Đời sống

Đến chùa thắp hương thế nào cho đúng?

16/02/2019, 13:25

Đi chùa đầu năm là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, nhưng không phải ai đến chùa đều hiểu ý nghĩa của việc lễ Phật.

img
Tại chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM sáng 14/2

Những ngày đầu năm, từ 8h sáng, tại chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1 TP.HCM đã đông người đi lễ chùa.

Cụ bà Huỳnh Thị Diệu Chi (nhà ở quận 3, TP.HCM năm nay đã 80 tuổi) cho biết, đã ăn chay hơn 50 năm và hàng tuần đều đi chùa lễ Phật.

“Thường đi chùa nên chúng tôi cảm thấy mình như trẻ lại vài tuổi và cảm thấy lòng thương yêu vô bờ bến đối với con người và vạn vật. Những ngày đầu Xuân đi chùa, lễ Phật người ta dễ dàng tha thứ cho nhau những lỗi lầm của năm cũ để cùng nhau hướng thiện…”, cụ Diệu Chi tâm sự.

Theo lời cụ Diệu Chi, cụ rất ít thắp nhang mà thường mang hoa lên chùa lễ Phật. Bởi nhang thắp nhiều không tốt cho sức khỏe cho những người xung quanh. Chỉ cần một nén tâm hương là đã thành tâm với chư Phật rồi bởi Phật tại tâm chứ không đâu xa, chúng ta thành tâm hướng thiện là tâm Phật. Còn hoa không gây khó chịu cho những người xung quanh mà ngược lại làm đẹp cho cuộc sống. Nếu được Phật tử thành tâm cung kính dâng hoa lên bàn Phật thì ý nghĩa vô cùng to lớn…

Còn chị Nguyễn Thị Bạch Trà nhà ở Q. Tân Bình cho biết, chị thích đi lễ chùa sớm vì thời tiết trong lành, chùa cũng vắng hơn những giờ khác… trong lòng cũng cảm thấy bình an, yên bình hơn. Và sở dĩ chị chọn chùa Vĩnh Nghiêm là bởi đây là ngôi chùa đẹp, ngăn nắp, quy củ và văn minh.

Trong khi nhiều người chuẩn bị thắp nhiều nhang lễ Phật, chị Trà nói chỉ vài bông hoa sen là đủ thành tâm bởi trong chùa đã có nhang thắp sẵn rồi. Không phải cứ thắp nhiều nén nhang thì mới thành tâm hơn người thắp một nén nhang. Trước đây đi chùa mình cũng thường đổi tiền lẻ 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng để đặt lên bàn thờ trong chùa. Song một lần tình cờ được người bạn phân tích về những nghi lễ và văn hóa tâm linh mình hiểu ra. Nên thay vì mình bỏ từng tờ tiền lẻ ở khắp nơi, tùy tâm mình bỏ vào hòm công đức rồi lần lượt đi vái lạy ở các điện, vãn cảnh chùa…

Một sư thầy trong chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, trước đây nhiều phật tử đem tiền lẻ đến chùa rải khắp nơi… kể cả thả xuống hồ. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người đốt nhang hàng bó to và còn cắm đầy nhang ở gốc cây quanh chùa. Việc cắm hương nhiều là không cần thiết vì chùa đã thắp nhang sẵn rồi. Để việc đi lễ chùa ngày càng văn minh, lịch sự, tôn nghiêm… nhà chùa gắn biển tại các gốc cây “không cắm nhang nơi đây”, nhờ thế đến nay hầu như không còn trường hợp nào cắm nhang như trước đây nữa. Còn tiền nếu bá tánh có lòng thì hãy bỏ vào thùng công đức…

Đừng biến chùa thành chợ

TS. Đỗ Anh Vũ, Viện ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội) nhận định: Hiện nay, không ít những vấn đề của lễ hội, của chùa chiền mang đến cho ta cảm giác bất thường, phản cảm bởi những biểu hiện nào đó có phần cực đoan, quá mức… Thậm chí, người ta lợi dụng lễ hội để cầu thăng quan tiến chức, để kinh doanh cốt sao thu tiền về càng nhiều càng tốt. Khi khâu tổ chức làm chưa ổn, tình trạng chen lấn, xô đẩy, mất an toàn đã biến lễ hội thành một thứ chợ nhốn nháo, mất đi vẻ thanh lịch đáng ra cần phải giữ gìn. Có những ngôi chùa nhận dâng sao giải hạn dịp đầu năm cho 140.000 người, mỗi người lệ phí 200.000, thu về một con số khủng khiếp là sai với tinh thần đạo Phật.

Cũng theo TS. Đỗ Anh Vũ, tham dự lễ hội để có được những niềm vui cộng đồng vào đầu xuân, bước chân đến chùa để lòng thanh tĩnh, thư thái lại, tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Cửa Phật rộng mở từ bi thậm chí còn là nơi xóa bớt cho ta những buồn đau, những ưu phiền, những bi kịch trong đời sống. Vì thế để giữ được nét đẹp văn hóa đó, vai trò của những người quản lý, lãnh đạo là vô cùng quan trọng để tạo ra những định hướng tích cực, lành mạnh cho cả cộng đồng sao cho giữ được nét đẹp của văn hóa”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.