Điện ảnh

Điện ảnh Việt 2019: “Câu lạc bộ giải cứu phim Việt” có thêm thành viên

24/12/2019, 14:43

“Giải cứu phim Việt” là câu được nhắc tới nhiều khi nói về điện ảnh Việt năm 2019.

img
Chị chị em em là một bộ phim được kỳ vọng trong mùa phim Việt cuối năm

Những ngày cuối năm, làng phim xứ Việt rộn ràng với cuộc đối đầu của hai bộ phim Việt là Mắt biếc (đạo diễn Victor Vũ) và Chị chị em em (đạo diễn Kathy Uyên). Nhiều người cho rằng, hai bộ phim như một cái kết ngọt ngào để lấy lại phong độ cho điện ảnh Việt năm 2019 đầy biến động. Ở đó, có vô số phim bị thất bại lặng lẽ ra rạp và lặng lẽ “out”, cũng có nhiều phim mang về doanh thu tốt, đáng nói là có cả những tiếng “kêu cứu” đầy xót xa và tranh cãi.

“Câu lạc bộ giải cứu phim Việt” có thêm thành viên

Câu chuyện “giải cứu phim Việt” lần đầu được nhắc đến là trong năm 2018 với bộ phim Lật mặt: Ba chàng khuyết100 ngày bên em. Hai bộ phim được công chiếu vào cùng thời điểm với với “bom tấn” Avenger: Cuộc chiến vô cực nên đã hoàn toàn lép vế trên sân nhà dù chất lượng của hai bộ phim đều nhận được những phản hồi tích cực. Xuất phát từ điều đó, một phong trào mang tên Giải cứu phim Việt xuất hiện trên mạng xã hội, nhằm kêu gọi khán giả Việt ủng hộ phim Việt.

Trong năm 2019, cụm từ này xuất hiện nhiều hơn và gây ra những tranh cãi trái chiều từ cả dư luận lẫn người trong nghề. Số “thành viên mới” kêu cứu gồm Yolo: Bạn chỉ sống một lần; Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi; Thưa mẹ con điNgốc ơi tuổi 17. Trong số các bộ phim ấy, có phim nhận được nhiều lời khen ngợi về chất lượng như Thưa mẹ con đi, được đánh giá là tác phậm tròn trịa nhẹ nhàng, nhiều cảm xúc.

img
"Ngốc ơi tuổi 17" là một trong những bộ phim gây xôn xao khi NSX Dung Bình Dương kêu gọi giải cứu phim

Ai cũng có những lý do của mình khi lên tiếng kêu gọi khán giả “cứu” phim của mình, nhưng ngày càng nhiều người làm phim kêu gọi giải cứu phim Việt lại tạo nên hiệu ứng ngược, khiến khán giả dần ngán ngẩm. Không ít ý kiến cho rằng, các nhà làm phim cần phải chấp nhận sự cạnh tranh, có cạnh tranh mới thúc đẩy được điện ảnh phát triển. Không thể vì lấy cớ “phim Việt” để bắt khán giả lựa chọn “cứu” một tác phẩm nếu nó không xứng đáng. Và nếu đó là một bộ phim tốt, chắc chắn khán giả sẽ không bỏ lỡ.

Về điều này, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của bộ phim Thưa mẹ con đi đã thẳng thắn cho rằng, một bộ phim có đến được khán giả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chất lượng của bộ phim là điều kiện tiên quyết, nhưng ngoài ra còn có chiến lược truyền thông, tên tuổi của diễn viên... Với những bộ phim được sản xuất độc lập đa phần có kinh phí thấp hơn mặt bằng chung, nhưng không vì thế mà kinh phí tỷ lệ thuận với chất lượng. Chi phí cho PR cũng không thể cao nên nhà làm phim buộc phải tham gia rất nhiều công đoạn khác.

img
"Thưa mẹ con đi" được đánh giá tốt nhưng vẫn phải "kêu cứu"

“Ai có quyền cấm nhà làm phim sử dụng vũ khí cuối cùng, đó là kêu gọi bạn bè và khán giả của mình xem ngay khi cần trên trang cá nhân của mình? Họ chẳng xin xỏ hay bắt ép được ai? Nếu khán giả, những người đã xem, đã tin tưởng vào bộ phim không cảm thấy thỏa đáng, liệu lời kêu gào có lan tỏa đến vậy? Xin đừng đánh đồng một quyền chính đáng, một tiếng nói nhỏ của những nhà làm phim mới, ít cơm áo gạo tiền về kinh phí sản xuất và quảng bá với sự xin xỏ, xin lòng thương hại”, anh tâm sự.

Phim doanh thu trăm tỷ, phim thảm họa cũng đầy

Năm qua, phim điện ảnh Việt có tới 44 phim ra rạp, nhiều hơn năm 2018 3 phim. Ngoài sự tăng lên về số lượng, nội dung và đề tài cũng trở nên đa dạng hơn. Không chỉ có phim thanh xuân, học đường, nhiều đề tài khác về cuộc sống, tình yêu, tình cảm gia đình, tuổi trẻ, ma cà rồng, kinh dị… đều được khai thác. Ngoài ra, 2019 cũng đánh dấu sự xuất hiện của nhiều đạo diễn lần đầu “chạm ngõ” phim điện ảnh như Trịnh Đình Lê Minh, Chung Chí Công, Trần Nhân Kiên, Trần Hữu Tấn, Huỳnh Lập… mang tới những bộ phim độc lập mới mẻ, phong phú.

Dẫu vậy, điện ảnh vẫn là cuộc chơi “khó nuốt” bởi không phải bộ phim nào cũng thắng doanh thu phòng vé. Không khó để tìm thấy những tác phẩm bị đánh giá là bộ phim đáng quên như Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Yolo - Bạn chỉ sống một lần, Cậu chủ ma cà rồng, Cà Chớn anh đừng đi, Thiên sứ không phép màu

img
"Xóm trọ 3D: Cung tâm kế" được coi là một bộ phim "thảm họa"

Hay có những phim công chiếu và lặng lẽ rời rạp trong tình cảnh nhiều khán giả còn không biết tới sự tồn tại như Tìm chồng cho mẹ, Ngốc ơi tuổi 17, Tình đầu thơ ngây. Cũng vì thế, dù các bộ phim này không công bố doanh thu nhưng theo một số nguồn tin, có bộ phim công chiếu 1 tuần nhưng doanh thu mang về chưa tới 1 tỷ đồng.

Tuy vậy năm qua, đã có những phim mang tới những tín hiệu khởi sắc cho điện ảnh Việt. Ngay từ đầu năm 2019 là cuộc rượt đuổi về thành tích phòng vé của hai tác phẩm Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung) và Hai phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt). Cua lại vợ bầu do Trấn Thành và Lan Ngọc cán mốc doanh thu với 191,8 tỷ đồng, vươn lên vị trí dẫn đầu phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, phim Hai Phượng do Ngô Thanh Vân sản xuất và đóng chính vươn lên mốc doanh thu 200 tỷ đồng, chiếm ngôi vị đầu bảng doanh thu. Cả Hai phượngCua lại vợ bầu đều được nhận xét là cân bằng được giữa yếu tố thương mại và nghệ thuật. Đây cũng là hai bộ phim giành được nhiều giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 21 vừa diễn ra cách đây không lâu.

img
"Hai Phượng" cán mốc doanh thu 200 tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu phim Việt có doanh thu lớn nhất mọi thời đại

Tình trạng phim Việt và mùa hè và giữa năm 2019 tương đối ảm đạm cho tới mùa phim cuối năm. Năm nay, các bộ phim kinh dị đã giành lại được vị thế sau thời gian thất bát vào năm 2018 và liên tục có được những thành tích riêng. Theo Box office Vietnam, Bắc kim thang mang về gần 38 tỷ đồng, Pháp sư mù đạt 49,8 tỷ đồng, trong khi Thất sơn tâm linh thu được 44,2 tỷ đồng. Đây đều là những bộ phim có hiệu ứng khá tốt khi ra rạp và mang tới niềm tin cho khán giả vào phim kinh dị Việt Nam.

Thị hiếu của khán giả vẫn khó lường nhưng nhìn chung, từ những kết quả của điện ảnh Việt có thể thấy, dường như những phim “mỳ ăn liền” không còn đất sống khi các bộ phim thuộc dạng này đều thất bại tại rạp chiếu. Các tác phẩm có sự đầu tư chỉnh chu hơn thường có được những thành tích, dù doanh thu chưa thực sự cao nhưng vẫn ở mức ổn định.

img
"Mắt biếc" vẫn đang là bộ phim tạo nên một "cơn sốt" phòng vé vào cuối năm 2019

Thời điểm hiện tại, cuộc chiến của hai tác phẩm Mắt biếcChị chị em em được kỳ vọng sẽ mang tới thành công và khép lại mùa điện ảnh Việt trong năm 2019 bắt đầu có những dấu ấn riêng. Cả hai bộ phim đều được tin tưởng sẽ mang về doanh thu trăm tỷ.

Với sức hút khủng khiếp của mình, chỉ sau 3 ngày công chiếu, Mắt biếc đã cán mốc doanh thu 50 tỷ đồng, lập kỷ lục là bộ phim Việt đạt được mốc doanh thu 50 tỷ nhanh nhất tính tới thời điểm này. Phim đã bỏ xa đối thủ là Chị chị em em (có sự tham gia của Thanh Hằng, Chi Pu) - đạt mức doanh thu khiêm tốn hơn với 30 tỷ đồng dù bộ phim của Kathy Uyên được chiếu sớm hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.