Xã hội

Dịch Covid-19 TP.HCM ngày 18/8:Hỗ trợ mỗi người lao động khó khăn 3,7 triệu

18/08/2021, 17:00

Covid-19 TP.HCM hôm nay 18/8 mới nhất: Ngoài mức hỗ trợ 3.710.000 đồng, người đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay (ngày 18/8) mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh - xuất viện và trường hợp tử vong được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Cập nhật tin tức Covid-19 TP.HCM ngày 18/8 mới nhất

TP.HCM vừa triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp do đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch do Sở LĐTB&XH TP.HCM ban hành, đối tượng được hưởng là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp… phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1/5 đến hết ngày 31/12/2021.

Đối tượng được hưởng hỗ trợ phải đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Thời gian chấm dứt HĐLĐ từ 1/5 đến hết ngày 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Mức hỗ trợ theo chính sách của Sở LĐTB&XH ban hành là 3.710.000 đồng/ người. Ngoài ra, người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người. Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ/cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Người lao động sẽ trợ nhận hỗ trợ 1 lần thông qua tài khoản ngân hàng hoặc chi trả trực tiếp nếu người lao động không có tài khoản.

Giám đốc Sở LĐTB&XH sẽ là người ký quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận quyết định của sở, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP thực hiện chi trả hỗ trợ kinh phí cho người lao động theo danh sách đã được phê duyệt.

Ứng dụng công nghệ để quản lý F0 tại nhà

Từ hôm nay (18/8), Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các đối tượng là F0.

Việc hỗ trợ các F0 đang cách ly tại nhà được triển khai bằng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ thông qua các kênh hỗ trợ như Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn; Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành; Mô hình các thầy thuốc tình nguyện của Đại học Y dược TP.HCM,… một cách nhanh chóng và kịp thời.

Cụ thể, các đơn vị sử dụng “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19” và “Hệ thống khai báo y tế điện tử” của Thành phố để theo dõi, cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà. UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện truy xuất và quản lý danh sách F0 đang cách ly tại nhà bằng chức năng “người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”.

Đồng thời, quản lý cả những người tự khai báo là F0 qua ứng dụng “khai báo y tế điện tử” do tự làm xét nghiệm, những người có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa được khám tầm soát qua báo cáo của Tổ Covid cộng đồng. Các trường hợp này phải được cập nhật đầy đủ thông tin và đặc biệt là điện thoại của người dân để phục vụ cho hỗ trợ điều trị.

Các Trạm Y tế lập “phiếu theo dõi sức khỏe” của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hàng ngày của người cách ly qua ứng dụng “Hệ thống khai báo y tế điện tử”. Qua phiếu này, nhân viên y tế nắm bắt các trường hợp F0 có triệu chứng, gọi điện thoại/nhắn tin để thăm hỏi và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ, kịp thời thông tin cho tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện đến vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị khi cần thiết.

Với các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần…) thì Đội Y tế lưu động (thuộc Trạm Y tế) đến thăm khám tại nhà để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng triển khai trợ lý ảo (chatbot) kết hợp với Tổng đài “1022” đáp ứng nhu cầu tư vấn cho người dân. Hệ thống sẽ được kết nối với mạng lưới thầy thuốc đồng hành để xử lý các trường hợp chatbot không thể trả lời được.

Để việc áp dụng được triển khai thuận tiện, Sở Y tế và các sở ngành liên quan đã tổ chức tập huấn cho các đơn vị tham gia; tổ chức nhân lực để vận hành, khai thác, đảm bảo hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động và được giám sát 24/7 để kịp thời hỗ trợ người dân.

img

Quận 6 đình chỉ một cán bộ tự ý ra giá tiêm vaccine

UBND quận 6 đã đình chỉ cán bộ này, giao vụ việc cho công an xử lý.Ngày 18/8, bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6, TP.HCM, thông tin đến báo chí về việc xử lý tiêu cực trong công tác tiêm vaccine tại điểm tiêm trường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 6, TP.HCM.

Theo đó, sáng cùng ngày, UBND quận 6 nhận thông tin phản ánh về việc ông Trương Mạnh Thảo, cán bộ trật tự đô thị tại phường 2, quận 6, có hành vi tự ý ra giá tiêm vaccine cho người có nhu cầu tại điểm tiêm trên.

UBND quận đã có công văn báo cáo sự việc lên UBND TP.HCM, Thường trực Quận ủy quận 6. Đồng thời, quận chỉ đạo Chủ tịch UBND phường 2 tạm đình chỉ công tác ông Trương Mạnh Thảo, tường trình làm rõ nội dung sự việc, kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan.

Quận cũng chuyển vụ việc cho Công an quận 6 tiến hành điều tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, UBND quận đã tổ chức nhiều phiên họp, chỉ đạo UBND 14 phường về việc lập danh sách, yêu cầu đảm bảo đúng đối tượng, việc tổ chức tiêm tuân thủ giãn cách và nguyên tắc 5K.

Hiện, việc tiêm vaccine Covid-19 cho người dân là hoàn toàn miễn phí. TP.HCM chưa có chủ trương và chưa cho phép tiêm vaccine dịch vụ, thu phí của người dân. TP.HCM đặt mục tiêu hết tháng 8, 70% người dân trên 18 tuổi tại TP.HCM được tiêm 1 mũi vaccine.

Có 17 ổ dịch đang diễn tiến

Hiện đang điều trị 32.667 bệnh nhân, trong đó: có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 16/8 có 2.561 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 78.150 bệnh nhân. Có 285 trường hợp tử vong trong ngày.

Điều tra, truy vết, khoanh vùng: Đã 4 ngày không phát sinh ổ dịch mới cần theo dõi. Hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.

Kết quả xét nghiệm phục vụ công tác điều tra, truy vết, mở rộng xét nghiệm: Kết quả xét nghiệm từ ngày 27/4 đến 17/8, đã lấy 1.269.843 mẫu, (trong đó có 770.237 mẫu đơn, 499.606 mẫu gộp), với 4.592.677 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 6.471 mẫu, trong đó có 6.056 mẫu đơn và 415 mẫu gộp.

Thành phố tiếp tục triển khai tiêm phủ vắc xin mũi 1; Tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú. Giám sát, chăm sóc sức khoẻ các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương.

Thành phố triển khai lấy mẫu xét nghiệm giám sát theo quy định. Phân loại các tổ dân phố, tổ nhân dân thành 4 nhóm: xanh, vàng, cam, đỏ và được tổ chức xét nghiệm theo quy định của UBND TP để giải phòng cùng sạch, đánh giá vùng nguy cơ, duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. F0 tại khu cách ly tập trung được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR lần 1 trong vòng 24 giờ khi được tiếp nhận và vào ngày thứ 7.

F0 cách ly tại nhà được lấy mẫu theo hướng dẫn của Sở Y tế. F1 tại khu cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà được lấy mẫu vào ngày 1 và ngày thứ 14 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 44.478 người, trong đó có 17.904 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.302 người.

Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.092 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 16.103 người.

Triển khai "ATM việc làm cộng đồng" và "ATM nhà trọ cộng đồng"

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 156.186 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Trung tâm Công tác Xã hội thanh thiếu niên vừa triển khai hoạt động kết nối, hỗ trợ người lao động nhập cư gặp khó khăn tại TP.HCM thông qua hình thức "ATM việc làm cộng đồng" và "ATM nhà trọ cộng đồng".

ATM nhà trọ sẽ kết nối, giới thiệu những người cần hỗ trợ chỗ ở với những người có nhà trọ cộng đồng và hỗ trợ thêm thực phẩm, nhu yếu phẩm. ATM việc làm sẽ làm cầu nối để người cần việc và người cần tuyển dụng gặp nhanh nhanh hơn, nhiều hơn.

Từ ngày 16/8, chương trình an sinh xã hội "Vòng Tay Việt - Sài Gòn" của đại diện 3 nhóm doanh nghiệp, hội doanh nghiệp và đoàn thể sẽ được thực hiện thông qua Trung tâm an sinh TP.HCM hỗ trợ 1 triệu suất ăn cho người dân gặp khó khăn đến giữa tháng 9/2021. Chương trình được thể hiện qua hai hình thức: phần quà nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến cho ba nhóm đối tượng chính gồm hộ nghèo trong các khu phong tỏa; công nhân mất việc, người lao động mất thu nhập và nhân viên y tế tuyến đầu khi đơn vị y tế có nhu cầu.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.HCM đã hướng dẫn triển khai xây dựng bài học trực tuyến, ghi hình tiết dạy bậc tiểu học trong 10 tuần đầu năm học cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, tập trung chủ yếu cho môn tiếng Việt và Toán. Thời lượng mỗi video clip không quá 15 phút đối với lớp 1, 2, những khối lớp còn lại không quá 20 phút. Riêng đối với môn tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể thiết kế một số bài theo hình thức làm quen, còn lớp 2 thì thiết kế thêm một số bài ôn tập.

5 điểm mấu chốt trong chống dịch ở TP.HCM

Ngày 17/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19, bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 và cấp cứu và điều trị theo mô hình tháp 3 tầng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý TP Hồ Chí Minh thực hiện 5 điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này, đó là:

Thứ nhất, Thành phố phải thực hiện giãn cách thật nghiêm.

Thứ hai, Thành phố phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra bên ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ ba, xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng.

Về xét nghiệm, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 86, có thể làm theo 2 hướng. Thứ nhất để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Thứ hai, Thành phố chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.

Ngày 20/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ thành phố, mỗi xe 2.000- 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP Hồ Chí Minh.

Thứ tư, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Thứ năm, vaccine là chiến lược lâu dài.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ người nghèo 28.000 tỉ và 142.200 tấn gạo

Văn bản kiến nghị của TP.HCM đưa ra trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, trong đó, nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế.

img

Lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi các hộ gia đình gặp khó khăn tại khu trọ 101/60 phường 9, quận 5

Để người dân, lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TP sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hỗ trợ từ ngân sách số tiền 28.000 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.

Đồng thời, có chính sách thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm… để người dân yên tâm tại chỗ, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Số tiền và gạo nói trên dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cụ thể, số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là 1.580.100 hộ, lao động nghèo 4.749.330 người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, gạo 15 kg/người.

TP.HCM là trung tâm của đợt dịch thứ 4, bùng phát, lây lan trong cộng đồng, số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng nhanh.

Dịch bệnh, kèm theo các đợt giãn cách đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, ảnh hưởng tốc độ thu ngân sách. Số thu ngân sách giảm dần, dự kiến sẽ không đạt dự toán Trung ương giao.

Trước đó, ngày 15/8, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức khẩn trương rà soát các trường hợp người dân khó khăn để nhanh chóng hỗ trợ.

Theo đó, tất cả người lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được TP.HCM hỗ trợ chỗ ở, lương thực và tiền mặt trong thời gian giãn cách, không cần phải trở về quê lúc này.

Thời gian được hỗ trợ là tháng 8 và 9, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

TP.HCM mong muốn ai có khó khăn đều được hỗ trợ để người dân yên tâm “ai ở đâu thì ở tại đó”, cùng với TP phòng chống dịch bệnh Covid-19.

F0 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng vọt

Theo số liệu cập nhật của Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, số lượng F0 được phát hiện ngoài cộng đồng tại TP.HCM tăng đột biến tại hầu hết quận, huyện.Trong ngày 17/8, quận Bình Thạnh ghi nhận số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất thành phố với 345 ca. Trong đó, 310 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện, chiếm gần 90% tổng số ca nhiễm toàn quận.

Xếp thứ 2 là quận Tân Bình với 332 ca mắc Covid-19. Trong đó, 259 người được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện, chiếm 78% tổng số ca trong ngày.

Quận 3 ghi nhận 269 ca, trong đó gần 82% là người nhiễm được phát hiện ngoài cộng đồng (220 ca). Địa bàn ghi nhận tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng cao nhất tại TP.HCM trong ngày 17/8 là huyện Hóc Môn. Huyện này có 197 ca mắc Covid-19 được công bố, trong đó 194 F0 ngoài cộng đồng, chiếm hơn 98%.

Quận Bình Tân cũng là điểm "nóng" nhất tại TP.HCM với tổng số ca mắc trong đợt bùng phát này là 13.492. Trong 24 giờ, toàn quận ghi nhận thêm 181 ca nhiễm, số lượng F0 ngoài cộng đồng chiếm hơn 96% (174 ca).

Gò Vấp ghi nhận 187 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, số lượng F0 ngoài cộng đồng và qua tầm soát tại bệnh viện là 165 người, chiếm hơn 88%. Tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng được phát hiện trong ngày của huyện Bình Chánh cao đến 96% (48/50 ca).

Bên cạnh đó, một địa phương có tổng số bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 thấp nhưng số lượng F0 ngoài cộng đồng khá cao. Điển hình quận Phú Nhuận có 28 ca Covid-19 được công bố, tất cả đều là F0 được ghi nhận qua tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện.

Các quận, huyện còn lại bao gồm quận 11, quận 7, quận 6, quận 4..., cũng có tỷ lệ F0 trong cộng đồng rất cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.