BV đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận trường hợp bị hoại tử da vùng cẳng tay phải do chạm phải dịch tiết của sứa khi bơi ngoài biển. Theo lời kể của bệnh nhân V.V.L (25 tuổi, Hà Nội), ban đầu thấy ngứa ở cẳng tay phải, sau đó tay dát đỏ, sưng. Tình trạng này kéo dài 1 tuần và dần loét nhiều ở vị trí chạm vào sứa kèm theo ngứa nhiều nên đến viện khám.
Theo BS. Lê Thị Hường, Chuyên khoa Da liễu, BV đa khoa Medlatec, sứa có 2 loại sứa trắng (sứa thường) và sứa lửa; khác với sứa thường, sứa lửa có độc tính mạnh hơn, khi tiếp xúc vào da thịt nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại những tổn thương nặng nề do độc tố gây loét, bỏng sâu.
Vì thế, khi đang bơi bỗng dưng thấy đau nhói, bỏng rát cần bình tĩnh lên bờ để rửa vết thương bằng nước, nếu rửa bằng nước vôi trong sẽ tốt hơn để độc tố trong vết thương giảm nồng độ và trôi bớt đi.
Sau khi rửa liên tục vào vùng tổn thương do sứa gây ra nên chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, đặc biệt với các vết thương nặng nên chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để điều trị.
BS. Hường chia sẻ, khi bị sứa “tấn công” nếu không được sơ cứu đúng cách và kịp thời, độc tố trong sứa lửa có thể khiến cơ thể có những biến chứng như: đau bụng, buồn nôn và ói mửa; nhức đầu; đau cơ hoặc co thắt; yếu, ngủ lơ mơ, ngất xỉu và nhầm lẫn; khó thở hay các vấn đề về tim.
Tuy nhiên, không phải cứ bị sứa tấn công là cơ thể sẽ chịu hậu quả nặng, mà mức độ nghiêm trọng của chất độc sứa với cơ thể phụ thuộc vào loại sứa và kích thước của con sứa hay tuổi người bị sứa “tấn công”, tình trạng sức khỏe. Thông thường trẻ em và người có sức khỏe kém có nhiều khả năng bị các phản ứng nghiêm trọng. Thời gian tiếp xúc với chất độc của sứa. Hoặc diện tích vùng da bị dính chất độc.
"Do vậy, khi đi tắm biển người dân chú ý tìm hiểu kỹ thông tin về bãi biển, hoặc hỏi người dân biển nơi đó về sự xuất hiện của sứa, đặc biệt là sứa lửa để có những chủ động trong phòng tránh và chuẩn bị thuốc mang theo trước khi đi du lịch", BS. Hường lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận