Sáng nay, 30/8, nhiều shipper ở TP.HCM đã được các trạm y tế lưu động tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19 để bắt đầu hoạt động trở lại tại 8 "vùng đỏ".
Theo Sở Công Thương TP.HCM đã công khai danh sách 400 trạm y tế lưu động tại 312 phường, xã, thị trấn (phân theo từng quận, huyện, TP Thủ Đức và có địa chỉ cụ thể) để shipper xét nghiệm được thuận tiện nhất.
TP.HCM chủ trương xét nghiệm miễn phí cho các shipper
Song song đó, Sở Công Thương TP.HCM còn cung cấp đường link trên cổng thông tin của sở: http://congthuong.hochiminhcity.gov.vn/tra-cuu-shipper để các shipper có thể chủ động kiểm tra xem mình có được hoạt động hay không.
Cũng trong sáng 30/8, một số hệ thống bán lẻ ở TP.HCM cho biết đã có kế hoạch làm việc với các công ty giao hàng công nghệ nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng đến người dân, giải toả bớt đơn hàng tồn trong từ tuần trước. Bên cạnh đó, xem xét mở lại kênh bán hàng online (đối với những đơn vị đang tạm ngưng khai thác kênh online như Aeon, LOTTE Mart, MM Mega Market) để tiếp nhận đơn đặt hàng của khách hàng cá nhân.
Theo tính toán của Sở Công Thương TP.HCM, trong tổng số khoảng 17.449 shipper đã tiêm mũi 1 trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tính đến 0 giờ ngày 28/8, dự kiến TP có thể huy động được 25.000 shipper tham gia vận chuyển, giao nhận hàng trong thời gian TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội.
Sở Công Thương TP.HCM đang làm việc với các doanh nghiệp quản lý shipper, yêu cầu cung cấp danh sách thực hiện nghiêm các điều kiện về tiêm vắc xin phòng Covid-19 và xét nghiệm nhanh âm tính để được hoạt động.
TP.HCM: Thêm 2.246 bệnh nhân Covid-19 xuất viện
TP.HCM đang điều trị cho 40.259 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 người đang thở máy và 15 người can thiệp ECMO
Trưa 30/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay TP đã triển khai việc xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn, tập trung rà soát tại các "vùng cam", "vùng đỏ", song song với việc yêu cầu người dân tự lấy mẫu xét nghiệm với sự giám sát của nhân viên y tế. Số ca phát hiện mới trong 7 ngày qua tăng cao, bình quân mỗi ngày 4.740 ca.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cứu chữa các bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực đặt ở Bệnh viện Quốc tế City (Ảnh: Mạnh Cường)
Tính đến thời điểm này, TP.HCM có 210.425 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 209.980 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh.
Các bệnh viện ở TP HCM hiện điều trị 40.259 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 người đang thở máy và 15 người can thiệp ECMO. Trong ngày 28/8, TP có thêm 2.246 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số người xuất viện đến nay là 104.844 bệnh nhân.
Theo HCDC, nguyên tắc của tiêm vaccine phòng Covid-19 là dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân. Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 28/8 là 5.865.276(tăng 58.286 mũi so với ngày 27/8). Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.577.285, mũi 2 là 287.991; số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 632.073.
TP HCM tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực "vùng đỏ" và "vùng cam". Khu vực "vùng xanh" và "vùng vàng" sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho "vùng vàng" và mẫu gộp 10 cho "vùng xanh"; tần suất 7 ngày/1 lần. Việc test nhanh tại nhà được thực hiện với sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng y tế.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR, đến 29/8, TP đã lấy 1.515.347 mẫu với 5.396.474 người. Tổng số mẫu chưa có kết quả là 12.961, gồm 8.310 mẫu đơn và 4.651 mẫu gộp.
Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 85.298 người, trong đó 60.581 trường hợp cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.717 trường hợp sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 22.245 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 2.851; số F1 đang được cách ly tại nhà là 19.217 người.
Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9, dặn dò các bộ chiến sĩ trước khi xuất quân vận chuyển nông sản. Ảnh: Châu Sa.
Quân khu 9 tiếp tục hỗ trợ 50 tấn củ, quả cho TP.HCM
50 tấn củ, quả và 50.000 quả trứng được Quân khu 9 thu mua tại các tỉnh miền Tây, sau đó vận chuyển đến hỗ trợ cho người dân tại TP.HCM.
Sáng 30/8, tại TP Cần Thơ, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng, tổ chức lễ xuất quân vận chuyển nông sản, thực phẩm tặng người dân tại TP.HCM.
Theo Quân khu 9, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, TP.HCM là tâm điểm, số ca nhiễm nCoV lây lan trong cộng đồng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân.
Tại lễ xuất quân, Quân khu 9 đã tặng 50 tấn củ, quả và 50.000 quả trứng đã thu mua tại các tỉnh miền Tây, trị giá hơn 550 triệu đồng.
17 xe tải của Quân khu 9 đã vận chuyển số nông sản, thực phẩm trên đến Quân khu 7, phân phối cho người dân TP.HCM.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quân khu 9, khẳng định đợt xuất quân là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết gắn bó quân dân, tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 hướng về người dân TP.HCM.
Phó tư lệnh Quân khu 9 yêu cầu cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ và tận tâm, tận lực, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, lực lượng tổ chức vận chuyển nhanh, hiệu quả nhất.
“Quá trình vận chuyển phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và phương tiện, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, giữ nghiêm kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thiếu tướng Triều nhấn mạnh.
Theo Quân khu 9, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ, hỗ trợ người dân TP.HCM.
Tính đến nay, Quân khu 9 đã hỗ trợ TP.HCM 200 tấn gạo, 75 tấn thịt, cá, 1 tấn cá khô, 217 tấn rau, củ, quả và nhu yếu phẩm các loại, trị giá trên 45 tỷ đồng.
Trước đó, Quân khu 9 đã tăng cường 15 xe cứu thương và 32 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Hôm nay (30/8), TP.HCM cho phép shipper được hoạt động
Tối 29/8, UBND TP.HCM có văn bản cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) theo danh sách của Sở Công Thương được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, TP Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đối với shipper lưu thông thời gian giãn cách ở 8 quận, huyện vùng đỏ phải được tiêm 1 mũi vaccine. Ảnh: Zing
Trong văn bản có hướng dẫn chi tiết về đối tượng và phạm vi hoạt động. UBND TP.HCM giao Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp quản lý shipper yêu cầu cung cấp danh sách thực hiện nghiêm các điều kiện tiêm ngừa, vaccine phòng chống Covid-19 và xét nghiệm nhanh âm tính để được hoạt động.
Cụ thể, đối với shipper lưu thông trong thời gian giãn cách ở 8 quận, huyện vùng đỏ (TP Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) phải đảm bảo đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và được test nhanh hàng ngày (mẫu gộp 3) từ 5 đến 6h. Việc này được thực hiện, giám sát bởi lực lượng quân y ở các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã.
Tại 14 quận, huyện còn lại, shipper đang hoạt động phải đảm bảo được xét nghiệm 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người do lực lượng quân y ở các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã thực hiện.
UBND TP cũng giao Công an TP thống nhất với Sở Công Thương về phương án hoạt động của lực lượng shipper (chỉ hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức), kiểm tra thường xuyên hoạt động của shipper nêu trên theo hình thức kiểm tra là tra cứu trực tuyến, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Đồng thời chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, chịu trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng có liên quan kiểm tra hoạt động của các shipper đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Đặc biệt, UBND TP thống nhất giao Công an TP cấp bổ sung cho Sở Công Thương khoảng 20.000 giấy đi đường của các nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm các lực lượng chuẩn bị đơn hàng và thực hiện các gói combo, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.
Lực lượng này cũng phải đảm bảo tiêm ít nhất một mũi vaccine, xét nghiệm 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời gian thực hiện nội dung chỉ đạo nêu trên bắt đầu từ ngày 30/8 đến khi có thông báo mới.
Phải hoàn thành xét nghiệm vùng đỏ - cam đợt 2 ngày 1/9
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết TP đã trải qua hơn 7 ngày thực hiện công điện 1099 và chỉ thị 11 của UBND TP.
Hầu hết các địa phương đã hoàn thành xét nghiệm vùng cam và vùng đỏ. Riêng với vùng xanh, cận xanh và vàng, việc xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ và đến hết ngày 30-8 phải hoàn thành xét nghiệm đợt 1.
Sau khi kết thúc đợt 1, các vùng này chuyển sang đợt 2 và phải hoàn thành trước ngày 6/9 để phân loại lại các vùng nguy cơ. Đối với vùng đỏ và vùng cam phải hoàn thành xét nghiệm đợt 2 vào ngày 1/9. TP.HCM đồng thời hướng dẫn rộng rãi để tăng tỉ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu.
Sở TT&TT TP.HCM cho biết lực lượng tổng đài viên từ MobiFone và Viettel đến tăng cường đã giúp nâng cao năng lực tiếp nhận của tổng đài 1022, kịp thời hỗ trợ thông tin người dân cần hỗ trợ khi gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Từ ngày 29/8, tổng đài 1022 đã bổ sung phương thức tiếp nhận thông tin y tế, an sinh của người dân bên cạnh cách thức gọi điện. Người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi đề nghị qua ứng dụng Zalo (1022 TP.HCM) hoặc qua ứng dụng "Tổng đài 1022".
Theo ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở TT&TT, khi người dân sử dụng điện thoại thông minh gửi thông tin phản ánh qua các kênh trên sẽ giúp giảm lưu lượng gọi trực tiếp đến tổng đài 1022, giảm nghẽn mạng.
"Hãy dành kênh gọi điện thoại 1022 cho trường hợp khẩn cấp, người không có điện thoại thông minh, người già hoặc người khó có điều kiện tiếp cận công nghệ để tất cả đều được hỗ trợ" - ông Cường nói.
TP. Thủ Đức thành lập 3 bệnh viện dã chiến
UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) vừa công bố thành lập 3 bệnh viện dã chiến số 1, 2, 3. Ba bệnh viện dã chiến này chịu sự điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và UBND TP.Thủ Đức. Đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế.
Theo đó, bệnh viện dã chiến số 1 được đặt tại Block A Chung cư Bình Minh, đường số 1, khu phố 4, phường Linh Trung, có quy mô 1.500 giường. Trong đó có 100 giường hồi sức cấp cứu với 350 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức kiêm Giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 cùng 2 Phó Giám đốc là bác sĩ Nguyễn Lan Anh và bác sĩ Kim Phúc Thành.
3 bệnh viện dã chiến bắt đầu hoạt động từ ngày 29/8
Bệnh viện dã chiến số 2 được đặt tại KTX Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM, số 103 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B có quy mô 800 giường. Trong đó, có 60 giường hồi sức cấp cứu với 200 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.
Bác sĩ Kiều Ngọc Minh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2 cùng 2 Phó Giám đốc là bác sĩ Trần Công Trường và bác sĩ Nguyễn Sơn Thái Thông.
Bệnh viện dã chiến số 3 được đặt tại Chung cư C8 Man Thiện, đường D2, khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú A có quy mô 800 giường. Trong đó, có 20 giường hồi sức cấp cứu với 200 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.
Bác sĩ Nguyễn Khoa Lý, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 cùng 2 Phó Giám đốc là bác sĩ Nguyễn Hồng Hạnh và bác sĩ Lương Thị Mỹ Hoa.
Việc UBND TP.Thủ Đức ra quyết định thành lập 3 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 trong thời điểm này sẽ giúp ngành y tế TP cứu sống được nhiều bệnh nhân, hạn chế các ca bệnh chuyển biến nặng.
TP.HCM phát hiện gần 64.300 F0 sau 7 ngày test nhanh
Chiều 29/8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác chống dịch trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM cho biết, tính hết 27/8, hầu hết các quận huyện đã hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm ở "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao) và "vùng cam" (nguy cơ cao). Riêng "vùng xanh", "cận xanh" và "vùng vàng" (khu vực ít nguy cơ) công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ.
Vì vậy, UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương tăng tốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh hơn. Thời gian tới, Chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm với yêu cầu phải hoàn thành lấy mẫu ở các "vùng xanh", "cận xanh" và "vùng vàng" phải hoàn thành lấy mẫu đợt 1 trước ngày 30/8. Đợt 2 phải hoàn trước ngày 6/9 để phân loại vùng nguy cơ.
Đối với "vùng đỏ" và "vùng cam", thành phố yêu cầu hết ngày 1/9 phải hoàn thành việc lấy mẫu đợt 2. Các địa phương được yêu cầu tuyên truyền để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu. Mỗi phường xã phải phân công nhân sự làm số liệu, không giao cán bộ y tế để những người này tập trung chuyên môn.
Lực lượng bộ đội tiếp tục đi chợ hộ người dân vùng dịch
Ngoài ra, ông Hải cho biết thời gian tới, thành phố sẽ cử đoàn công tác với tổng cộng 754 cán bộ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại 22 quận, huyện. Mỗi phường, xã được phân công 2 người. Riêng tại 5 quận, huyện: 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh, mỗi phường xã 3 người.
Tính đến ngày 29/8, TP HCM đang điều trị 40.259 bệnh nhân Covid-19; hôm qua có 2.246 xuất viện, tổng cộng đến nay có 104.844 người được xuất viện; 256 người tử vong, tổng cộng từ 1/1 đến nay 8.624 người tử vong vì Covid-19.
Về tiến độ tiêm vaccine, tính đến ngày 28/8, có hơn 5,8 triệu người đã trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố đã được tiêm, riêng hôm qua là hơn 58.200 mũi.
Theo ông Hải, 7 ngày qua đại đa số người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội. Tuy nhiên, còn một số trường hợp vẫn vi phạm ra đường không có lý do chính đáng, cơ quan chức năng đã lập biên bản gần 6.300 người với tổng mức phạt hơn 8 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận