Trận đấu môn cầu mây tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 |
Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 (ABG5) đã chính thức khép lại với thắng lợi tuyệt đối của đoàn chủ nhà Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét về mặt tiếp thị, truyền thông, chưa thể nói nước chủ nhà làm tốt.
Xua tuyển thủ xịn ra “gom” huy chương
Hôm qua (3/10), tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ tổng kết, bế mạc ABG5. Chưa bao giờ thể thao Việt Nam (TTVN) lại thắng lớn và thắng dễ như vậy khi “gặt” tới 139 huy chương, trong đó có tới 52 HCV, tại một giải đấu chỉ gồm 14 môn với 172 nội dung. Thậm chí, con số còn có thể khủng hơn nếu đoàn chủ nhà bung hết sức.
“Chúng tôi rất bất ngờ với thành tích này. Chỉ tiêu mà đoàn đặt ra chỉ là đoạt trên dưới 20 HCV, lọt vào nhóm dẫn đầu. Ở cả ba kỳ đại hội trước đó, Việt Nam cao nhất cũng chỉ giành được 8 huy chương các loại”, Trưởng đoàn TTVN tại ABG5 Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với Báo Giao thông.
Thế nhưng, trên thực tế, chuyện TTVN độc chiếm ngôi đầu lại không có gì bất ngờ. Ngoài một số môn đặc thù, nước chủ nhà đã đưa hàng loạt môn thế mạnh của mình từ trong nhà ra bãi biển như: Thể hình, vovinam, pencak silat, vật, võ cổ truyền... với số nội dung tối đa có thể. Cùng đó, là hàng trăm tuyển thủ “xịn” của hầu hết các môn cũng được mang tới Đà Nẵng. Trong đó có rất nhiều ngôi sao như: Nhà vô địch thế giới môn muay Nguyễn Trần Duy Nhất, Á quân nhảy xa ASIAD Bùi Thu Thảo, nhà vô địch judo SEA Games từng hai lần dự Olympic Văn Ngọc Tú, kỷ lục gia SEA Games môn bơi Lâm Quang Nhật...
Trong khi đó, các đoàn, kể cả các cường quốc thể thao biển truyền thống như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ cử sang một đội hình khiêm tốn. Do vậy, cơn bão huy chương của đoàn TTVN không phản ánh gì nhiều về giá trị chuyên môn, ngược lại phần nào đó càng phơi bày căn bệnh thành tích cố hữu.
Đầu tư 300 tỷ đồng, thu về... 25 tỷ đồng
Ngoài thắng lợi tuyệt đối của đoàn chủ nhà, quá khó để nêu ra được những thu hoạch từ cuộc đấu tầm cỡ châu lục lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, với mức kinh phí đầu tư lên tới 300 tỷ đồng từ Chính phủ.
Mảng tiếp thị tài trợ, vốn là khâu trọng yếu của một sự kiện quốc tế, chỉ đạt được một kết quả quá khiêm tốn so với kinh phí bỏ ra. Mãi đến tháng 3/2016, Ban tổ chức mới chính thức ký kết được hai hợp đồng tài trợ với hai doanh nghiệp của Thái Lan (FBT) và Việt Nam (Động lực) trị giá khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, 100% giá trị tài trợ đều là sản phẩm chứ không có một xu tiền mặt. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, khó khăn của các doanh nghiệp chỉ là một phần, quan trọng hơn là sự chậm trễ cùng cách làm theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” của Ban tổ chức.
Bên cạnh thương quyền, mảng truyền thông vốn luôn phải là “mũi nhọn tiên phong” cũng rất chậm chạp. Mãi đến tháng 9/2016 mới có thêm một cuộc họp báo quốc tế mang tính thông báo. Tiểu ban chuyên trách chỉ bắt tay vào các công việc của mình 10 ngày trước đại hội và cũng chỉ đóng khung ở lĩnh vực chuyên môn. Đã vậy, việc giao quyền tổ chức cho Đà Nẵng hay chốt lại chương trình thi đấu quá muộn, chỉ khoảng một năm trước ngày khai mạc, cũng khiến Ban tổ chức rơi vào thế bị động. Đáng chú ý, một số môn hấp dẫn nhất, có khả năng thu hút khách du lịch tốt như: Lướt sóng, đua thuyền buồm bị loại vì lý do kinh phí.
Cho tới sát ngày khai mạc, ABG5 vẫn rất mơ hồ với cả ngay những người dân Đà Nẵng bởi thông tin quá ít. Cuộc đấu chỉ thực sự nóng lên phần nào trong thời gian tranh tài, khi 6.000 quan khách, VĐV có mặt tại Đà Nẵng. Dù VTV sau đó đã liên tục thực hiện tường thuật trực tiếp thi đấu các môn, cùng các chương trình đồng hành, song vẫn không thể thu hút sự chú ý từ dư luận.
Về vấn đề này, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Phạm Văn Tuấn cho hay: “Công tác truyền thông cho đại hội lần này đúng là chúng tôi không thể tiến hành như một chiến dịch liên tục, dài hạn. Nguyên nhân khách quan có, chủ quan có nhưng kinh phí là cốt lõi nhất. Với số tiền khoảng 10 tỷ đồng, chúng tôi muốn làm rốt ráo cũng rất khó”.
>>> Xem thêm video đoàn TTVN diễu hành lễ khai mạc Olympic 2016:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận