lực triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng El Nino, sẽ kéo dài đến tháng 6/2024 nên khả năng hạn hán gay gắt, thiếu nước tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Vì vậy, các ngành chức năng ở Cà Mau khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt có sẵn, áp dụng tái sử dụng nước cho các việc khác nhau cho các mục đích sinh hoạt và tưới tiêu hợp lý; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt và hạn chế tối đa việc lấy nước ngọt tại các kênh rạch ven đường giao thông.
Đồng thời, thực hiện cắm biển báo ở các nơi có nguy cơ sụt lún, sạt lở; triển khai các biện pháp phù hợp (giảm tải, gia cố bờ sông, phân luồng giao thông, cấm phương tiện tải trọng lớn lưu thông) để giảm thiểu tối đa việc sụt lún, lở đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận