Hong Kong đang đứng trước thử thách lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây khi chứng kiến số lượng công ty và cá nhân tuyên bố phá sản tăng liên tiếp trong năm nay vì phải gồng gánh từ khủng hoảng chính trị, kinh tế và nay là dịch bệnh Covid-19.
Những con số tiêu cực tiếp tục leo thang
Theo Viện Kiểm toán Công chứng Hong Kong (HKICPA), từ đầu năm 2020, các cá nhân và công ty tại Đặc khu hành chính Hong Kong đang đối mặt với “hàng loạt vấn đề” nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Ông Johnson Kong Chi-how, Chủ tịch HKICPA cho biết: “Tôi dự đoán, tình hình hiện tại tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng trước như dịch bệnh Hội chứng Đường hô hấp Sars năm 2003 vì chúng tôi cũng vẫn đang đối mặt với vô vàn vấn đề dai dẳng hơn 1 năm nay, từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bất ổn xã hội và nay là dịch Covid-19”.
Chủ tịch của tổ chức đại diện cho 45.000 nhân viên kế toán khẳng định: “Từ năm ngoái, khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung và bất ổn xã hội gây ảnh hưởng tới nền kinh tế đại lục và khu tự trị Hong Kong, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công ty đứng trước nguy cơ thanh lý và tái cơ cấu”.
Năm 2019, số vụ phá sản cá nhân tại Hong Kong tăng 9% lên tới 8.151 vụ, còn số vụ phải bán thanh lý doanh nghiệp tăng 14% lên 419 vụ, theo dữ liệu từ Văn phòng Tiếp quản Pháp định của Hong Kong. Dự kiến, hai con số này sẽ còn leo thang.
So sánh với các cuộc khủng hoảng trước, có thể thấy, hai tỉ lệ tiêu cực trên đang chứng kiến mức tăng thường niên cao nhất kể từ năm 2009. Lúc đó, số vụ phá sản tăng 36% lên 15.784 vụ còn số vụ thanh lý tăng 22% lên 759 trường hợp.
Khi xảy ra dịch Sars năm 2003, Hong Kong chứng kiến số công ty phá sản tăng 1,4% lên 1.451 vụ nhưng tỉ lệ phá sản cá nhân lại giảm 18% xuống 22.092 vụ so với mức cao nhất mọi thời đại (26.922 vụ trong năm 2002).
Quay trở lại tình hình lúc này, xu hướng các công ty đóng cửa tăng nhanh đã đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên mức cao hơn 3,4% chỉ trong 3 tháng, kết thúc vào tháng 1 vừa rồi.
Các nhà phân tích cho rằng, tình hình thất nghiệp tại Hong Kong đang rất đáng ngại vì không như nhiều quốc gia khác như Mỹ hay tại châu Âu vốn có những phúc lợi thất nghiệp toàn diện, Hong Kong chưa hề có bất cứ cơ chế nào bảo vệ người thất nghiệp. Điều này sẽ làm giảm mức tiêu thụ và các ngân hàng có thể đối mặt với nợ xấu mức cao.
Ông Derek Lai Kar-yan, Phó chủ tịch Deloitte China, chuyên gia về thanh lý doanh nghiệp cho biết, lệnh cấm đi lại đẩy những công ty vốn đã khó khăn tài chính càng khó có thể tìm được chủ đầu tư. “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều công ty, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, đồ uống và thực phẩm, đề nghị tái cơ cấu nợ từ đầu năm 2019. Một số nhà đầu tư có hứng thú mua lại các công ty này nhưng chính lệnh cấm vì dịch bệnh Covid-19 đã khiến họ chần chừ”, ông Derek Lai Kar-yan nói.
Hiện tại, Hong Kong có 81 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 2 ca tử vong.
Giải pháp cho Hong Kong
HKICPA đã tổ chức một cuộc họp khẩn với nhà vận hành thị trường chứng khoán Hong Kong Exchanges and Clearing (HKEX) vào ngày 30/1 để bàn về việc mở rộng thời hạn báo cáo các công ty bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19 hoặc cho phép họ công bố lợi nhuận chưa kiểm chứng. HKEX đã ban hành một hướng dẫn vào ngày 4/2 vừa qua để cho phép xử lý dựa trên cơ sở đánh giá từng vụ việc.
Mặt khác, hôm nay (26/2), Cục trưởng Cục Tài chính Đặc khu hành chính Hong Kong, ông Trần Mậu Ba (Paul Chan) sẽ công bố ngân sách năm 2020 - 2021. Theo nhiều nhà bình luận như ông Mike Rowse - Giám đốc nghiên cứu Stanton Chase International, chủ trì một chương trình đối thoại qua radio và thường xuyên có nhiều bài phân tích sâu sắc trên truyền thông bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung cho rằng, đây thực sự là bài thử nghiệm cho bản lĩnh của ông Paul Chan khi kinh tế Hong Kong đang đứng trước cuộc khủng hoảng thực sự lớn.
Ông nhận định rằng, chính quyền Hong Kong không chỉ thiếu hụt tài chính mà còn sụt giảm nghiêm trọng về uy tín. Điển hình là việc chính quyền tuy ra thông báo chính thức nguồn cung nhu yếu phẩm cho Hong Kong đang ổn định nhưng thực tế đã xảy ra không ít vụ cướp có vũ khí chỉ vì những đồ vụn vặt như sản phẩm giấy vệ sinh.
Tuy vậy, chuyên gia Mike Rowse cho rằng, với sự thông minh sáng tạo gần như nhất thế giới, Hong Kong sẽ vượt qua khủng hoảng và ảnh hưởng chỉ kéo dài trong ngắn hạn.
Ông khuyến nghị chính quyền đặc khu cần đầu tư mạnh để thành phố vượt qua giai đoạn chuyển tiếp này nhưng theo hình thức một lần duy nhất chứ không phải các chương trình thường xuyên; thắt lưng buộc bụng các vấn đề khác để phục vụ tăng trưởng và tái cơ cấu về dài hạn; kiên trì chính sách lập lại hoà bình chính trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận