Gỡ điểm nghẽn mặt bằng
Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đoạn qua xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) từ lâu đã được coi là điểm nghẽn GPMB lớn nhất toàn tuyến, khi có đến hàng trăm hộ dân nằm trong diện di dời, giải tỏa nhưng chưa đồng thuận.
Nguyên nhân chậm GPMB chủ yếu do việc đơn giá bồi thường do tỉnh Quảng Ngãi ban hành chênh lệch lớn so với thị trường.
Để tháo gỡ, huyện Tư Nghĩa đã thành lập 8 tổ vận động tuyên truyền. Đứng đầu mỗi tổ là các đồng chí trong Ban thường vụ huyện ủy. Theo đó, các tổ vận động "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để trao đổi, chia sẻ và vận động người dân hợp tác.
Mới đây, ngày 29/3, tổ công tác do Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh làm trưởng đoàn đã đến tận nhà người thuộc diện phải cưỡng chế thu hồi đất để gặp gỡ, vận động, giải thích.
Tại nhà ông Phạm Đình Tâm (thôn An Hội Nam 1, xã Nghĩa Kỳ), ông Tâm có diện tích đất bị thu hồi lên đến gần 1.500/1.800m2, trong đó có 200m2 đất ở cùng toàn bộ nhà chính cùng các công trình phụ.
Theo quy định, gia đình ông Tâm được bố trí 1 lô đất tái định cư với diện tích 300m2. Do xét thấy chưa thỏa đáng như nguyện vọng nên ông Tâm không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Nắm bắt tâm tư của ông Tâm, tại buổi trò chuyện, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh đã giải thích cặn kẽ, chi tiết từng khúc mắc về việc chính quyền đã vận dụng mọi cơ chế chính sách để đền bù, hỗ trợ GPMB cho các hộ dân. Những đòi hỏi vượt quá quy định đều trái luật, không thể áp dụng...
Sau những giờ được nói chuyện, trao đổi cùng người đứng đầu UBND huyện, ông Tâm như trút bỏ được "tâm tư", không còn nghĩ mình bị thiệt thòi, cán bộ GPMB sai... nên gật đầu đồng ý bàn giao mặt bằng.
"Trước đây cán bộ làm công tác bồi thường giải thích chưa thấu đáo dẫn đến việc tôi không hiểu hết vấn đề. Nay tôi hiểu ra vấn đề, huyện đã bồi thường thỏa đáng nên gia đình đồng ý bàn giao mặt bằng...", ông Tâm nói.
Từng cương quyết không bàn giao mặt bằng vì cho rằng đền bù không đúng, ông Phạm Đình Trí nhà gần ông Tâm cũng gật đầu nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng khi được Chủ tịch UBND huyện đến vận động.
Tương tự, nhiều trường hợp người dân có đất thuộc diện giải tỏa trắng như hộ bà Võ Thị Trợ, Phạm Xuân Liêu… sau khi được lãnh đạo huyện Tư Nghĩa giải thích các chính sách, cơ chế về bồi thường, GPMB đã đồng ý bàn giao mặt bằng mà không còn trở ngại nào khác.
Theo UBND huyện Tư Nghĩa, sau các buổi trò chuyện, giải thích của các tổ công tác, hơn 1 tháng qua đã có 40 hộ dân tại điểm đầu tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đồng ý bàn giao mặt bằng, nâng tổng số hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng lên 428/480 hộ.
Hết cách mới tính cưỡng chế GPMB
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, để người dân đồng thuận, địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu các cơ chế, chính sách bồi thường. Nhất là đối với các trường hợp người dân có đất thuộc diện sổ ruộng đất 5B và bản đồ 299 chữ T.
Các trường hợp này địa phương đã tổng hợp hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương để tháo gỡ. Đồng thời, tiếp tục gặp gỡ vận động người dân bàn giao mặt bằng nhằm đảm bảo công trình trọng điểm quốc gia thi công hoàn thành như kế hoạch.
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, việc cưỡng chế thu hồi đất của người dân là giải pháp cuối cùng khi giữa cơ quan nhà nước và người dân không tìm được tiếng nói chung. Còn nếu vận động, giải thích mà người dân thấu hiểu thì làm công tác tư tưởng cho người dân vẫn là trên hết.
"Chúng ta thu hồi đất thi công dự án để phát triển đất nước cũng là phục vụ nhân dân, nên trên hết cần sự đồng thuận của nhân dân. Lẽ ra các trường hợp này phải cưỡng chế, nhưng qua vận động người dân hiểu và tự nguyện vẫn là ưu tiên hàng đầu", ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, hiện còn 52 hộ chưa thống nhất nhận tiền bàn giao mặt bằng, huyện sẽ tập trung giải quyết dứt điểm, sớm làm quy trình kê khai, niêm yết tại cơ sở và phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư cho người dân.
"Với quyết tâm cao nhất trong công tác vận động, thuyết phục người dân, địa phương sẽ giải quyết dứt điểm các tồn tại về mặt bằng trong tháng 4.
Quan điểm của huyện là đến 30/4 là mốc thời gian cuối cùng bàn giao 100% mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, thế nên, trong thời gian này huyện sẽ huy động tối đa nhân sự để giải quyết rốt ráo các tồn tại và hoàn thành như chỉ đạo của Thủ tướng", ông Vinh khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận