Tập cuối cùng của bộ phim "Đi giữa trời rực rỡ" vừa được phát sóng tối 18/10 vừa qua.
Bộ phim đi tới hồi kết một cách chóng vánh, vội vã so với dự kiến sau 3 tháng lên sóng và nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ đại bộ phận khán giả.
Kết phim chóng vánh và thiếu thuyết phục
Tập cuối của phim diễn ra với những tình tiết khá vội vàng và không mấy thuyết phục được người xem.
Ở tập này, trong bữa ăn, ông Vinh thông báo tin vui đã tìm được nhà đầu tư cho dự án thảo dược, người đầu tư chính là bạn học cũ của ông - cô Trang Đài.
Chải, Quang cũng như Thái đều trở thành bạn của nhau, xí xóa những hiểu lầm trong quá khứ, sau đó cả nhóm quyết định sẽ về về thăm quê của anh và Pu.
Ghến đi thông báo cho bà con ở bản biết chị Pu và anh Chải về bản. Đứng giữa núi đồi quê hương mênh mông, cả hai người đều có những suy nghĩ riêng về hành trình trưởng thành của mình sau khi xuống thành phố.
Review Đi giữa trời rực rỡ tập cuối.
Về phần Pu, cô vẫn theo đuổi ước mơ tốt nghiệp ngành dược để về giúp đỡ bà con: "Chỉ có một con đường để dẫn ra khỏi bản, nhưng lũ trẻ mới lớn chúng tôi lại đi trên con đường đó vào những thời điểm khác nhau với những ước mơ, mục đích khác nhau.
Rồi đây, khi có trong tay tấm bằng đại học mà tôi mơ ước, tôi sẽ trở về giúp đỡ dân bản. Tôi đã biết được đi là để trưởng thành, trưởng thành là để trở về và trở về là để xây dựng quê hương".
"Tôi sinh ra và lớn lên ở bản. Chỉ có một con đường duy nhất ra khỏi bản thì Chải cũng chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho cô gái của mình. Lúc rời đi, tôi là gã trai chẳng biết làm gì. Còn bây giờ, tôi có thể làm mọi việc để chăm lo cho gia đình.
Lúc rời khỏi bản, tôi chạy theo Pu. Còn bây giờ, mọi người nhìn xem, Pu đang theo tôi về bản đấy" là lời thoại của Chải khép lại bộ phim cùng hình ảnh anh và Pu nắm tay nhau trên đồng lúa.
Mặc dù tập cuối cán mốc khủng tới hơn 2 triệu lượt xem trên kênh Youtube của nhà sản xuất, nhưng phần lớn ý kiến của khán giả đều cho rằng bộ phim kết thúc quá chóng vánh, không hợp tình hợp lý.
Lời kết của hai nhân vật ẩn chứa những thông điệp tốt đẹp mà nhà sản xuất gửi gắm, nhưng xét trên góc độ thực tế thì những gì Pu và Chải nói đều chỉ mang tính "đạo lý".
Tại kênh Youtube của SK Pictures, rất nhiều bình luận của khán giả để lại bày tỏ sự không hài long đối với bộ phim: "Kết phim vô vị nhất từng xem"; "Kịch bản đầu voi đuôi chuột"; "Phim quay xe đánh xẹt 1 phát khán giả hoảng hồn, chưa hoàn hồn đã kết phim đến như tạt nước vào mặt khán giả"; "Phim nhạt còn hơn nước ốc"; "Đừng ra phần 2 nữa nhé..".
Đối với nhân vật Pu, cô lên thành phố với ước mơ phát triển đề trở về xây dựng quê hương nhưng chính bản thân lại chẳng có bước tiến nào. Đi học đại học, cô dính vào hàng loạt những "drama" vụn vặt của tuyến nhân vật phụ. Từ chuyện "kèn cựa" với bạn cùng phòng, hiểu lầm tình ái với anh thiếu gia nhà giàu, hay đến chuyện bị hiểu nhầm là có thai đều là những tình tiết vô cùng khó hiểu.
Với hình ảnh người phụ nữ độc lập, thành công mà Pu hướng đến, những sự việc xảy ra trong thời gian cô xuống thành phố đi học không hề dẫn đến bước ngoặt chuyển mình để Pu có thể trở thành người mà cô mong muốn.
Chưa kể, Pu còn bộc lộ sự thụ động trong nhiều tình huống. Mặc dù xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi nhưng sau khi xuống thành phố, cuộc sống của Pu chỉ quanh quẩn trong những "drama" vô thưởng vô phạt.
Cô thay đổi cách ăn mặc như con nhà có điều kiện, không còn giữ được nét giản dị vốn có trong khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn và bản thân Pu chỉ đi phục vụ quán cafe với đồng lương "ba cọc ba đồng".
Về phần Chải, hành trình của anh có phần nổi bật hơn khi "báo thủ" ngày nào đã biết tự đứng vững trên chính đôi chân của mình.
Chải thoát khỏi mác "cậu ấm ăn chơi", biết lao động kiếm tiền để tự lo cho bản thân và bố già sau biến cố của gia đình. Tuy nhiên, với việc trở thành shipper hay nhân viên giao hàng với dự định đi học nghề thì tương lai về bản giúp đỡ các thanh niên đồng hương của anh vẫn còn để ngỏ.
Cái tên "Đi giữa trời rực rỡ" của bộ phim cũng được đưa lên bàn cân trên nhiều diễn đàn khán giả vì nhiều người xem cho rằng hành trình của hai nhân vật chính chẳng có điểm nào thật sự rực rỡ.
Kịch bản và cách xây dựng nhân vật không hợp lý, nhiều chi tiết không khớp với thực tế
Lên sóng từ 31/7, bộ phim "Đi giữa trời rực rỡ" nhanh chóng thu hút người xem nhờ quy tụ dàn diễn viên trẻ, kịch bản mới lạ, ý nghĩa, khai thác hành trình vươn lên khỏi bản làng của cô gái vùng cao tên Pu.
Sau 8 tập, tác phẩm cán mốc một tỷ lượt xem. Chuyện tình của "cậu ấm vùng cao" Chải theo đuổi tình yêu đơn phương với nữ chính Pu được khán giả đón nhận nồng nhiệt và là để tài được chú ý trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.
Thời gian đầu, bộ phim đã vấp phải nhiều luồng ý kiến tiêu cực từ dư luận khi làm phim sai lệch nhiều về những tập tục của người dân tộc Dao, thậm chí "xúc phạm văn hóa dân tộc thiểu số".
Nói về kịch bản và trang phục người Dao của "Đi giữa trời rực rỡ", Tiến sĩ Hà Thanh Vân chia sẻ với Báo Giao Thông: "Do đi vùng miền núi phía Bắc khá nhiều và cũng được tiếp xúc với nhiều đồng bào dân tộc, tôi thấy rằng kịch bản xây dựng nhân vật của bộ phim tuy thể hiện được sự trẻ trung, tươi mới song có phần hơi quá lố và có một số chi tiết không chính xác.
Hiện nay khi mức sống được nâng cao hơn, cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có đời sống tốt hơn rất nhiều, thì bộ phim có những chi tiết dễ gây nhầm lẫn. Chẳng hạn như người Dao thì không có tục bắt vợ".
"Có nhiều ý kiến phân tích về sự lệch chuẩn trong trang phục nam và nữ, giữa lễ phục và thường phục. Thậm chí, có những ý kiến bênh vực và phản bác lại cho rằng đây chỉ là phim truyện chứ không phải phim tài liệu, vì vậy không cần chính xác.
Tôi thì lại cho rằng nói vậy thì chức danh họa sĩ thiết kế và họa sĩ phục trang cho phim không cần nữa và nhiều giải thưởng điện ảnh, truyền hình lớn của thế giới cũng nên bỏ đi giải thưởng dành cho thiết kế mỹ thuật và phục trang.
Sự phản ứng khá mạnh của cộng đồng người Dao là một minh chứng rõ nhất. Mặt khác, phim ảnh không phải chỉ xem để giải trí, mà còn cung cấp kiến thức, mang tính giáo dục, làm ảnh hưởng đến nhận thức con người. Do vậy, sự sai lệch dù là vô tình, nhưng cũng dễ làm công chúng hiểu sai về văn hóa dân tộc", bà Vân nói thêm.
Được công chúng đón nhận thời gian đầu là vậy, nhưng càng về sau bộ phim càng làm lộ rõ những điểm yếu kém, sự "non tay" của biên kịch trong việc phát triển nhân vật và câu chuyện.
Sau khi được Chải cứu mạng trong tập 9, nhân vật Pu thậm chí không nói được một lời cảm ơn với ân nhân khiến nhiều ý kiến cho rằng Pu là một cô gái "vô ơn".
Nhân vật nữ chính Pu được xây dựng là một cô gái xuất thân từ gia đình dân tộc nghèo, cô nuôi ước mơ được đi học đại học dưới xuôi để có thể về phát triển quê hương. Thời gian đầu, thái độ của Pu với tình cảm của Chải vô cùng lạnh lùng thậm chí có phần "vô ơn".
Cách Pu đối xử với Chải khiến nhiều khán giả phẫn nộ đến mức cho rằng cô không giống người dân tộc vì chả có người vùng cao thật thà, lương thiện nào sống "khôn lỏi" như vậy.
Thế nhưng sau bị khán giả phản ứng vô cùng tiêu cực về cách ứng xử của nữ chính, chặng cuối, biên kịch "Đi giữa trời rực rỡ" chọn cách bất ngờ để Pu "quay xe" và có cảm tình với Chải một cách nhanh chóng và vô cùng khó hiểu dù không hề có tình huống bước ngoặt nào thay đổi tình cảm của cô.
Khi được Thái giúp đỡ, thái độ của Pu khác một trời một vực so với Chải.
Cách xây dựng tuyến nhân vật phụ cũng có nhiều phần vô lý không kém. Nam phụ Thái phần giữa phim chiếm sóng nam chính một cách áp đảo. Chưa kể tính cách của Thái cũng là một điển hình của sự mâu thuẫn và thiếu nhất quán.
Trong những tập cuối, anh xung đột với bố đòi ra ở riêng, không muốn liên quan đến gia đình và tự lo cho bản thân. Tuy nhiên, tới lúc chuyện tình cảm không thành với Pu, mâu thuẫn với gia đình thì anh "quay xe", bỏ cả công việc kinh doanh dở dang ở Việt Nam để quay về Anh, tiếp tục du học trong sự bao bọc của bố và mẹ.
Chưa hết, người chị cùng phòng của Pu - Như còn có mối quan hệ vô cùng sai trái với một người đàn ông đã có gia đình. Trong khi tất cả mọi người trong xóm trọ đều biết chuyện này nhưng ngoài Lê có nhắc nhở "nhưng không đáng kể" thì những người lớn như ông Vinh cũng không mấy mảy may khuyên bảo Như.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân cũng nhận định rằng phim có quá nhiều tình tiết phi logic và mâu thuẫn về diễn biến tâm lý nhân vật: "Biên kịch rất là non tay và có tư duy không tốt khi xây dựng đường dây, tuyến nhân vật, cũng như miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật.
Nhân vật chính Pu thì thay đổi quá nhanh về tình cảm mà không hề có lý do thuyết phục. Nhân vật Chải thì có lối diễn ngây ngô, ngờ nghệch, như gián tiếp xúc phạm đồng bào dân tộc thiểu số. Một số chi tiết bị khán giả lên án là bênh vực cho "tiểu tam" hay cổ vũ cho việc lợi dụng người khác.
Đặc biệt lối kết thúc "đầu voi đuôi chuột" theo kiểu giải quyết tất cả "trong vòng một nốt nhạc" càng cho thấy sự yếu kém của kịch bản! Tôi có cảm giác là biên kịch càng lúc càng đuối và sự đuối này đến từ chính khả năng sáng tác cũng như kiến thức thực tế".
Diễn xuất của dàn diễn viên trẻ chưa thực sự đồng đều?
Phần thể hiện của dàn diễn viên trẻ trong "Đi giữa trời rực rỡ" cũng là một đề tài nhận được nhiều sự quan tâm.
Với Thu Hà Ceri (vai Pu) và Long Vũ (vai Chải), đây đều là tác phẩm đầu tiên cả hai thủ vai chính. Lối diễn xuất chưa nổi bật đã khiến hai nhân vật chính chưa thể khẳng định thực lực trong lòng khán giả. Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho rằng, dù màn thể hiện của hai diễn viên chính phù hợp với những vai diễn truyền hình, song lối diễn chưa có gì đặc sắc và còn một màu.
Đặc biệt là với Thu Hà Ceri, càng về cuối phim, nữ diễn viên sinh năm 2002 càng bộc lộ rõ những phần yếu trong cách truyền tải cảm xúc nhân vật. Những phân cảnh cảm xúc có phần "sượng trân" cũng như tính cách ngông nghênh có phần vênh váo quá đà đã khiến nhân vật Pu nhận cơn mưa gạch đá từ khán giả truyền hình.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận cô gái dân tộc Tày vẫn là một gương mặt mới có triển vọng. Hành trình diễn xuất của Thu Hà Ceri còn dài và cô vẫn còn nhiều thời gian để trau dồi học hỏi.
Trái ngược, Long Vũ trong vai chàng trai dân tộc chung tình lại nhận được khá nhiều sự yêu thương của khán giả. Dù màn thể hiện chưa thực sự xuất sắc nhưng với sự bền bỉ và chăm chỉ của nam diễn viên, Long Vũ chắc chắn sẽ có những màn hóa thân mãn nhãn khán giả hơn trong tương lai.
Dàn gương mặt trẻ trong "Đi giữa trời rực rỡ".
Diễn xuất của Vương Anh Ole trong vai nam phụ cũng không khá khẩm hơn cách nhân vật của anh được xây dựng. Ngoài chuyện biểu cảm thiếu linh hoạt ra thì Vương Anh còn gây khó chịu vì cách thoại vô cảm. "Thoại như đọc thuộc lòng", "Chị Google đọc còn cảm xúc hơn", "Giọng thoại phá cả bộ phim"… là những bình luận của khán giả về Vương Anh.
Với thời gian 10 năm trong nghề, từng tham gia không ít những sitcom một thời đình đám như "Bộ Tứ 10A8", "Những Phóng Viên Vui Nhộn".. màn thể hiện cùa Vương Anh Ole khiến khán giả không khỏi thất vọng.
Điểm sáng diễn xuất của bộ phim lại bất ngờ đến từ dàn diễn viên phụ như màn hóa thân của Võ Hoài Vũ vào vai anh con trai ngỗ nghịch - Quang hay "sugar baby" Như do Yên Đan thủ vai.
Chia sẻ về diễn viên để lại ấn tượng sâu đậm nhất, Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho biết: "Ngoài nghệ sĩ Hoàng Hải vào vai bố của Chải thì vốn đã quá quen thuộc với màn ảnh nhỏ, tôi thích lối diễn của Võ Hoài Vũ trong vai Quang, dù chỉ là một vai phụ.
Tôi đã xem Võ Hoài Vũ diễn kịch trên sân khấu Lucteam với vở "Búp bê", vì thế tôi thấy Võ Hoài Vũ đã thoát ra được lối diễn mang tính ước lệ, sân khấu hóa, để nhập vai trên phim truyền hình "Đi giữa trời rực rỡ" khá tốt.
Hóa thân thành một nhân vật ngỗ nghịch, gai góc, nhưng bên trong không thật sự là người xấu, cũng không sợ bị khán giả ghét, tôi nghĩ là Võ Hoài Vũ có khả năng diễn xuất và cả sự nhiệt tình khi nhập vai".
Ban đầu, "Đi giữa trời rực rỡ" dự kiến phát sóng 100 tập thay vì chỉ 58 tập. Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cho biết bộ phim kết thúc ở tập 58 nằm trong kế hoạch ban đầu của nhà sản xuất, chứ không phải rút ngắn do chỉ trích của khán giả liên quan đến kịch bản hay diễn xuất của diễn viên. Theo như fanpage "Đi giữa trời rực rỡ", bộ phim dự kiến sẽ có phần 2 nhưng chưa ấn định ngày bấm máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận