Có thể tự hào về tăng trưởng GDP
- Nhìn lại kinh tế năm 2023, ông muốn nói điều gì?
Năm 2023, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu vượt qua đáy và phục hồi chậm khi mức tăng trưởng ở ngưỡng 2,9 - 3%, các nước đang phát triển tăng trưởng 4%. Trong đó, Mỹ ở mức 2,1%, EU mức 0,7%, Nhật Bản 2%, Trung Quốc 5%, Hàn Quốc 1,4%, Thái Lan 2,7%. Malaysia 4%...
Với độ mở đã lên tới 200% GDP, nền kinh tế Việt Nam đang trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.
Thực tế, dấu hiệu phục hồi của Việt Nam đến từ quý III khi kinh tế thế giới "ấm" dần lên. Dù chưa đạt mục tiêu đề ra là 6,5% song xét trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta có thể tự hào khi giữ vững vị trí Top 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng. Đó là mục tiêu mà nhiều quốc gia trên thế giới kỳ vọng.
- Xét trên 3 trụ cột tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn tăng trưởng chưa được như kỳ vọng?
Nguyên nhân tác động lớn nhất là sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài, cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Những tháng đầu năm 2023, toàn ngành công nghiệp chứng kiến sự suy giảm mạnh với tốc độ tăng trưởng âm 6,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%. Sự suy giảm này xảy ra ở diện rộng, nhất là các địa phương đóng góp nguồn thu lớn, kéo theo vấn đề lớn về lao động, việc làm. Đây là điều chưa từng xảy ra trong cùng kỳ suốt 20 năm qua.
Chỉ số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng thấp, chỉ đạt khoảng 10%, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 20%. Nếu trừ đi lạm phát, doanh số bán lẻ hàng hóa chỉ đạt 7%.
Xuất khẩu đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023 với mức giảm tới 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của nền sản xuất trong nước.
Trong khi xuất khẩu các mặt hàng chủ lực phụ thuộc nhiều vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, các thị trường này lại chịu tác động mạnh từ áp lực lạm phát dẫn đến thắt chặt chi tiêu, giảm tổng cầu, giảm nhập khẩu. Chưa kể hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước khác.
- Ngoài việc gặp khó khăn do tác động từ bên ngoài, theo ông, những yếu tố nội tại nào khiến xuất khẩu gặp khó?
Nhiều đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng tiêu dùng bị cắt giảm tới 30%, nhiều doanh nghiệp không kí được đơn hàng mới do áp lực lạm phát từ nhiều quốc gia. Những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như thị trường EU 10 tháng năm 2023 bị giảm tới 50%. Dệt may, da giày là những ngành hàng chịu tác động nhiều nhất.
Còn trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với áp lực tài chính, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Bên cạnh các giải pháp về điều hành, giải pháp trọng tâm nhất là nâng cao năng lực của bộ máy Nhà nước cả về phương diện kỷ luật công vụ và động lực làm việc. Nếu không làm được điều này mọi biện pháp khác trở nên vô nghĩa, không có mấy hiệu quả.
TS Lê Xuân Nghĩa
Riêng với chế biến hàng nông, thủy sản xuất khẩu, yêu cầu về chất lượng hàng hóa vào các thị trường đối tác ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn.
Xuất khẩu giảm cũng khiến nhập khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam vẫn ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với thặng dư 26 tỷ USD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đầu tư công, thu hút FDI, nông nghiệp là điểm sáng
- Nhiều ý kiến cho rằng, năm qua chúng ta đã phải "lội dòng nước ngược" nhưng cũng cho thấy những điểm sáng rõ nét. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Trong các trụ cột quan trọng của tăng trưởng, điểm sáng nhất chủ yếu là từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư công và nông nghiệp.
FDI (thực hiện) tăng nhẹ, dự kiến khoảng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, FDI đăng ký tăng nhanh, khoảng 15% so với cùng kỳ, cho thấy lòng tin của nhà đầu với môi tường đầu tư Việt Nam rất cao và triển vọng tiếp tục khả quan.
Còn đầu tư công tăng trưởng khá ấn tượng với khoảng 23% so với cùng kỳ, trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế năm nay.
Đối với nông nghiệp, thặng dư thương mại kỷ lục 8 tỷ USD cũng là một trong những điểm sáng nhất.
- Ông dự báo thế nào về tình hình năm 2024? Liệu đà phục hồi năm 2024 có diễn ra mạnh mẽ hơn năm 2023 và đâu sẽ là các động lực tăng trưởng chính?
Dự báo năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục đi ngang hoặc chuyển động nhẹ nhưng nguy cơ suy thoái sẽ không còn, do kinh tế vĩ mô đang được ổn định khá tốt. Động lực tăng trưởng tiếp tục sẽ là đầu tư công, thu hút FDI và nông nghiệp.
Đầu tư công dự báo tiếp tục tăng mạnh nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, từ kinh nghiệm năm 2023. Vốn FDI thực hiện sẽ tăng cao hơn, do vốn đăng ký tăng khá cao (đăng ký cấp mới năm 2023 tăng hơn 50% so với năm 2022).
Ngoài ra, nông nghiệp vẫn tiếp tục là điểm sáng khi có thêm nhiều mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ngược lại, một số rủi ro có thể có, chủ yếu là do giá nhiên liệu có thể biến động. Tuy nhiên, điểm nghẽn đáng lo nhất là đầu tư khu vực tư nhân giảm mạnh (ước giảm 20% so với năm ngoái) và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Do nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn thấp nên tăng trưởng tín dụng đạt thấp, dự kiến khoảng 10% cả năm (trung bình hằng năm 14%) - đây là năm có tăng trưởng tín dụng thấp nhất từ trước đến nay (trừ thời điểm Covid-19).
Đây là 2 điểm nghẽn cần rất thận trọng khi đưa ra các chính sách cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa về mọi mặt
Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, xuất khẩu… đã trải qua một năm đầy thử thách. Nhìn lại năm qua, theo ông, giải pháp đột phá là gì để chúng ta có thể vượt khó đi lên?
Năm 2023, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành, thực thi một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với khoảng 150.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những điểm nghẽn đã phân tích ở trên cho thấy bên cạnh việc thúc đẩy những động lực tăng trưởng, cần thêm những chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa về mọi mặt, nhất là lĩnh vực bất động sản và mua sắm tiêu dùng, tài trợ cho an sinh xã hội…
Kênh đầu tư có thể làm thay đổi cục diện bế tắc hiện nay là phát triển nhà ở giá rẻ, để thu hút vốn đầu tư vào tiêu dùng. Điều này cũng có mức lan tỏa nhanh đối với ngành xây dựng, vật liệu, nội thất, đồ gia dụng. Đồng thời, tạo ra cơ hội để phát triển đô thị mới trên trục cao tốc Bắc - Nam.
Đây là cơ hội phục hồi lại thị trường bất động sản lành mạnh bền vững. Tuy nhiên vấn đề này đang bị tắc ở thủ tục pháp lý, do đó cần được sớm tập trung tháo gỡ.
Giải pháp thứ 2 là tài trợ cho an sinh xã hội, tài trợ cho công nghiệp xanh, ví dụ như chuyển đổi sang phương tiện điện, đầu tư hạ tầng nông thôn, miền núi... Bài học từ Trung Quốc và Mỹ, người dân mua xe điện được chính phủ tài trợ tương đương 7.000 USD/xe. Còn Thái Lan, chính phủ dùng 16 tỷ USD để phát cho các gia đình nhằm kích thích tiêu dùng…
Vì vậy, Việt Nam nên có gói tài trợ từ ngân sách với các mục tiêu nói trên, tập trung vào 2 lĩnh vực xanh và chuyển đổi số.
Còn về đầu tư công, cần thúc đẩy những dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tạo động lực.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận