Du lịch

Di tích lịch sử cấp quốc gia sắp thành... phế tích

13/11/2018, 07:25

Di tích lịch văn hóa cấp Quốc gia - đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi ở xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn...

22

Đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi bị xuống cấp

Được biết, đây là ngôi đền cổ có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tôn thờ thày dạy học cho hai vị vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông.

Di tích bị… lãng quên

Đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi là một trong những ngôi đền cổ lâu đời và độc đáo đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 1990. Trải qua bao nhiêu thăng trầm thời gian, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi tọa lạc giữa một khu đất rộng, xung quanh là đồng ruộng bao bọc bởi những tán cây rậm rạp. Từ con đường bê tông rộng chừng hơn 2m nối QL45 đến khu di tích khoảng hơn 400m. Ban đầu rất khó để hình dung ở đây tồn tại một ngôi đền cổ. Qua những chặng cây bạch đàn, một con đường đá lộ ra nối thẳng vào cổng đền với hình vòm trông rất cổ kính.

Đền được thiết kế bao gồm 2 vòng thành khép kín: Thành đất (thành ngoại) ở ngoài, thành đá (thành nội) phía trong. Bên trong thành nội có gian nhà thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi. Trong khuôn viên đền thờ còn có nhóm tượng chầu bằng đá như voi, ngựa... được tạc khắc theo lối tả thực rất sinh động, tượng võ sĩ, bia đá, thành giếng..., đặc biệt là cặp Rồng ổ (Rồng ấp) trên nóc cổng nghinh môn. Tất cả bị rêu phong, phủ dày bởi cỏ dại. Hai bức tường thành nội được xếp bởi đá nguyên khối cũng đã đổ sập gần như hoàn toàn.

Đi qua cổng nghinh môn, một khu nhà nhỏ với những hàng ngói vảy rồng cổ đang bị võng xuống. Quan sát kỹ cho thấy, các thanh xà bị mục, không còn khả năng chống đỡ, trụ cột chống đỡ cho khu nhà cũng bị mối xông vào tận lõi.

Theo người dân nơi đây cho biết, đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi được xây dựng năm 1617 niên hiệu Hoàng Định đời vua Lê Chính Tông (1600-1639) với diện tích 26.345m2. Đền được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc” có 2 vòng thành, kiến trúc đền bằng gỗ lim và đá. Đền được trùng tu 2 lần. Lần thứ nhất do con trai ông là Nguyễn Khải đứng ra tu sửa vào năm 1627 và lần thứ hai do cháu ngoại ông là Khắc Tuy cùng nhân dân 14 xã trong huyện Đông Sơn tu sửa vào năm 1631.

Bà Thiều Thị Hồng (50 tuổi, ngụ ở xã Đông Thanh) là người trông coi ngôi đền cho biết: “Ngôi đền ngày càng xuống cấp trầm trọng, cỏ mọc um tùm. Tôi trông coi ở đây cũng ngót nghét gần vài chục năm, những ngày rằm hay mùng 1 đều lên dọn dẹp và thắp hương. Rất mong Nhà nước quan tâm sửa chữa”.

Dự án trùng tu 53 tỷ vẫn còn trên giấy

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đông Thanh (huyện Động Sơn, Thanh Hóa) cho biết: “Trước kia con đường dẫn vào khu di tích rất lầy lội và hẹp nhưng sau này xã vận động nhân dân làm được con đường bê tông vào ngôi đền. Trước việc đền giờ xuống cấp, chúng tôi đã có nhiều văn bản, kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng trả lời. Năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt dự án trùng tu ngôi đền này với giá trị gần 53 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”.

Cũng theo ông Hải, tháng 6/2018, chính quyền địa phương đã huy động xã hội hóa được hơn 200 triệu đồng chỉnh trang thay mới 2 bàn thờ, lát lại nền sân và đường chính dẫn vào đền thờ. Đây cũng chỉ là mới tu sửa nhỏ để lấy lối ra vào thắp nhang khói.

Cụ thể, ngày 11/9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2973/QĐ-UBND phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đền thờ Nguyễn Văn Nghi với tổng mức đầu tư dự kiến là 52,625 tỷ đồng. Theo Quyết định này sẽ tu bổ, phục hồi gần như toàn ngôi đền như: Tu bổ Tiền điện, Tướng công môn và hệ thống tường thành ngoại, tường thành nội, tượng chầu, bia đá, giếng đá. Tôn tạo xây mới Bái đường, Hậu điện và các công trình kỹ thuật như cổng đền, nhà từ đền,…

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung Kiên, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Sơn cho hay: “Hiện nay, cấu trúc gỗ của khu nhà nối giữa chính điện và hậu điện của đền đã bị mối mọt, hệ thống tường thành đá, nền đá xập xệ. Hai bức tường đất và đá cuội bên ngoài bị đổ sập hoàn toàn. Trước khi công nhận di tích thì từ năm 1953 ngôi đền đã xuống cấp, gian nhà hiện nay đang đặt bàn thờ chính là gian nhà nối chứ không phải khu Bái đường ngày xưa. Trước thực trạng này, huyện đã có kiến nghị gửi lên Sở VH,TT&DL để trình UBND tỉnh, Bộ VH,TT&DL nhưng vẫn chưa được trùng tu”.

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc trùng tu tôn tạo đã có dự án nhưng lâu nay không có kinh phí để thực hiện. Trong chương trình mục tiêu năm nay, Bộ VH, TT&DL cũng đã bố trí cho hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng hỗ trợ thêm kinh phí để sớm thực hiện việc trùng tu, tôn tạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.